) Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - VnEconomy Emagazine
Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 1
Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 2

Thông điệp quan trọng này đã được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành gửi đến Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum) lần thứ tư, với chủ đề “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp”. Sự kiện do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức ngày 10/4/2024.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao chủ đề được lựa chọn năm nay đã thể hiện sự kết nối giữa Việt Nam và thế giới, giữa Chính phủ với các địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp, người dân trong phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 3

Theo Phó Thủ tướng, thế giới đang đứng trước thách thức lớn nhất là sự lựa chọn chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, với mô hình phát triển này, càng phát triển thì luôn đi liền với những vấn đề xã hội như: chênh lệch giàu nghèo, môi trường, an ninh lương thực, nguồn nước… Điều đó đòi hỏi các quốc gia phát triển và đang phát triển phải cùng hành động để đạt được một số mục tiêu.

“Kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp đã trở thành nhiệm vụ, xu thế không thể đảo ngược để bảo vệ trái đất và nhân loại”, Phó Thủ tướng nói.

Việt Nam đã chủ động tham gia rất sớm các thỏa thuận của Liên hợp quốc, đặc biệt là công ước về biến đổi khí hậu, môi trường, lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, hay các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã thể hiện rõ ý chí của Việt Nam trong việc lựa chọn mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26),  Việt Nam cũng đã đưa ra mục tiêu cam kết về Net Zero (bằng 0) vào năm 2050, dù ngay cả với các nước phát triển, đây vẫn là một thách thức lớn.  “Đã đến lúc phải hiện thực hóa, chuyển nhanh từ nhận thức sang hành động theo nguyên tắc tất cả các nước phải cùng nhau hành động trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển, bằng suy nghĩ toàn cầu, hành động từ mỗi người, mỗi địa phương, mỗi quốc gia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 4

Thời gian qua, Việt Nam đã có những nghị quyết, chiến lược, kế hoạch quan trọng, cơ chế, pháp luật cụ thể về bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng nhằm kiến tạo môi trường pháp lý, chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, kết nối với các sáng kiến quốc tế để thực hiện giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 cũng như thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và người dân vào kinh tế tuần hoàn.

Theo Phó Thủ tướng, phát triển bền vững là chặng đường còn khá xa, nhưng kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp sẽ là chặng đầu mà chúng ta bắt buộc phải đi qua mới đến được bền vững. Một chặng nữa mà chúng ta cần thay đổi, đó là sử dụng tài nguyên tri thức, con người, năng lượng tái tạo để phục dựng lại tài nguyên thiên nhiên, đưa nó trở lại trạng thái cân bằng về môi trường và hệ sinh thái. 

“Chỉ khi nào một đất nước phát triển phồn vinh, công ăn việc làm được tạo ra từ kinh tế tri thức và chính con người là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra những giá trị gia tăng, thì khi đó chúng ta mới đạt được mục tiêu”, ông Trần Hồng Hà nói. 

“Việt Nam lựa chọn kinh tế xanh, bền vững, để kiến tạo những thay đổi tiếp theo, với sự đồng hành của doanh nghiệp. Chính phủ, các địa phương sẽ luôn lắng nghe các doanh nghiệp về chính sách, sự hỗ trợ cần thiết với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, định chế tài chính toàn cầu”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 5

Về phía các bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cũng nhấn mạnh: phát triển kinh tế xanh và bền vững là xu thế không thể đảo ngược, đây cũng là một trong ba xu thế lớn tác động đa chiều đối với tất cả các quốc gia.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các công nghệ và xu hướng mới, nổi lên là trí tuệ nhân tạo (AI) và giảm phát thải carbon sẽ là hai nhân tố quyết định trong chu kỳ phát triển mới của thế giới.

“Năng lượng xanh, bền vững sẽ là bài toán phức tạp nhất đối với các nền kinh tế muốn phát triển các ngành công nghệ mới trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết.

Việt Nam - một nền kinh tế hội nhập và gắn kết sâu rộng với nền kinh tế thế giới - không thể nằm ngoài vòng xoáy phát triển xanh và bền vững hiện nay.  “Vấn đề đặt ra không phải chỉ là nằm trong vòng xoáy, mà Việt Nam cần quyết tâm nắm bắt cơ hội từ vòng xoáy đó để tạo đột phá trong phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nói.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 6

Từ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để cùng trao đổi, đánh giá từ các góc độ khác nhau về những xu thế mới, đồng thời tăng cường kết nối, đẩy mạnh hợp tác huy động nguồn lực cho quá trình xây dựng nền kinh tế xanh và bền vững.

Từ đơn vị đồng hành phối hợp tổ chức qua bốn mùa Diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times, nhấn mạnh từ sáng kiến của các diễn giả đại diện lãnh đạo các địa phương, ngành, doanh nghiệp được ghi nhận tại diễn đàn sẽ góp phần cho việc hoạch định chính sách cũng như thực tiễn của chính doanh nghiệp.

Những nội dung thảo luận, trao đổi đã tập trung vào các vấn đề trọng tâm và cấp bách về hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương và doanh nghiệp. Từ đó, một số đề xuất, khuyến nghị đã được nêu ra kèm theo cả thông điệp thể hiện tinh thần quyết tâm chuyển đổi xanh.

Với chủ đề Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững, Diễn đàn lần này đã thiết lập Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Cục Biến đổi khí hậu cùng các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua đó, nhằm thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, góp phần đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững của Việt Nam.

Cùng với lễ ký kết này, các đơn vị đã chuẩn bị kế hoạch hành động với nhiều chương trình cụ thể, thiết thực đồng hành với các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, phát thải carbon thấp, hướng tới cam kết Net Zero vào năm 2050.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 7

“Trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt Nam đã có những văn bản ở cấp rất cao, như Nghị quyết 24-NQ/TW, các chiến lược về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; các luật cũng được ban hành để bước đầu thể chế hóa, như Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện, Chính phủ đang tập trung để sửa đổi luật liên quan đến lĩnh vực điện lực.

Chính phủ dự kiến thay đổi một số nghị định, tạo môi trường pháp lý để có lộ trình chuyển đổi xanh; xây dựng một số cơ chế để các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ được hình thành.

Về xác định các mô hình kinh tế, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch để Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng thực hiện kinh tế tuần hoàn. Nhiều cơ chế liên quan đến việc làm thế nào để thực hiện được mục tiêu Net Zero cũng đang được thảo luận.

Trong công cuộc đó, chuyển đổi quan trọng nhất là liên quan đến năng lượng, trong đó tài chính và công nghệ là bài toán khó đối với các quốc gia, cũng như Chính phủ Việt Nam. Đây là mục tiêu dù khó khăn nhưng Chính phủ không thể không làm. Quan trọng nhất là bước đi ban đầu ở đâu, làm thế nào để có công nghệ.

Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách để quyết định trong thu hút FDI, đặc biệt là lựa chọn các dự án đầu tư. Hiện, nếu chỉ thu hút đầu tư dựa vào đất đai, nhân công giá rẻ…thì sẽ không còn giá trị.

Xu hướng thu hút đầu tư sắp tới sẽ có hai yếu tố: năng lượng xanh, tín chỉ xanh và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hai yếu tố này Việt Nam có tiềm năng và tài nguyên, nhưng để tận dụng phục vụ cho phát triển kinh tế, chúng tôi gửi gắm đến các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh”.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 8

“Tôi đánh giá cao chủ đề “Hướng tới kinh tế xanh và bền vững” của diễn đàn năm nay. Vì đây không chỉ là chủ đề của một hội nghị mà chính là cam kết, là quyết tâm của tất cả chúng ta, dù đại diện cho quốc gia phát triển hay đang phát triển, dù là chính phủ, địa phương hay doanh nghiệp để cùng chung tay thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Thứ nhất, phát triển kinh tế xanh và bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Trong bối cảnh tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống, cùng với những căng thẳng địa chính trị đe dọa an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp trở thành điều chỉnh bắt buộc.

Thứ hai, điểm đáng chú ý là hai xu thế tăng trưởng xanh và chuyển đổi số với phát triển của các công nghệ mới diễn ra đồng thời, tác động qua lại, đẩy nhanh cả hai tiến trình với tốc độ vượt trội.

Thứ ba, phải khẳng định cộng đồng quốc tế đã đạt nhận thức sâu sắc, có quyết tâm cao, mục tiêu tham vọng về việc cần hợp tác và hành động vì kinh tế xanh và bền vững.

Vấn đề cấp bách hiện nay là biến các cam kết thành các hành động; biến các ý tưởng, sáng kiến thành nguồn lực; biến mong muốn, tầm nhìn thành những kết quả cụ thể để không nước nào bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế toàn cầu một cách bền vững.

Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp trên chặng đường hướng tới kinh tế xanh và bền vững, thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là kết nối đối tác, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao”.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 9

“Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thành phố Hải Phòng luôn là một trong những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội.  Thay mặt Thành phố Hải Phòng, tôi đề xuất ba vấn đề chính.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại COP26 được đánh giá là rất ấn tượng, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề phát triển bền vững, phát thải ròng hay trung hòa carbon còn khá mới mẻ đối với một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam.

Đối tượng đóng vai trò đầu tàu và thúc đẩy mạnh mẽ cam kết phát thải ròng bằng 0, hay phát triển xanh chính là các doanh nghiệp. Do đó, đề xuất các doanh nghiệp phải thể hiện tinh thần tiên phong, đi đầu để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Trên cơ sở đó, Chính phủ và các địa phương cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, bằng cách trước mắt cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới, theo hướng xanh, bền vững.

Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương. Do đó, các địa phương trên cả nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của Chính phủ.

Thứ ba, hưởng ứng định hướng chiến lược của Chính phủ về phát triển xanh, bền vững, Thành phố Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch xanh.

Với vị thế là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, là đầu tàu kinh tế của Khu vực phía Bắc, Thành phố Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của đất nước, đưa Hải Phòng trở thành một “thành phố xanh” dựa trên cơ sở một nền kinh tế xanh, bền vững.

Đồng thời, triển khai hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh của thành phố trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố với tầm nhìn mục tiêu trở thành hình mẫu của một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 10

“Phát triển xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang hướng tới thiết lập áp dụng các hàng rào carbon với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo thực hiện các cam kết đóng góp có trách nhiệm về biến đổi khí hậu cùng cộng đồng quốc tế. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam đã xác định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình cụ thể để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Diễn đàn Vietnam Connect 2024 là một cơ hội quan trọng để nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra các nguồn lực mới, mở ra thị trường mới.

Việt Nam cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ áp dụng các giải pháp quản lý công nghệ thiết bị kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Các bộ ngành, địa phương đã và đang nghiên cứu phát triển, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, điện nhiệt, sinh khối, hydrogen xanh…”.

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 11

VnEconomy 16/04/2024 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2024 phát hành ngày 08/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thông điệp chuyển đổi xanh từ Diễn đàn Vietnam Connect 2024 - Ảnh 12