) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - VnEconomy Emagazine
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 1
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 2

Hơn 300 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trên cả nước, lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng sự tham dự của lãnh đạo một số ban, bộ ngành trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, các chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế đã tham dự Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) diễn ra vào chiều ngày 8/7/2025 tại Thủ đô Hà Nội.

Với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới”, Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương chủ trì, giao Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 3

Đồng chủ trì Diễn đàn có đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, cho biết Diễn đàn là một phần trong cách tiếp cận mới của cơ quan này khi xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” để trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Trong cách tiếp cận mới này, các chủ thể của nền kinh tế Việt Nam đều có cơ hội để chia sẻ ý kiến, đề xuất tháo gỡ các rào cản, vướng mắc, cũng như hiến kế các giải pháp nhằm tạo sự đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Trong hơn 3 giờ đồng hồ trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội, Diễn đàn đã trở thành một phiên toàn thể, làm việc thực chất, nơi các vấn đề không chỉ được nêu ra mà còn được phản hồi và định hướng giải quyết ngay lập tức. Những ý kiến này sau đó sẽ được Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương chắt lọc để hoàn thiện Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” nói riêng và phục vụ cho công tác tham mưu chiến lược nói chung.

“Nếu tự thân làm một đề án thì chúng tôi vẫn làm được, vẫn trình được, có kết luận và chỉ thị; tuy nhiên, có thể sẽ không đáp ứng được yêu cầu của tất cả mọi người. Cho nên, hôm nay chúng tôi thực hiện một bài toán ngược là lắng nghe mọi người muốn gì, sau đó cố gắng thể chế hóa, chính trị hóa, chủ trương hóa và đường lối hóa những mong muốn này với điều kiện chúng tôi thấy điều đó xác đáng để sau đó chúng ta có thể thực hiện nó tốt hơn. Những ý kiến được chắt lọc tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 sẽ là những đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng đề án", ông Trần Lưu Quang khẳng định.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 4

"Chúng ta đều có mong muốn sao cho đất nước phát triển mạnh mẽ. Có lẽ cách duy nhất để làm được điều này là tập hợp sự đóng góp của tất cả mọi người, các cơ quan, ban ngành, địa phương từ mọi miền đất nước. Chúng ta đã xác định nhiều lần có hai mục tiêu 100 năm vào năm 2030 và 2045 để đạt được sự phát triển bền vững, ổn định và chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao", Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu.

Đồng thời, ông Trần Lưu Quang đưa ra câu hỏi trọng tâm mà Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 cần trả lời: “Với mục tiêu tăng trưởng hai con số, tất cả chúng ta cần phải làm gì và làm thế nào? Trong khái niệm làm thế nào, đề nghị các ý kiến làm rõ cả kiến nghị và đề xuất ở cấp Trung ương và địa phương”.

Để thực hiện mục tiêu vươn mình của dân tộc và đẩy mạnh phát triển kinh tế, cho đến nay Đảng và Nhà nước đã có những định hướng chiến lược, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ.

“Hôm nay thực hiện Diễn đàn này, chúng tôi và có thể cả quý vị đều cảm thấy hào hứng và tự tin hơn vì chúng ta đã chứng kiến được những sự đổi thay rất mạnh mẽ, có tính cách mạng trong rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều chủ trương, đường lối, trong cách làm, trong tư duy mới, cách tiếp cận mới như việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính. Một số nghị quyết có tính chất chiến lược mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Điều này cũng có nghĩa là tạo cho chúng ta - tất cả những người tham gia Diễn đàn này - một áp lực rất lớn, đó là làm sao để những câu chữ mà chúng ta từng nghe, từng viết biến thành của cải, thành sự phát triển, thành một ngày mai tươi sáng”, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 5

Cách tiếp cận này đã cho thấy sự đúng đắn khi từ những ý kiến được các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia kinh tế chia sẻ trong Diễn đàn, giúp làm rõ hơn 3 điểm nghẽn đáng chú ý trong quá trình cải cách thể chế và áp dụng quy định, luật mới.

Điểm nghẽn thứ nhất, thiếu sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước để ươm mầm và phát triển khối kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang chia sẻ, tại một số quốc gia, việc phát triển doanh nghiệp được chú ý kể từ những bước sơ khai, với sự tham gia của nhà nước để giúp các doanh nghiệp này trụ vững trong thời gian đầu. Theo đó, có những doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ lên đến hàng tỷ USD của chính phủ trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn trong việc bước chân vào chuỗi cung ứng quốc tế hay thâm nhập thị trường của các quốc gia phát triển, đặc biệt trong những ngành đòi hỏi trình độ kỹ thuật, công nghệ cao.

Mặc dù nhận định Việt Nam không thể có nguồn lực như những nền kinh tế hàng đầu thế giới, ông Trần Lưu Quang cũng khẳng định Đảng, Nhà nước rất quyết tâm trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân để đưa nền kinh tế tăng trưởng hai con số,

“Việc chị Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, nhắc đến hai chữ niềm tin của doanh nghiệp làm chúng tôi rất xúc động. Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là sự minh chứng cho niềm tin từ cả hai phía, niềm tin của Đảng, Nhà nước vào doanh nghiệp cũng như niềm tin của doanh nghiệp dành cho người lãnh đạo, cho Đảng và Nhà nước”, ông Trần Lưu Quang nhận định tại Diễn đàn.

Để hiện thực hóa niềm tin trên, trước những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đã gợi ý một số hình thức để thể hiện sự hỗ trợ và đồng hành của Nhà nước đối với khối kinh tế tư nhân. Mặc dù các chương trình hỗ trợ, bao gồm cả những chương trình có nguồn vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, đang gặp khó khăn trong việc giải ngân do thủ tục pháp lý phức tạp, nhưng Nhà nước có thể đưa ra những chính sách ưu đãi hơn về thuế cho những doanh nghiệp dựa trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Ý tưởng về ưu đãi thuế dựa trên hoạt động của doanh nghiệp thì rất công khai, minh bạch và là một sự hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp”, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách ưu đãi hay nguồn vốn của Nhà nước, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng chỉ đạo chính quyền địa phương cần phải có tinh thần đúng đắn, chủ động lắng nghe và giúp tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp.

“Có thể là lãnh đạo địa phương dù không làm được gì, nhưng khi doanh nghiệp gặp khó khăn cũng đích thân đến tìm hiểu câu chuyện. Chỉ một cử chỉ nhỏ như trên cũng đủ để động viên họ làm được chuyện lớn lao”, ông Trần Lưu Quang phát biểu.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 6

Điểm nghẽn thứ hai, một số quy định sau quá trình cải cách thể chế vẫn chưa đầy đủ, phù hợp, gây khó cho người dân và doanh nghiệp.

Một trong số ví dụ được nêu lên tại Diễn đàn là một số quy định trong Luật Đất đai.  Do có liên quan đến 60 luật khác, Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế, vừa tác động đến hoạt động xây dựng, bất động sản, vừa ảnh hưởng đến quá trình mở rộng hoạt động sản xuất.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai nhằm giải quyết 3 vấn đề chính là giá đất, sự bất cập trong quy định của một số văn bản dưới luật, sự chưa đồng bộ cũng như vướng mắc trong kế hoạch sử dụng đất, ông Trần Lưu Quang cho biết trong cuộc họp Trung ương sắp tới, dự kiến được tổ chức trong tháng 7, sẽ cho ý kiến về sơ kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Chủ trương đưa ra tại Hội nghị sẽ là cơ sở để chỉnh sửa Luật Đất đai trong tháng 10/2025.

Điểm nghẽn thứ ba, sự chồng chéo của hệ thống văn bản dưới luật.

Tại Diễn đàn, một số doanh nghiệp cho biết tuy hiểu rằng doanh nghiệp cần phải tuân thủ quy định, pháp luật của Nhà nước, nhưng lại gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian khi hoạt động do hệ thống văn bản dưới luật của từng bộ, ngành, từng địa phương lại có sự chồng chéo. 

Ông Trần Lưu Quang chia sẻ do bản thân đã từng trải qua vị trí lãnh đạo tại địa phương nên cũng hiểu được những vướng mắc và khó khăn mà các doanh nghiệp hiện gặp phải với hệ thống văn bản dưới luật.

“Có thể người dân họ không đọc luật. Thậm chí doanh nghiệp cũng không thường xuyên cập nhật nghị định mà chỉ đọc thông tư. Chúng ta chưa có sự kiểm soát kỹ hệ thống văn bản dưới luật, dẫn đến nhiều vướng mắc”, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đánh giá việc mắc kẹt khi tuân thủ các văn bản dưới luật đang khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Ông Trần Lưu Quang cũng đề nghị ông Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đề xuất đường hướng và giải pháp để tháo gỡ cho các doanh nghiệp.   

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 7

Bên cạnh việc giải quyết những vấn đề hiện hữu, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng đánh giá rằng vẫn có một số lĩnh vực dù chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế và dư địa tăng trưởng lớn, vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức trong quá trình cải cách thể chế. 

Theo đó, ngành du lịch đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nói chung và trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số nói riêng. Theo quy hoạch đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 140 – 160 triệu lượt khách nội địa, tạo ra 10,5 triệu việc làm và đóng góp 14-15% GDP. Theo đó, từ năm 2025-2030, ngành du lịch được hoạch định đóng góp 1% tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên, những quy định pháp luật hiện hành chưa thực sự hỗ trợ ngành du lịch có sự bứt phá, cạnh tranh với các cường quốc du lịch trong khu vực như Thái Lan.

Du lịch Việt Nam, dù được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và có tiềm năng vượt qua các cường quốc du lịch trong khu vực, nhưng hiện chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Người đứng đầu Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết sẽ chỉ đạo nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Ngoài ngành du lịch, nông nghiệp, vốn là thế mạnh cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam, cũng là một lĩnh vực được đánh giá là chưa khai phá hết được tiềm năng phát triển trong kỷ nguyên mới.

Sau khi lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp về đề án nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng thành tựu của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Trần Lưu Quang đánh giá đây là một sáng kiến mà Nhà nước cần quan tâm hơn; đồng thời, ông chỉ đạo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp làm việc cùng doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ nguồn vốn cho đề án nếu thấy phù hợp.

“Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nếu không khai thác được thế mạnh này thì chúng ta có lỗi. Việc đảm bảo an ninh lương thực đã là một thành quả đáng quý, nhưng bây giờ phải nghĩ theo một hướng khác để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo hiệu quả cao của sản xuất nông nghiệp”.

Sau hàng loạt kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp tại Diễn đàn, ông Trần Lưu Quang bày tỏ tin tưởng về cơ hội vươn mình của dân tộc với vị thế, hình ảnh, tiềm lực ngày càng lớn mạnh của đất nước, với sự cải cách và thay đổi có tính cách mạng trong thời gian qua, với sự đồng lòng, chung tay, góp sức, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; với chiến lược đúng và mô hình phù hợp, tư duy, cách tiếp cận và cách làm mới, nỗ lực, chủ động liên kết, phối hợp tốt. 

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 8

Tổng hợp các ý kiến tại Diễn đàn, ông Trần Lưu Quang đánh giá cao các ý kiến phát biểu, đề xuất, kiến nghị tại Diễn đàn và cho biết sẽ tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” mà Ban đang thực hiện sẽ phải chọn lọc lại vì không thể nào truyền tải hết được, nhưng sẽ dùng vào lúc này, lúc khác, kể cả có những ý kiến không đồng tình bây giờ nhưng cũng xin phép được ghi nhận để ngẫm nghĩ thêm vì chắc chắn mỗi ý kiến đều có cơ sở, lý lẽ của nó.

Liên quan câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có đạt được tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, kể từ năm 2026 hay không?, ông Trần Lưu Quang khẳng định đây là một vấn đề rất lớn, có khả thi nếu có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương. “Phát triển hai con số không đồng nghĩa với việc tất cả lĩnh vực phải tăng tốc đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, mà quan trọng là đạt hiệu quả tổng thể bền vững và bao trùm”, ông nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng này, ông Trần Lưu Quang đưa ra bốn điều kiện tiên quyết.

Thứ nhất, cần có sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thứ hai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc về thể chế.

Thứ ba, cần có chiến lược và mô hình phát triển đúng, lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực cốt lõi.

Thứ tư, sẵn sàng ứng phó với các cú sốc bên ngoài khi độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn.

“Cơ hội hiện nay của Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Niềm tin vào cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế với tư duy đổi mới mang tính cách mạng, chính là nền tảng để chúng ta bứt phá. Các cấp có thẩm quyền sẽ tiếp thu, chọn lọc các kiến nghị thiết thực để đưa vào chính sách và chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới”, ông Trần Lưu Quang khẳng định.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 9

VnEconomy 14/07/2025 17:10

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2025 phát hành ngày 14/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-28.html

 

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới: Tìm giải pháp từ cách làm mới - Ảnh 10