Khái niệm “hiền tài” mỗi thời dù có những chuẩn mực khác nhau nhưng bản chất vẫn là những người vừa có học thức cao, trí tuệ sáng suốt, lại vừa có đạo đức, văn hóa ứng xử tinh tế. Ngày nay, những trí thức tầm cỡ như vậy cũng có thể gọi là “hiền tài” và nhân dân thật sự mong muốn họ mang hết tài năng cống hiến vì sự hưng thịnh của đất nước. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt cuộc đời hoạt động vì nước, Người đã luôn quan tâm đến đội ngũ trí thức, Người nói: "Trí thức là nhân tài của đất nước".
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc cũng như công cuộc xây dựng kiến tạo đất nước với mục tiêu làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ rất quan tâm đến đội ngũ trí thức. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” một lần nữa khẳng định vai trò của đội ngũ trí thức. Nghị quyết đã xác định rõ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa then chốt đối với vận mệnh và tương lai dân tộc; đồng thời, đưa ra chiến lược phát triển đội ngũ trí thức và chính sách đối với nhân tài để họ có điều kiện phục vụ đất nước.
Trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng mới đây cũng nhấn mạnh tới việc xây dựng đội ngũ trí thức có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Trong đó, đặc biệt là cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức; trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng…
Lịch sử đã chứng minh, đất nước chỉ hưng thịnh khi khơi dậy được lòng yêu nước, quy tụ được người tài đức dốc lòng vì nước, vì dân, dám xả thân vì đại nghĩa. Chắc chắn rằng đất nước không có người hiền tài thì không thể hưng thịnh.
Sử sách nước ta từng ghi nhận vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) triều Hậu Lê là bậc vĩ nhân của đất nước, là vị vua anh minh, văn võ tài lược, nhà cách tân vĩ đại, là đại diện của sự ấm no và an lành, thái bình và thịnh trị. Sự hưng thịnh của đất nước dưới thời vua Lê Thánh Tông là một minh chứng cho việc sử dụng, đào tạo các bậc hiền tài phục vụ đất nước. Sự hưng thịnh của đất nước không chỉ thể hiện sự giàu có vật chất mà còn phải giàu có cả văn hóa, tinh thần. Đó là thành quả của sự đóng góp to lớn mang tính quyết định của các nhà trí thức, bao gồm các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà giáo, nghệ sỹ, nhà văn hóa, nhà báo… Sứ mệnh của các nhà trí thức là đấu tranh cho cái thiện, phê phán, loại bỏ cái ác ra khỏi đời sống xã hội.
Vì vậy, Đảng và nhân dân mong muốn trí thức là những người có hoài bão và ý chí lớn, có lối sống cao quý, cao thượng, sống vì dân, vì nước, đem tài năng, kiến thức, hiểu biết của mình để phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Đặc biệt, khi nói về trí thức, Bác luôn nhấn mạnh phẩm chất gương mẫu: người trí thức phải có nhân cách, có cốt cách, có lối sống, văn hóa để làm gương cho những người khác.
Có thể nói quan niệm của Bác về trí thức là rất toàn diện, cả trí tuệ, đạo đức, văn hóa và quan trọng nhất là động cơ vì nước, vì dân, tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc để xây dựng đất nước, phát triển dân tộc nhằm thực hiện ba giá trị cốt lõi: độc lập, tự do và hạnh phúc. Bác Hồ là tấm gương trong sáng của một bậc hiền tài, là một nhà văn hóa kiệt xuất, một trí thức lớn của dân tộc.
Trước đây, chúng ta đã có nhiều nhà khoa học, trí thức bằng tài năng đức độ của mình đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc kháng chiến, cho việc phát triển kinh tế như GS. Trần Đại Nghĩa, nhà bác học Lương Định Của, bác sĩ Đặng Văn Ngữ…
Ngày nay, để trở thành một nước hưng thịnh trong thời đại Công nghiệp 4.0, chúng ta lại càng thấy vai trò to lớn của trí thức. Việt Nam có trở thành một nước hùng cường hay không là phụ thuộc vào đội ngũ trí thức Việt Nam. Đội ngũ trí thức là nền tảng để thúc đẩy các giá trị và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Những năm gần đây, đội ngũ trí thức Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo khoa học. Tuy nhiên, làm sao để tập hợp đội ngũ trí thức được đào tạo ở cả trong và ngoài nước để tạo thành nền tảng vững chắc giúp đất nước hưng thịnh là một vấn đề lớn.
Điều này phụ thuộc vào chính sách đào tạo, sử dụng trí thức của Đảng, Nhà nước. Mặc dù, phương châm lãnh đạo trí thức của Đảng là phải hiểu trí thức, hiểu con người trí thức, hiểu nghề nghiệp của họ, tạo mọi điều kiện để trí thức có điều kiện, có môi trường để cống hiến nhưng mọi điều chưa đạt như kỳ vọng.
Nhiều năm qua, các cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương luôn nói trải thảm đỏ đón nhân tài, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng thấy rõ vai trò của người tài đối với bộ, ngành, địa phương… Nhiều ý kiến còn lo ngại không khéo lại làm cho nhân tài bị thui chột. Do đó, cần phải tư duy vấn đề cho đúng để có những chính sách cho việc sử dụng, đào tạo trí thức, tạo nền tảng cho sự hưng thịnh của đất nước.
Nhìn nhận vấn đề này, nhiều người cho rằng nếu muốn thu phục được người tài, trước tiên, năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ đứng đầu các cấp cần phải ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong thời kỳ hội nhập, thời kỳ cách mạng khoa học và công nghệ phát triển.
Thứ hai, phải xác định rõ các khái niệm “đội ngũ trí thức”, từ đó đưa ra các khung tiêu chí chất lượng của đội ngũ này sẽ gồm những ai, trình độ, năng lực trong từng lĩnh vực ra sao... Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều địa phương, ngành đánh giá có người tài trình độ không tương xứng với bằng cấp hay người tài không thành thạo ngoại ngữ, tin học…
Thứ ba, việc xây dựng, đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức phải phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước ở mọi lĩnh vực; phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết, khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc của đội ngũ trí thức…
Thứ tư, các chính sách phải đủ sức “hấp dẫn” đối với trí thức, như: môi trường làm việc phải thật sự dân chủ, thuận lợi để trí thức phát huy tài năng, sở trường và chuyên tâm cống hiến; có chính sách đãi ngộ tương xứng với tài năng của trí thức…
Khi có một đội ngũ trí thức mạnh làm nền tảng thì “kỷ niệm 100 năm thành lập nước (ngày 2/9/2045)” Việt Nam sẽ: “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” đúng như mục tiêu mà Đảng đề ra.
VnEconomy 03/09/2023 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2023 phát hành ngày 04-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam