) Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - VnEconomy Emagazine
Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 1
Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 2

Nhật Bản là đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Ông hãy chia sẻ những kết quả ấn tượng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Nhật Bản?

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những FTA này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản đã và đang được hỗ trợ rất tích cực thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục là đối tác đầu tư và viện trợ ODA hàng đầu tại Việt Nam.

Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 3

Ông đánh giá như thế nào về những kết quả này?

Những kết quả hợp tác thời gian qua cho thấy mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng với tiến trình phát triển của mỗi nước.

Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản không đơn thuần chỉ là hợp tác kinh tế, thương mại mà còn là một tình bạn chân thành được xây dựng dựa trên lòng tin, hiểu biết và sự tôn trọng. Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài, ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò ở khu vực và trên các diễn đàn quốc tế. Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong triển khai chiến lược hợp tác về đối ngoại, kinh tế, thương mại của Nhật Bản tại khu vực.

Với những thành tựu đã đạt được và mối quan hệ hữu nghị, gắn bó mật thiết trên nhiều khía cạnh, hai nước có rất nhiều cơ hội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, đặc biệt là trong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường như hiện nay.

Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 4

Vậy, triển vọng xuất, nhập khẩu của hai nước trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại do hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ hết sức dồi dào, có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng.

Nhìn chung, cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng gồm: thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại…

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

Có thể nói nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính cho Nhật Bản.

Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 5

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới sẽ được hỗ trợ nhiều hơn nữa khi doanh nghiệp hai bên khai thác những lợi thế, ưu đãi về thuế từ các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, RCEP… 

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, với các lợi thế nhờ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng, tình hình chính trị - xã hội ổn định, trình độ nhân lực ngày càng cao.

Báo cáo khảo sát năm 2022 của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Việc nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở mới, mở thêm nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 6

Đặc biệt, năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước?

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 21 tháng 9 năm 1973. Kể từ đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng,… từ cấp lãnh đạo trung ương tới các cấp cơ sở, các địa phương. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009 và nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” vào năm 2014.

Năm 2023, Việt Nam – Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời là năm đánh dấu quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực với với sự tin cậy chính trị cao.

Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 7

Kể từ đầu năm, hai bên đã triển khai rất nhiều các hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, như: trao đổi đoàn cấp cao, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đầu tư… Đây chính là chủ trương, là hành động cụ thể của Đảng, Nhà nước và Chính phủ hai bên nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, đồng thời góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước sau thời gian dài chịu tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch công tác và cũng là hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên dự kiến tổ chức Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng vào quý 4/2023. Đây là cơ chế hợp tác quan trọng do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đồng chủ trì.

Thông qua kỳ họp, hai bên sẽ rà soát tình hình hợp tác, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời đưa ra các giải pháp, sáng kiến nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng. 

Với nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như mối quan hệ hợp tác toàn diện, tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, chắc chắn 2023 sẽ là một năm rất quan trọng và có ý nghĩa trong phát triển quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.

Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 8

VnEconomy 04/09/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2023 phát hành ngày 04-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 9