) Triết lý giáo dục Trần Phương - VnEconomy Emagazine
Triết lý giáo dục Trần Phương - Ảnh 1

Chủ nhật, tôi tới Trường. Bình thường Trường nhộn nhịp, đông vui là vậy, mà ngày nghỉ thật vắng vẻ. Tôi vào phòng, trước mặt là bản thảo “Vì sự nghiệp trồng người” - tuyển tập những bài viết và phát biểu của Giáo sư Trần Phương về giáo dục, đào tạo mà Gia đình Giáo sư đã dày công sưu tầm, tổng hợp.

Tôi được giao viết lời giới thiệu cuốn sách. Nhiệm vụ thật nặng nề, vì đối với Giáo sư, tôi chỉ là hàng con cháu. Vậy nên, tôi hết sức băn khoăn, không biết viết như thế nào đây? Suy nghĩ mãi, tôi quyết định đọc lại toàn bộ các bài để tìm hiểu sâu hơn về ông.

Tôi cầm tập bản thảo, chỉnh lại ngay ngắn, rồi trịnh trọng lật trang đầu tiên và nhanh chóng lạc vào thế giới của ông, tất nhiên, chỉ một phần - về lĩnh vực giáo dục đào tạo. Không gian tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng máy lạnh rì rào như tiếng của dòng thác nơi đại ngàn vọng lại. Vậy mà, vừa lướt qua được mấy dòng thì sóng gió đã nổi lên, tôi lập tức bị cuốn vào cuộc tranh luận về giáo dục đại học. Cuộc tranh luận nảy lửa giữa một bên là Trần Phương và một bên là… sự tĩnh lặng.

TỪ CÂU CHUYỆN CÔNG TƯ, ĐẾN CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ  

Ông đứng đó, một mình, với mái đầu húi cua và giọng nói đầy nội lực. Ông kể chuyện, đặt câu hỏi, rồi tự trả lời. Câu chuyện của ông tuy không mới, thậm chí còn rất đời thường, nhưng cái mới, cái không bình thường lại nằm ở triết lý của ông, ở tư duy đổi mới và những luận cứ sắc bén xen lẫn những minh chứng rất thuyết phục mà ông nêu ra.

Ông kể, sau khi nộp đơn xin mở trường mãi không thấy hồi âm, đi hỏi, thì người ta bảo còn đang vướng. Vướng thế nào? Vướng là vì có vị ở “trên” đặt vấn đề: “Trường đại học thì Nhà nước phải lo, sao lại giao cho tư nhân?”. Nghe vậy, ông không khỏi chạnh lòng, thất vọng thốt lên: “Ôi, cái tư tưởng mới “kỳ lạ” làm sao! “Tư nhân” ở đây là ai? Là những giáo sư đã bạc đầu với nghề dạy học ở các trường công lập. Còn Nhà nước ư? Nhà nước đã tỏ ra bất lực trước nhu cầu của người học đang tăng lên từng ngày” và yêu cầu bức bách của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nếu không khuyến khích, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân ghé vai cùng gánh vác thì làm sao khắc phục được đây?

 
Giáo sư Trần Phương
Giáo sư Trần Phương

"Khi đứng ra thành lập trường đại học của Hội, cá nhân tôi cũng như các thành viên sáng lập khác, không ai nghĩ đến chuyện làm giàu bằng hoạt động giáo dục. Vì vậy, mục tiêu vì lợi nhuận đương nhiên bị bác bỏ”.

Bao nhiêu năm bôn ba trong cái nôi “Nhà nước”, giờ chuyển sang môi trường “tư thục”, ông mới có dịp so sánh. So sánh và băn khoăn, cũng là nhân vật ấy, mà tại sao khi ngồi ở vai “Nhà nước” thì được trọng thị, còn khi chuyển sang cái vị trí “tư thục” lại bị phân biệt đối xử. Ông đặt câu hỏi: Nhà nước bỏ tiền ra xây trường công, lại trả lương cho giáo viên trường công. Sinh viên trường công vì thế được ưu ái hơn sinh viên trường tư. Như vậy liệu có công bằng không, khi sau này ra trường các em đều phục vụ cho đất nước, bất kể học trường công hay trường tư?

Còn nếu bảo trường công đào tạo ra cán bộ “công”, thì cũng không đúng, sinh viên tốt nghiệp trường công đi làm tư rất nhiều và ngược lại. Trường của ông cũng có tới 20% sinh viên ra trường trở thành cán bộ “công”, chứ có ít đâu? Ông ủng hộ chủ trương xã hội hóa, nhưng xã hội hóa phải bắt đầu ngay từ trường công, ông cho rằng sinh viên trường công cũng cần thực hiện nghĩa vụ đóng học phí như sinh viên trường tư. Còn ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục đào tạo, dù ít dù nhiều, cũng phải phân bổ cho cả công và tư. Có như vậy mới công bằng chứ.

Ở phương Tây, một thời người ta cũng bao cấp cho trường công, chi ngân sách chỉ dành cho trường công, sau đó thì bị người dân chất vấn kịch liệt, các nhà lập pháp trong Quốc hội đuối lý, chịu thua, phải phân cho cả công và tư.

Từ câu chuyện công tư, chuyển sang câu chuyện quản lý. Ông bảo quản lý nhà nước đối với giáo dục vẫn bị chi phối bởi cái tư tưởng “quản cho chặt”, nói đến quản lý nhà nước là các ngành, các cấp đều muốn “quản cho chặt”. Trước đây, cũng vì “quản cho chặt” mà cuối cùng đói, đến mức ông Võ Văn Kiệt, bà Ba Thi(1) cũng phải xé rào đi “mua chui” gạo về cứu đói cho dân Thành phố. Bây giờ tư tưởng “quản cho chặt” vẫn chưa hết, vẫn còn nặng nề lắm. Vì “quản cho chặt” cho nên thành lập trường đại học cũng phải Thủ tướng cho phép?

Trong khi đó, ở nước ngoài, ai muốn mở trường thì đăng ký, giống như đăng ký lập công ty thôi, có phải xin phép gì đâu? Công ty nhỏ cũng vậy, công ty to có vốn hàng tỷ đô la cũng vậy, muốn hoạt động thì đăng ký, không phải xin phép gì cả. Vậy mà ở ta, Hiệu trưởng cũng phải được Bộ trưởng công nhận. Ông đặt câu hỏi: “Bộ biết gì về các vị hiệu trưởng mà công nhận hay không công nhận? Người ta bầu nhau lên, nay người này, mai người khác, việc gì phải xin phép Bộ?”.

Ông dẫn chứng một lô một lốc cái biểu hiện của tư tưởng “quản cho chặt”, nào là điều kiện thành lập trường, giao chỉ tiêu tuyển sinh, rồi cả việc quyết định chương trình đào tạo… tất tần tật, cái gì cũng phải qua Bộ, cái gì cũng phải Bộ cho phép. “Quản cho chặt”, chặt đến mức “Bộ làm giống như tranh việc của trường, vẫn coi các trường đại học như những đứa con nhỏ đang còn phải bú mớm”. Ông chua chát: “Ai là cơ sở giáo dục đại học? Đó là những giáo sư, phó giáo sư, những người bạc đầu trong cái nghề dạy học, có phải ba đứa nhóc con đâu?”.

Điều đáng nói là “quản cho chặt” lại chính là cánh cổng mở ra cho cơ chế xin cho. Ông có hẳn một bài báo về cơ chế xin cho, trong đó ông lấy ngay ví dụ thực tế của mình để chứng minh cơ chế này nó tệ hại như thế nào. (Tuy nhiên, công bằng mà nói, cho đến nay, mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học đã được cải thiện nhiều. Nhiều vấn đề ông đặt ra cũng đã từng bước được khắc phục).

MỤC TIÊU TỐI THƯỢNG: “VÌ LỢI ÍCH TRĂM NĂM - TRỒNG NGƯỜI”

Hết tranh luận về tư tưởng “quản cho chặt”, ông chuyển sang tranh luận về thương mại hóa. Trước đây quy định “cấm thương mại hóa giáo dục”, đã bị ông phê phán, giờ sửa lại thành “cấm hành vi giáo dục vì mục đích vụ lợi”, ông vẫn phê phán. Theo ông, khi nói “chống thương mại hóa giáo dục” thì thương mại đã được hiểu với nội hàm tiêu cực. Ông bảo, hiểu như thế là sai. Vốn là lý luận gia về kinh tế, ông viện dẫn lý thuyết của C. Mác, theo đó “thương mại là sự trao đổi giữa các vật ngang giá”. Khi có người bảo “thương mại là mua rẻ bán đắt”, thì Mác đã phản bác lại bằng dẫn chứng “không một dân tộc nào giàu lên bằng cách mua rẻ bán đắt cả”. Rồi ông kết luận: “Như vậy, gán cho thương mại cái nội hàm tiêu cực là không khoa học, không phù hợp với thực tế lịch sử”.

Giáo sư Trần Phương rất tâm đắc với mô hình trường đại học tư thục hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mô hình này đã hình thành trong ông ngay từ trước khi ông và các cộng sự thành lập ra Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội.
Giáo sư Trần Phương rất tâm đắc với mô hình trường đại học tư thục hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mô hình này đã hình thành trong ông ngay từ trước khi ông và các cộng sự thành lập ra Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội.

Thương mại chả có tội lỗi gì cả. Vậy nên, nói chống thương mại hóa giáo dục là sai. Chắc là biết sai, nên người ta mới bỏ cụm từ đó, thay bằng cụm từ “cấm hành vi giáo dục vì mục đích vụ lợi”. Nói vậy, theo ông, càng sai. Ông vặn lại: “Thế nào là vụ lợi? Là kiếm lợi nhuận chứ gì? Thế các trường nước ngoài như RMIT ta cho phép nó vào đây, nó có kiếm lợi nhuận không? Hay là luật của ta có ghi, các trường tư thục nếu kiếm lợi nhuận thì phải đóng thuế. Tức là trong luật đã thừa nhận vụ lợi rồi”, sao lại quy định cấm?

Hết phê phán về nội dung, ông chuyển sang tranh luận về từ ngữ. Ông tuyên bố, không có khái niệm thương mại giáo dục, và do đó, cũng không có khái niệm thương mại hóa giáo dục. Trong từ điển không có, ngoài đời cũng không có. Không ai buôn bán giáo dục. Giáo dục không phải là một hàng hóa, mà là một dịch vụ xét dưới góc độ kinh tế học.

Giáo sư Trần Phương rất tâm đắc với mô hình trường đại học tư thục hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mô hình này đã hình thành trong ông ngay từ trước khi ông và các cộng sự thành lập ra Trường Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội. Trong các bài viết, bài phát biểu của mình, ông cũng nhiều lần đề cập đến mô hình này. Ông có hẳn một bài tham luận với tiêu đề “Về trường đại học phi lợi nhuận” trình bày tại một cuộc hội thảo do Hiệp hội các trường đại học cao đẳng ngoài công lập tổ chức tại Hà Nội năm 2014. Ông viết: “Khi thành lập trường ngoài công lập, người ta có hai lựa chọn: hoặc là trường lợi nhuận (trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận), hoặc là trường phi lợi nhuận (trường hoạt động không vì lợi nhuận)”.

Ông phân tích điểm mạnh, điểm yếu của hai loại hình và khẳng định: “Khi đứng ra thành lập trường đại học của Hội, cá nhân tôi cũng như các thành viên sáng lập khác, không ai nghĩ đến chuyện làm giàu bằng hoạt động giáo dục. Vì vậy, mục tiêu vì lợi nhuận đương nhiên bị bác bỏ”, “Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngay từ ngày đầu thành lập đã xác định mục tiêu tối thượng của mình là “Vì lợi ích trăm năm - trồng người”, không nhằm mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi đã từ chối những khoản vốn góp lớn của các nhà đầu tư và làm theo cách “góp gió thành bão”, tức là dựa vào những khoản vốn góp nhỏ bé của các sáng lập viên, các cán bộ nhân viên và cộng tác viên của Trường, họ đều là các nhà trí thức rất nhiệt tình với sự nghiệp trồng người, nhưng phần đông chẳng có nhiều tiền”.

Để đảm bảo tính chất phi lợi nhuận của Trường, Hội đồng sáng lập đã thống nhất xác định hai nguyên tắc: một là, vốn góp vào Trường không được chia lợi nhuận, chỉ được hưởng lãi suất hàng năm bằng lãi suất tiết kiệm gửi vào ngân hàng; hai là, mỗi cổ đông/một phiếu biểu quyết, không phân biệt số vốn góp ít hay nhiều. Ông giải thích nguyên tắc này cho phép thực thi dân chủ đối với toàn thể cổ đông, bởi vì, theo ông: “Sự thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào những người có nhiều vốn góp, mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài”.

Không chỉ đề cập đến những vấn đề chung của hoạt động đào tạo, ông còn quan tâm đến từng hoạt động cụ thể của Trường, như vấn đề hợp tác quốc tế, thiết kế chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy,… trong đó hai đối tượng được ông chú ý nhiều nhất là người thầy và người trò.

Hàng năm, cứ có dịp là ông tranh thủ nói chuyện với cán bộ giảng viên nhà trường, mục đích là để động viên và nhắc nhở họ. Trong bài phát biểu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ông nói, dân tộc ta từ lâu đã biết rõ chân giá trị của những người thầy. Xã hội dành cho nhà giáo địa vị cao quý như vậy không ngoài vai trò truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, tư duy đạo đức cho học trò, cũng tức là đào tạo lớp trẻ thành người, thành tài. Tuy nhiên, theo ông, muốn đào tạo người tài cho đất nước, thì một mình người thầy không làm nổi, mà phải có cả một hệ thống phân công lao động xã hội, ngoài các thầy cô giáo, còn có những người quản lý và những người phục vụ. Vì vậy, ngày nhà giáo Việt Nam là ngày tất cả họ đều phải được tôn vinh.

Mặt khác, ông cũng nhắc nhở, xã hội tôn vinh nhà giáo bao nhiêu, thì trách nhiệm của nhà giáo phải được nâng lên bấy nhiêu. Trách nhiệm này thật nặng nề, phụ huynh sinh viên một nắng hai sương để kiếm tiền trả học phí cho con em họ, nếu dạy dỗ các em không tận tình, thì chúng ta sẽ có lỗi với họ.

Một vấn đề khác luôn được ông quan tâm, ngoài chất lượng đào tạo, là văn hóa học đường, là kỷ cương, kỷ luật, là thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, là môi trường tuyệt đối bài trừ tiêu cực, gian lận. Điều cuối cùng ông nhấn mạnh trong bài phát biểu là sự hợp tác và tinh thần đoàn kết, chống sự kèn cựa, đố kỵ. Ông yêu cầu mỗi người phải làm tốt phận sự của mình để cho nhà trường ngày càng rạng danh là một trường đại học có chất lượng, xứng đáng với sự tin cậy của xã hội.

TẠO CẢM HỨNG VÀ TRUYỀN LỬA CHO SINH VIÊN

Trần Phương rất yêu quý sinh viên. Ông có quan điểm rõ ràng, nhất quán trong công tác sinh viên, luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho sinh viên, bảo vệ quyền lợi của sinh viên. Ông kiên quyết thực hiện chủ trương duy trì mức học phí thấp để các em với hoàn cảnh gia đình khác nhau đều có thể theo học. Ông yêu cầu tạo điều kiện cho các em được quyền chọn ngành, chuyển ngành theo nguyện vọng.

GS. Trần Phương luôn chú trọng việc nói chuyện với sinh viên, tạo cảm hứng và truyền lửa cho các em.
GS. Trần Phương luôn chú trọng việc nói chuyện với sinh viên,
tạo cảm hứng và truyền lửa cho các em.

Ông phê phán mạnh mẽ tình trạng trù úm, sách nhiễu sinh viên, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao đối với sinh viên. Ông bảo, trước khi vào trường các em là khách hàng, nhưng khi đã ngồi trên ghế nhà trường, các em là học trò, phải làm bổn phận của người học trò. Thế rồi ông hướng dẫn các em chọn ngành học, cách học và chống tiêu cực trong việc học hành, thi cử. Ông cũng thẳng thắn nhắc nhở, “học đại học chủ yếu là tự học, nếu các em không học thì chẳng ai nhét được kiến thức vào đầu các em đâu”.

Ông luôn chú trọng việc nói chuyện với sinh viên, tạo cảm hứng và truyền lửa cho các em, nêu và phân tích cho các em về mục tiêu và trách nhiệm trong học tập. Phát biểu tại một lễ khai giảng, ông đặt câu hỏi: Khóa học đại học này có ý nghĩa gì đối với các em? Các em học vì cái gì? Ông hỏi, rồi ông lại trả lời và phân tích cặn kẽ cho các em:

Thứ nhất là học vì mình. Tốt nghiệp 12 năm phổ thông vẫn là chưa có nghề. Không hoàn thành khóa học đại học vẫn là vô nghề nghiệp. Vô nghề nghiệp thì không ai cần. Trường này dạy các em bốn năm có nghề, ngoài ra phải có phẩm chất đạo đức. Có cả tài, cả đức thì ra đời mới trở thành người hữu dụng. Đừng cậy bố mẹ giầu, đừng nghĩ mình sẽ trở thành người ăn bám. Chí ít thanh niên ra đời cũng phải là người tự lập - lập thân, lập nghiệp. Cho nên, học đại học ít nhất là phải vì mình.

Thứ hai là học vì bố mẹ, vì gia đình của các em. Bố mẹ kiếm tiền cho các em học đại học bốn năm là vất vả lắm. Mình chỉ có thể đền đáp bằng cách học thành tài, sau khi ra trường phải giúp bố mẹ bằng tiền lương. Nghĩa vụ đó lớn lắm, cho nên em nào học không tốt sẽ là kẻ vô ơn, không biết thương yêu bố mẹ, phải tự lên án mình.

Thứ ba là học vì đất nước. Đất nước mất bao nhiêu xương máu để có hòa bình, tự do, để được học hành. Thế mà học hành không tử tế thì là kẻ vô ơn đối với những người đã hy sinh. Tố Hữu có câu thơ rất hay:

“Đã mang dòng máu thơm thiên cổ Phải trả ta cho mạch giống nòi”.

Mỗi bạn trẻ phải nghĩ xem mình từ đâu sinh ra, mình phải đền đáp gì đây. Bây giờ không phải sống chết để giành độc lập nữa, mà là đưa đất nước vươn lên, làm cho đất nước giàu mạnh. Đó là mục tiêu của thanh niên. Nếu không có mục tiêu đó, thì không xứng đáng là con em của dân tộc này.

CUỘC ĐỜI GIÁO SƯ LÀ TẤM GƯƠNG SÁNG 

Những lời tâm huyết trên được ông đúc kết từ chính cuộc đời mình. Cuộc đời từ thủa thiếu niên cho đến lúc trưởng thành chỉ có một con đường - phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc. Quá trình hoạt động cách mạng của ông, của thế hệ ông, là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.

Giáo sư Trần Phương tên thật là Vũ Văn Dung, sinh năm 1927, tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Năm 16 tuổi, khi đang là học sinh trường Bưởi, ông đã được giác ngộ và tự nguyện đi theo con đường cách mạng. Kể từ đó, ông lao vào hoạt động, xả thân vì lý tưởng, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước.

Năm 18 tuổi ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; 19 tuổi làm Bí thư Huyện ủy; 20 tuổi được tín nhiệm bầu vào tỉnh ủy viên, một năm sau, khi mới 21 tuổi, ông đã giữ trọng trách làm Phó bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên. Thời kỳ này hoạt động của Đảng đang phải trải qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, những Đảng viên trung kiên được tín nhiệm giữ vị trí lãnh đạo càng cao, thì càng bị truy lùng gắt gao, khả năng bị bắt, bị tra tấn, tù đày, bị hy sinh càng lớn. Biết vậy, nhưng ông vẫn dấn thân, vẫn quyết tâm không lùi bước.

Kháng chiến thắng lợi, ông được phân công đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, cuộc đời hoạt động sau này của ông gắn với nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nghiên cứu và quản lý kinh tế. Ông từng giữ các chức vụ quan trọng, như Viện trưởng, Thứ trưởng, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, là Ủy viên dự khuyết (Khóa IV), rồi Ủy viên chính thức (Khóa V), Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Những đóng góp của ông trong thời kỳ “Một thời hào hùng” của dân tộc đã được lịch sử chứng kiến, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự nghiệp của ông sau khi nghỉ hưu.

Năm 1993 ông rời chính trường, bắt đầu thực hiện hoài bão của mình là mở trường dạy học. Sau khi cùng các sáng lập viên vượt qua rất nhiều khó khăn, đến năm 1996 ngôi trường mà ông dành nhiều tâm huyết - Trường Đại học Dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (nay là Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), được thành lập và tuyển sinh khóa đầu tiên. Đến nay, trải qua 28 năm, dưới sự dẫn dắt của ông, với tư cách là nhà sáng lập và trực tiếp làm Hiệu trưởng, Trường đã và đang đào tạo hàng trăm nghìn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và cho các nước bạn.

Trường đã thu hút trên một nghìn cán bộ, giáo viên gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, những chuyên gia, những nhà sư phạm và nhà quản lý giỏi, là những tinh hoa trong rất nhiều lĩnh vực, cùng nhau quy tụ quanh ông để xây dựng và phát triển Trường. Kết quả là, chỉ sau một thời gian ngắn, từ chỗ phải đi thuê cơ sở để đào tạo và làm việc, ngày nay cơ ngơi, cơ sở vật chất của Trường đã khang trang, bề thế, giá trị vật chất của Trường đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Uy tín xã hội của Trường ngày một nâng cao.

Có được thành quả đó là nhờ công lao đóng góp của nhiều thế hệ, nhưng người khởi xướng, nhà sáng lập số một, người thắp lửa và tạo động lực cho sự hình thành và phát triển của Trường là Giáo sư Trần Phương. Đó là lý do tại sao, khi nói về Trần Phương, những người biết ông, những người đã từng cộng tác và làm việc với ông, đặc biệt là cán bộ, giảng viên và người lao động của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đều thể hiện sự kính trọng, khâm phục và ngưỡng mộ ông. Họ ngưỡng mộ về trí tuệ, sự uyên bác, khâm phục về tầm nhìn, sự sáng suốt, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kính trọng về sự bao dung và lòng nhân ái của ông.

Trong số họ, có người đã sát cánh bên ông ngay từ những ngày đầu “khai quốc”, có người đầu quân cho ông khi Trường đang bước vào giai đoạn trưởng thành, cũng không ít người tuổi đời còn rất trẻ, chưa được làm việc nhiều với ông, chưa hiểu hết những khó khăn của Trường trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, bất kể tuổi tác, bối cảnh, hoàn cảnh, bất kể thời gian tiếp xúc, làm việc, trong tâm thức của họ, Giáo sư Trần Phương hiện lên như một con người có sức hút đặc biệt, ai cũng cảm thấy vinh dự và tự hào được cùng ông đóng góp một phần công sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp cao cả “Vì lợi ích trăm năm - trồng người” - Sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

ĐẠO LÝ TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO CAO QUÝ, THIÊNG LIÊNG

Đọc xong các bài viết của Trần Phương, tôi gấp tập tài liệu lại mà như vẫn còn vương vấn một điều gì đó, một góc khuất nào đó mà tôi chưa khám phá ra. Tôi chợt nhớ tới phần hồi ký của ông với tiêu đề “Nghề dạy học”. Phải rồi, vốn gốc là dân nghiên cứu, tại sao sau khi “quy lai” ông không trở lại làm công tác nghiên cứu, mà lại chọn nghề dạy học? Thì ra việc này không phải ngẫu nhiên, bởi từ lâu ông đã tính đến chuyện làm gì sau khi nghỉ hưu.

Ông tâm sự: “Năm 16 tuổi, khi quyết định dấn thân vào con đường cứu nước, cầm chắc là sẽ hy sinh trước tuổi 20”. Bây giờ, sau khi đã may mắn vượt xa cái mốc tuổi 20, thấy sức khỏe và trí tuệ vẫn còn tốt, ông lại tự hỏi: “Vậy thì ngày nay, khi đất nước độc lập, hòa bình rồi, cớ gì lại không tiếp tục cống hiến cho đất nước?” và nếu cống hiến, thì cống hiến bằng cách nào? Suy đi tính lại, ông cho rằng nghề dạy học vẫn là nghề thích hợp hơn cả, vì “dạy học là một nghề cho phép tự nhân mình lên nhiều lần”.

 
GS. Trần Phương rất yêu quý sinh viên. Ông có quan điểm rõ ràng, nhất quán trong công tác sinh viên, luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho sinh viên, bảo vệ quyền lợi của sinh viên. Ông kiên quyết thực hiện chủ trương duy trì mức học phí thấp để các em với hoàn cảnh gia đình khác nhau đều có thể theo học. Ông yêu cầu tạo điều kiện cho các em được quyền chọn ngành, chuyển ngành theo nguyện vọng.
GS. Trần Phương rất yêu quý sinh viên. Ông có quan điểm rõ ràng, nhất quán trong công tác sinh viên, luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho sinh viên, bảo vệ quyền lợi của sinh viên. Ông kiên quyết thực hiện chủ trương duy trì mức học phí thấp để các em với hoàn cảnh gia đình khác nhau đều có thể theo học. Ông yêu cầu tạo điều kiện cho các em được quyền chọn ngành, chuyển ngành theo nguyện vọng.

Bên cạnh đó, có lẽ một lý do khác khiến ông chú ý đến nghề dạy học chính là ấn tượng sâu sắc của ông với nghề này trong dịp tang lễ của thân phụ ông. Ông kể, hồi trẻ, thân phụ ông đã từng dạy học. Đầu năm 1982, cụ mất ở tuổi 93. Hôm lễ tang, có một ông già xin phép vào viếng. Ông cụ không cúi đầu mặc niệm, cũng không vái lạy trước quan tài, mà lên gối, xuống gối đủ 3 lần rồi ai oán cất lên 3 tiếng “Ô, hô!”, nước mắt dàn dụa. Sau lễ viếng, ông cụ mới kể: “Tôi học thầy tôi từ ngày còn để chỏm, nhờ ơn thầy mà tôi biết được dăm ba chữ, không tăm tối như các bạn cùng lứa”. Năm ấy ông cụ đã ngoài 80 tuổi, phải vượt hơn 200 cây số để đến viếng thầy học cũ.

Trước tình huống này, GS. Trần Phương không khỏi ngạc nhiên: “Một người học trò ngoài 80 tuổi vượt một hành trình dài 200 cây số để đến viếng người thầy dạy vỡ lòng cho mình cách đây 70 năm, 70 năm đầy biến cố khiến người ta dễ quên đi nhiều sự kiện quan trọng. Động lực gì đã thúc đẩy một hành vi như thế? Chỉ có thể hiểu đó là ân nghĩa của người thầy, của nghề dạy học”.

Nói về ân nghĩa người thầy, tôi bất giác nhớ lại câu chuyện của vua Hàm Nghi với thầy dạy học của mình. Không khuất phục trước ách thống trị của giặc Pháp, nhà vua cùng đoàn tùy tùng rời khỏi kinh thành Huế, ra vùng Quảng Bình, Hà Tĩnh, nằm gai nếm mật, hạ Chiếu Cần vương. Ông bị giặc truy đuổi, rồi bị bắt, nhưng nhất quyết không chịu nhận mình là vua Hàm Nghi. Bọn Pháp lúng túng, tìm đủ mọi cách để xác minh, nhưng vô hiệu. Cuối cùng, chúng phải dùng đến mưu kế thâm độc, lùng bắt và đem đến trước mặt vua một người. Vừa nhìn thấy người này, nhà vua bèn quên hết tất cả, vội vàng đứng dậy, gập người, lễ phép vái chào. Thì ra, người đó là Nguyễn Nhuận, thầy học cũ của vua. Hàm Nghi có thể vượt qua mọi thử thách, mọi nghịch cảnh để che giấu thân phận, tiếp tục làm ngọn cờ chống Pháp, nhưng đạo làm trò khiến ông không thể giả dối trước mặt thầy dạy học. Đến lúc này, bọn Pháp mới yên trí đúng là vua Hàm Nghi, chúng lập tức đưa ông về Huế, rồi đầy đi Angiê.

Ôi! Cái đạo lý tôn sư trọng đạo của người Việt mình sao mà cao quý, thiêng liêng. Từ vua quan đến dân thường, từ Nam chí Bắc, từ cổ chí kim, đạo lý ấy là một, không phân biệt sang hèn, cao thấp. Vậy nên, Trần Phương chọn nghề dạy học âu cũng không có gì lạ. Chỉ có triết lý giáo dục của ông là có phần lạ. Lạ là vì nó luôn tiên phong đi trước thời đại, không theo khuôn mẫu đúc sẵn, mà đòi hỏi sáng tạo, tân tiến, thiết thực và hiệu quả. Có điều, ở đời đâu phải cứ đúng thì bao giờ cũng được coi là đúng đâu.

Đọc Trần Phương rất thú vị vì nó sôi nổi, thẳng thắn và tâm huyết. Tuy nhiên, điều thú vị không chỉ ở những trang viết hoặc những bài phát biểu của ông, mà còn ở việc ông làm, ở tính cách của ông, ở tình cảm ông dành cho mọi người và cả sự kính trọng và ngưỡng mộ của mọi người dành cho ông.

GS. TS Nguyễn Công Nghiệp, Bí thư Đảng ủy,
PHT Thường trực Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội,
nguyên Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư BCS Đảng - Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính.

(1) Ông Võ Văn Kiệt (1922-2008) - nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố HCM; Bà Ba Thi, tên thật là Nguyễn Thị Ráo (1922-2002) - Nguyên Phó Giám đốc sở Lương thực, sau làm Giám đốc Công ty lương thực, Thành phố HCM, đã có công rất lớn trong việc phá vỡ rào cản về cơ chế quan liêu bao cấp, mua gạo từ đồng bằng Sông Cửu Long về cung cấp cho 4 triệu dân Thành phố HCM những năm 1980. Ông Võ Văn Kiệt sau là Thủ tướng Chính phủ, bà Ba Thi là Đại biểu Quốc hội, được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (tác giả chú thích).

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49-2023 phát hành ngày 04-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Triết lý giáo dục Trần Phương - Ảnh 2