) Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng” - VnEconomy Emagazine
Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 1
Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 2

Với diện tích 728 km2 và dân số 5,6 triệu người, Singapore nằm trong top 20 quốc gia có diện tích nhỏ bé nhất trên thế giới, song lại có mật độ dân số đứng top đầu. Trái ngược với những gì tưởng tượng về một đô thị đông đúc, ngột ngạt, ai đến với Singapore cũng ngạc nhiên vì đảo quốc này là một trong những đô thị xanh nhất thế giới và là hình mẫu cho các thành phố trong tương lai. Màu xanh của cây cối không chỉ bao phủ sân bay Changi mà còn phủ xanh cả Singapore với những khu vườn ngút tầm mắt.

Nhìn từ trên máy bay, quốc đảo này từng bị bao phủ hoàn toàn bởi đất đá và phải  đau đầu xử lý lượng rác thải khổng lồ. Thế nhưng, với những giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý rác thải, quốc đảo Sư tử giải quyết được bài toán khó này và Singapore trở thành thương hiệu quốc gia xanh - sạch hàng đầu thế giới. Vào năm 1965, sau khi Singapore tách khỏi Malaysia và trở thành quốc gia độc lập hoàn toàn, tầm nhìn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cho thấy trong 25-50 năm tới, Singapore cần trở thành một điểm đến xanh, sạch, đem lại môi trường sống tốt cho người dân và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Kế hoạch phủ xanh thậm chí được đưa ra từ năm 1963 (trước khi tách khỏi Malaysia) và song hành cùng hành trình lập quốc đến nay. Chính quyền Singapore hiện đang tiếp tục chặng đường đưa đảo quốc này từ “vườn trong phố” chuyển hướng trở thành “thành phố trong vườn”. Khi đó, Singapore sẽ được nhắc đến là một quốc gia sống hòa mình vào thiên nhiên, chứ không phải là một đất nước với những tòa nhà cao tầng chen chúc và ngày càng “bê tông hóa”. Vì lẽ đó, dù không có thế mạnh về du lịch thiên nhiên nhưng du khách vẫn lựa chọn đến Singapore để trải nghiệm du lịch xanh và trầm trồ bởi những công trình kiến trúc xanh ấn tượng, hiện đại được tạo nên từ bàn tay tài hoa cùng trí tuệ của con người.

Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 3

Tọa lạc trên vịnh Marina Bay nằm ngay khu trung tâm của Singapore, Gardens by the Bay là một ốc đảo xanh rộng lớn, có diện tích lên đến 101 hecta, không chỉ là nơi dừng chân lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên, khu vườn còn là một kiệt tác kiến trúc, nghệ thuật.

Một số trải nghiệm tham quan không nên bỏ qua tại đây, đó là Flower Dome có diện tích 12.000 m2, nơi tái hiện khí hậu mát khô của khu vực Địa Trung Hải và là “nhà” của các loài thực vật đến từ khắp nơi trên thế giới, được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới (Guinness World Records) công nhận là nhà kính lớn nhất thế giới vào năm 2015.

Điểm dừng chân kế tiếp là khu nhà kính Cloud Forest có diện tích 8.000 m2 được bao phủ trong sương và thảm thực vật xanh. Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của thác nước lạnh trong nhà cao 30m ầm ầm đổ, cùng ngọn núi Cloud Mountain cao 35m bao phủ bên ngoài là các loài cây, đưa du khách thả mình vào thiên nhiên. Ẩn mình trong Gardens By The Bay là Floral Fantasy, một thiên đường hoa kỳ ảo mang vẻ đẹp giao thoa hài hòa giữa hoa, nghệ thuật và công nghệ.

Bên cạnh đó, Vườn chim Bird Paradise, 1 trong 5 khu bảo tồn trực thuộc Khu bảo tồn động vật hoang dã Mandai (Mandai Wildlife Reserve) cũng thu hút du khách. Vườn chim rộng 17 hecta, đây là một trong những vườn chim lớn nhất châu Á, hiện là ngôi nhà của 3.500 chú chim thuộc 400 loài, với 24% trong số đó gồm các loài đang bị đe dọa. Mỗi khu vực nơi đây tái hiện chân thực các hệ sinh thái khác nhau trên thế giới, từ rừng mưa nhiệt đới châu Phi, đầm lầy Nam Mỹ, cánh đồng lúa tại Đông Nam Á, đến rừng khuynh diệp khô ở Úc và nhiều hơn thế.

Nhiều địa điểm du lịch nổi bật khác mà bất cứ tín đồ mê xê dịch nào cũng muốn đặt chân đến. Công viên Merlion với tượng sư tử mình cá cưỡi sóng, gắn liền với lịch sử hình thành của đất nước và là linh vật của đảo quốc này. Tại đảo Sentosa nằm cách trung tâm Singapore tầm 6-7km, du khách cũng được chiêu đãi bữa tiệc ánh sáng mãn nhãn Wings of Time khi màn đêm buông. Sentosa cũng có một điểm thu hút mới là Sensory Scape với “những khu vườn đa giác quan” cùng màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng kỹ thuật số vào ban đêm.

Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 4

Nằm trong top 20 quốc gia nhỏ bé nhất thế giới, chỉ bằng 1/5 diện tích Hà Nội mở rộng và nhỉnh hơn đảo Phú Quốc, ngay từ đầu, Singapore đã đầu tư thích đáng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để đặt nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. Với mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp và kết nối thuận tiện, du khách đến Singapore dễ dàng sử dụng tàu điện Mass Rapid Transit (MRT) quy mô lớn hoặc xe buýt để khám phá thành phố.

Hệ thống MRT chằng chịt như mạng nhện, dài gần 270km phủ khắp thành phố, chiếm 50% thị phần giao thông công cộng và phát huy hiệu quả tối ưu trên diện tích chật hẹp tại quốc gia này, bởi con đường dài nhất từ Đông - Tây chỉ 47 km, từ Bắc - Nam khoảng 23km. Singapore còn gây ngạc nhiên vì những dự án lấn biển mở rộng lãnh thổ lên tới 728 km2, lớn hơn đáng kể con số 500 km2 ban đầu.

Về hệ thống đập nước, Singapore không có nước ngọt nên đây là một trong những khó khăn mà đất nước này phải đối mặt từ khi lập nước đến nay. Chính quyền phải nghĩ ra nhiều cách để cung cấp nước.

Một là, nhập khẩu của Malaysia.

Hai là, khử mặn từ nước biển.

Ba là, xây 17 đập nước để lưu trữ từng nước mưa. Trong đó, đập nước Marina Barrage là một kỳ quan nổi tiếng được xây dựng giữa trung tâm thành phố, nơi có thể biến toàn bộ nguồn nước trở thành nước sạch giúp người dân uống trực tiếp từ các vòi công cộng. Đồng thời, giúp kiểm soát tình trạng lũ lụt và không làm ngập những nhà ga MRT dưới lòng đất những ngày mưa to. Nhà máy lọc nước này có hình dáng con số 9 trường tồn vĩnh cửu, còn được phủ cỏ xanh dày 1m phía trên tạo ra một không gian xanh lớn cho người dân và du khách thư giãn, đây cũng là nơi tổ chức lễ hội thả diều quốc tế vào tháng 4 hàng năm.

Bốn là, nước tái chế. Đây là nguồn nước đã được sử dụng, sau đó đưa xuống nhà máy xử lý nước thải ở độ sâu 40 mét rồi lọc sạch. Trong nước sinh hoạt hàng ngày của Singapore có khoảng 20% nước tái chế.

Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 5

Sinh ra tại Đà Nẵng, chị Trần Thị Bích Thi (Kathy Trần) gặp ông xã gốc Hoa trong trường đại học và lựa chọn Singapore là nơi để sinh sống và làm việc. Chị Kathy nhiều lần phải cảm thán rằng đất nước Singapore không bỏ phí một cái gì, mọi thứ đều được vắt kiệt công năng để tạo ra lợi ích cho người dân. Ấn tượng với hệ thống đường sắt nội đô dày đặc, chị Kathy cho biết có tổng cộng 180 nhà ga, tốc độ tàu chạy 120-150km/giờ, người dân chỉ mất đến 1 phút là tới nhà ga tiếp theo.

Sau 15 năm sinh sống tại quốc gia này, điều khiến chị ngạc nhiên là công trình tại Singapore xây dựng rất nhanh và gây những “cú sốc” bất ngờ về thời gian. Chẳng hạn, tuyến MRT dự kiến triển khai trong 10 năm nhưng 7 năm đã khánh thành và đi vào hoạt động, hay tòa chung cư xã hội mà chị Kathy đang ở chỉ 3 năm là hoàn thành thay vì 4 năm như trên hợp đồng.

Hơn nữa, việc phủ rộng mạng lưới MRT còn giúp giãn dân và để những người trẻ có cơ hội mua chung cư giá tốt hơn vùng xa trung tâm. Theo chia sẻ của chị Kathy, căn hộ gia đình chị đang ở rộng 94m2, nằm cách trung tâm 15-20km, với giá hiện tại khoảng 700.000 SDG, tương đương 14 tỷ VND, thấp hơn đáng kể những căn hộ đắt đỏ ở vị trí đắc địa giữa trung tâm.

Về hệ thống MRT, từ năm 1981, Chính phủ Singapore đưa tàu điện vào hoạt động. Trước đây, tàu điện được xây dựng trên mặt đất có người lái, còn hiện nay đa số khai thác dưới lòng đất. Đây là một trong những tàu điện ngầm hiện đại nhất thế giới, không người lái, không người bán vé hay soát vé, với độ sâu nhất khoảng 60m. Việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng ưu việt cũng là cách Singapore hạn chế phương tiện cá nhân.

Ngoài ra, việc sở hữu và chi phí “nuôi” xe đắt đỏ cũng khiến người dân lựa chọn phương tiện công cộng. Theo chị Hoàng Thị Cẩm, một hướng dẫn viên tại Singapore, người dân khi muốn mua phương tiện xe cơ giới đều phải  đấu giá và mua giấy lưu hành COE (Certificate of Entitlement), hiện giá khoảng 90.000 SDG nhưng thời gian sử dụng chỉ trong 10 năm. Chẳng hạn, người dân có ý định muốn ô tô Vios, giá nhập khẩu nguyên chiếc 40.000 SDG, cộng với chi phí giấy lưu hành, nghĩa là phải bỏ ra gần 140.000 SDG để ô tô được phép lăn bánh trên đường, chưa kể chi phí nhiên liệu 3 SGD/lít, phí đường bộ và bãi đậu xe tốn kém… Singapore cũng thu phí vào nội đô trong giờ cao điểm để giảm ùn tắc và hạn chế phương tiện cá nhân.

Từ những thành công trong phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Singapore, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển nhiều lần nhắc đến và đúc kết kinh nghiệm cho Việt Nam. Theo ông Đông, cả quốc đảo Singapore khoảng 6 triệu dân quy hoạch thành 24 khu đô thị, các khu đô thị này được kết nối bằng hệ thống metro và giao thông công cộng hoàn toàn. Trong mỗi khu có đầy đủ các dịch vụ tiện ích khép kín, học sinh phổ thông và người già nghỉ hưu chỉ đi bộ, sinh hoạt trong khu vực này, 90% số còn lại đi metro, giảm hầu hết phương tiện giao thông cá nhân ra đường, từ đó giảm phát thải khí nhà kính CO2.

“Mô hình TOD (Transit Oriented Development) là phát triển đô thị theo sự dẫn dắt của hệ thống giao thông công cộng, khác biệt hoàn toàn so với cách chúng ta đã làm từ trước đến nay. Theo đó, phát triển đô thị đi trước và giao thông theo sau là quy trình ngược gây nhiều hệ luỵ trong phát triển, làm chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư và đặc biệt, đánh mất khả năng Nhà nước thu lại một phần giá trị gia tăng của đất đai”, ông Đông nhấn mạnh.

Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 6

Với nhiều điểm đến thu hút du khách cùng hệ thống giao thông hiện đại, thuận tiện, du lịch là một trong những mũi nhọn chính đóng góp chính cho nền kinh tế Singapore. Ngành du lịch đảo quốc Sư tử chứng kiến ​​​​sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023, với lượng khách quốc tế lên mức 13,6 triệu, gấp đôi năm 2022 (6,3 triệu khách), tương ứng phục hồi 71% so với trước đại dịch, vào năm 2019. Chính phủ Singapore hy vọng sự phục hồi này sẽ tiếp tục vào năm 2024, với lượng khách quốc tế đạt 15-16 triệu khách và thu về khoảng 26-27,5 tỷ đô la Singapore (SGD).

Để kích thích ngành kinh tế trọng điểm này, Tổng cục Du lịch Singapore cùng các đối tác không ngừng định hướng và xây dựng Singapore là một điểm đến du lịch năng động, đầy khác biệt và mới lạ. Chính thức khởi động chiến dịch toàn cầu Made in Singapore vào tháng 9/2023, Tổng cục Du lịch Singapore thực hiện nhiều chương trình, “thổi làn gió mới” tại các địa điểm tham quan mang tính biểu tượng cho đến những “viên ngọc ẩn” ít người biết.

Cũng theo bà Faylene Liang, trong số các thị trường khách trọng điểm, lượng khách từ Ấn Độ và Trung Quốc đông đảo nhất, cùng với đó là Malaysia, Philippines, Australia… Tuy nhiên, theo đại diện Mandai, lượng khách đến từ Nhật Bản phục hồi khá chậm vì quốc gia này tập trung quảng bá du lịch nội địa, việc đồng Yên suy yếu cũng khiến người dân ngại du lịch nước ngoài. 

Theo thống kê, dung lượng vận tải thị trường Việt Nam - Singapore đạt 2,5 triệu lượt khách năm 2023, bằng 90% cùng kỳ năm 2019. Năm 2023, riêng Vietnam Airlines vận chuyển 477.000 lượt khách giữa hai nước, tăng 66,7% so với năm 2022 và ở mức 83% năm 2019. Nhằm đáp ứng nhu cầu cao điểm hè, từ tháng 6-7/2024, Vietnam Airlines sẽ khai thác máy bay thân rộng Boeing 787 cho chặng Hà Nội - Singapore và chiều ngược lại, với tần suất 7 chuyến/tuần, tăng hơn 50% lượng hành khách vận chuyển trên mỗi chuyến bay. Singapore là một thị trường chiến lược quan trọng của Vietnam Airlines tại khu vực Đông Nam Á.

Năm 2023, hãng cùng Tổng cục Du lịch Singapore chính thức ký kết hợp tác giai đoạn 2023-2025. Thỏa thuận đánh dấu lần hợp tác đầu tiên giữa Vietnam Airlines với một tổng cục du lịch quốc gia và mở ra cơ hội kích cầu du lịch trong bối cảnh việc phục hồi du lịch quốc tế mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, cũng như việc Singapore trở thành điểm đến phổ biến cho cả du lịch nghỉ dưỡng và công tác. Vietnam Airlines còn mở rộng ký kết với các đối tác lớn tại Singapore, không chỉ mang đến lợi ích vượt trội cho hành khách du lịch mà còn phát huy vai trò hãng hàng không quốc gia, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và văn hóa hai nước.

Bên cạnh du lịch, một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của Singapore đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu. Singapore là một hòn đảo bốn mặt bao quanh đều là biển nhưng đất nước này không khai thác du lịch biển mà nhằm phát triển thế mạnh xuất nhập khẩu, nơi trung chuyển tái xuất hàng hoá đi các quốc gia. Vào giữa thế kỷ 20, quốc gia này bắt tay vào công cuộc công nghiệp hóa có chủ ý, tập trung vào các ngành sản xuất và định hướng xuất khẩu.

Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 7

Hành trình tăng trưởng nhanh của Singapore còn được biết đến từ đầu thế kỷ 19 khi quốc gia này được ông Stamford Raffles, một vị thuyền trưởng ngoại quốc mang hàng hoá vào eo biển Malacca (Malaysia) buôn bán và vô tình thấy trên bản đồ hòn đảo này nằm ở vị trí đắc đạo nhưng không ai cai trị. Sau khi trở thành thuộc địa của Anh quốc, khu vực này thu hút lái buôn từ khắp nơi đổ về giao thương nhờ vị trí chiến lược dọc theo các tuyến đường biển lớn với bến cảng nước sâu tự nhiên. Do đó, sau này Singapore cũng chú trọng phát triển cảng nước sâu và trung chuyển lớn. Hiện Cảng Singapore chỉ đứng sau Cảng Thượng Hải (Trung Quốc) về mức độ bận rộn và thu hút hàng hóa trung chuyển từ các quốc gia. Một điểm khá may mắn là dù bao quanh là biển nhưng tại đảo quốc này, 100 năm qua chỉ có mưa, gió mà chưa bao giờ đón bão hay động đất, sóng thần.

Hướng đến tầm nhìn quốc gia thông minh, Singapore còn tiên phong đổi mới và lấy công nghệ dẫn dắt, đưa quốc gia này lên vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu và thu hút nhân tài công nghệ. Từng là một làng chài hoang vu, nghèo đói, Singapore trải qua một sự chuyển đổi ngoạn mục trong những năm qua, phát triển thành một trong những cường quốc kinh tế thịnh vượng và có ảnh hưởng trên thế giới.

Là một quốc gia không nước ngọt, không khoáng sản, vốn tự nhiên gần như không có, chính nguồn lực từ con người và tầm nhìn của nhà lãnh đạo trong hoạch định chiến lược phát triển quốc gia giúp Singapore trở thành 1 trong 4 “con rồng” dẫn đầu châu Á về thương mại, du lịch, tài chính.

Thông qua việc không ngừng theo đuổi sự tự do, đa dạng hóa kinh tế, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cũng như đầu tư thích đáng phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó điểm nhấn là hạ tầng giao thông, Singapore trở thành biểu tượng của sự thành công. Hiện Singapore đang viết chương tiếp theo cho câu chuyện tăng trưởng phi thường và củng cố vị thế là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu sau khi tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhậm chức giữa tháng 5/2024. Hành trình “hóa rồng” của Singapore để lại cho nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam những bài học vô giá.

Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 8

VnEconomy 29/05/2024 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Từ một làng chài nghèo Singapore “hóa rồng”  - Ảnh 9