Diễn đàn Việt Nam Connect 2024 với chủ đề “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững” diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế Net Zero. Qua ba lần tổ chức Vietnam Connect, ông đánh giá như thế nào về chủ đề của Diễn đàn Nhịp cầu phát triển năm nay?
Diễn đàn Nhịp cầu phát triển được tổ chức lần đầu tiên năm 2021 tại Hà Nội, lần thứ hai tại TP.Hồ Chí Minh, tiếp theo là Đà Nẵng và năm nay, lần thứ tư, tại Hải Phòng. Đặc điểm của Nhịp cầu phát triển là tạo một không gian kết nối giữa Việt Nam và quốc tế, giữa các địa phương của Việt Nam với các đối tác quốc tế. Chủ đề của Nhịp cầu phát triển ngày càng gắn chặt hơn với các xu thế kinh tế mới và các xu thế quốc tế, những xu thế này không một quốc gia nào có thể bỏ qua, không thể nào đứng ở ngoài lề của sự phát triển.
Điều đặc biệt của Nhịp cầu phát triển năm nay đó là gắn chặt những giải pháp của địa phương, doanh nghiệp với các đối tác quốc tế, với sự hỗ trợ của bên ngoài. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối, mở rộng hợp tác trong các xu hướng mới của thế giới, giúp các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng ta biết rằng sức mạnh nội tại là yếu tố quyết định, nhưng muốn tạo được bước đột phá, tạo được bước nhảy vọt thì sự hỗ trợ từ bên ngoài là yếu tố rất cần thiết. Trong bối cảnh đó, việc Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng tổ chức diễn đàn nhằm lan tỏa các xu hướng mới, các xu thế mới tới các vùng, miền (điều bắt buộc chúng ta phải triển khai trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng biến động), từ miền Nam ra miền Trung và lần này là 25 tỉnh đồng bằng miền núi và trung du phía Bắc theo đúng tinh thần các nghị quyết phát triển vùng kinh tế - xã hội mà Bộ Chính trị đã ban hành.
Công tác ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngoại giao. Vậy, định hướng và chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững đã và đang được Bộ Ngoại giao nói chung, Cục Ngoại vụ nói riêng hỗ trợ và thúc đẩy như thế nào, thưa ông?
Vai trò của Bộ Ngoại giao không chỉ với những vấn đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay chuyển đổi số nằm trong Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về ngoại giao kinh tế đến năm 2030, mà còn thể hiện ở những chức năng khác nhau của các đơn vị.
Thứ nhất, công tác nghiên cứu, đánh gia và tham mưu dự báo: thông tin và tham mưu kịp thời cho Chính phủ, cho Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành phố về các xu hướng kinh tế mới, những rủi ro cần phải tránh, những đánh giá dư luận của thế giới về kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, những công việc cụ thể trong triển khai các chuyến thăm của các đoàn cấp cao của Việt Nam ra nước ngoài, đón các đoàn cấp cao nước ngoài vào Việt Nam lồng ghép những nội dung kinh tế, những nội dung cần trao đổi, cần thực hiện, triển khai, biến những cam kết chính trị trở thành những giá trị kinh tế, thành nguồn động lực cho phát triển.
Thứ ba, những đơn vị như Cục Ngoại vụ hiện nay thực hiện gắn kết tạo không gian giao lưu giữa địa phương Việt Nam với các đối tác quốc tế, với các xu thế mới; tạo không gian giao lưu cho các mối quan hệ mới, những trải nghiệm mới và đặc biệt là những thử thách mới của các địa phương.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam?
Việt Nam là quốc gia đi sau về kinh tế xanh, kinh tế bền vững, do đó, đầu tiên và quan trọng nhất là cần học hỏi từ những nước đi trước, từ kinh nghiệm của những thất bại, kinh nghiệm thành công. Tôi không thể trả lời đến bao giờ Việt Nam trở thành nước dẫn đầu, nhưng Bộ Ngoại giao chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành phố tham gia vào quá trình học hỏi, nghiên cứu và tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược của các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Sau sự kiện Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024 này, Bộ Ngoại giao có những hỗ trợ hay kế hoạch gì cho hành trình phát triển kinh tế xanh và bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới?
Trong thời gian tới, ngoài những công việc đang tiến hành với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, chúng tôi tích cực xúc tiến, giao lưu, kết nối và mở rộng quan hệ quốc tế của các địa phương, các tỉnh, thành phố thông qua các hoạt động như gặp gỡ các đối tác nước ngoài. Vừa rồi chúng tôi tổ chức thành công hội nghị gặp gỡ Indonesia ở Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp và đại biểu Indonesia.
Tháng 5/2024 chúng tôi dự kiến tổ chức gặp gỡ Hàn Quốc tại Bình Dương; tháng 7 và tháng 9/2024 sẽ tổ chức các hội nghị gặp gỡ Thái Lan tại Đà Nẵng, Phú Yên và Lào Cai. Trong quá trình đó nếu có đề nghị của địa phương yêu cầu chúng tôi tổ chức các sự kiện, hoạt động kết nối thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện.
Tôi cho rằng những hoạt động đó mới chỉ mang tính chất bề nổi, hiệu quả của hoạt động tùy thuộc vào sự cam kết, sự chủ động của các tỉnh, thành phố đối với vấn đề hợp tác quốc tế, ngành ngoại giao và Cục Ngoại vụ chúng tôi giống như cầu nối để kết nối các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế.
VnEconomy 16/04/2024 14:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2024 phát hành ngày 15/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam