Nếu như 5 năm về trước, đến Điện Biên chỉ thấy loang lổ đất trống, đồi trọc hoang hóa vì nạn phá rừng thì nay, màu xanh dần trở lại với những cánh rừng mắc ca ngút mắt.
Cầm cuốc xới cỏ dưới hàng mắc ca rợp tán, anh Cà Văn Than, người dân tộc Thái Đen ở bản Võ Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh điện Biên kể, trước đây, cả hai vợ chồng làm nương rẫy, mặc dù chăm chỉ nhưng thu nhập thấp, rất chật vật để duy trì đời sống cho 2 vợ chồng và 2 đứa con.
Từ năm 2016, khi Công ty cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên triển khai trồng mắc ca tại xã Lê Lợi (Tuần Giáo), hai vợ chồng tham gia dự án theo mô hình người dân, chính quyền và doanh nghiệp cùng làm; vừa là công nhân, vừa hợp tác với công ty. “Nhiều năm trước, gia đình tôi trồng sắn, ngô nhưng do đất cằn cỗi nên thu nhập không cao. Khi chuyển sang trồng mắc ca và hợp tác với công ty, đời sống khấm khá hơn”, anh Cà Văn Thon cho biết. Hiện tại, hai vợ chồng có 2 nguồn thu nhập. Nguồn thứ nhất, khi làm công nhân, công ty trả lương 5 triệu đồng/tháng/người và được công ty đóng bảo hiểm; ngày lễ, Tết Nguyên đán đều được nghỉ đúng chế độ. Nguồn thứ hai là hưởng 15% trên doanh thu dự án khi cây bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Trần Công Nhì, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần mắc ca Him Lam Điện biên, cho biết, điểm hay của mô hình này là người dân góp đất, mỗi ha trồng được khoảng 280 cây, tổng chi phí mỗi ha trong 5 năm đầu là 110 triệu đồng, trong đó, công ty bỏ ra 60 triệu đồng thông qua cấp giống, phân bón, kỹ thuật; tỉnh Điện Biên chi 50 triệu đồng; người dân tham gia dự án chỉ góp công làm cỏ, chăm sóc vườn cây theo đúng kỹ thuật. Đến năm thứ 5, khi cây bắt đầu cho thu hoạch, công ty chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm. Theo tính toán của dự án, mỗi cây cho thu hoạch 7 kg hạt vỏ, mỗi ha cho doanh thu khoảng 150 triệu, giá mua của công ty theo bảng giá của Sở Tài chính tỉnh Điện Biên.
Trao đổi với VnEconomy , ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết, qua hơn 6 năm khảo sát đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu tại Điện Biên và Lai Châu, các chuyên gia của Hiệp hội thấy rằng hai địa phương này rất phù hợp để trồng phổ biến cây mắc ca. Đó là một trong 20 loại cây trồng rừng, phủ nhanh đất trống đồi trọc. Bởi vậy, mặc dù mắc ca được trồng ở Điện Biên đã gần 10 năm nhưng qua thời gian sàng lọc, hiệp hội đã chọn được một số ít giống phù hợp cho năng suất cao, cho phép năm thứ 5 có thu hoạch. Từ năm thứ 8, thu nhập mỗi ha là 200 triệu đồng, năm thứ 10 là trên 300 triệu đồng.
“Thói quen của người dân bản địa là trồng cây ngắn ngày cho thu hoạch nhanh. Bởi vậy để phổ biến được cây mắc ca tại đây, công ty phải thí điểm cho kết quả tốt và kiên trì giải thích thì mới nhận được sự đồng thuận cao của đồng bào”, ông Phạm Văn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu nói và cho biết thêm, công ty đã triển khai một dự án tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, bắt đầu trồng được khoảng 5 năm. Năm 2021, đã cho lứa bói, hàm lượng thương phẩm rất cao.
Đến thời điểm này, các cánh rừng mắc ca có tuổi đời 5 năm ở Tây Bắc bắt đầu thu hoạch lứa bói. Đó cũng là lúc những mắc mớ nổi lên từ mô hình hợp tác ba bên (người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương) mà tựu trung là sự chồng lấn lợi ích giữa các chủ thể trong cùng mô hình.
Vấn đề đầu tiên được chủ một doanh nghiệp trồng mắc ca chia sẻ đó là: theo mô hình như trên, ví dụ người dân có 10 ha đất, họ nhận hỗ trợ từ tỉnh và giao cho doanh nghiệp (đã được tỉnh Điện Biên cấp giấy phép đầu tư dự án mắc ca) 5 ha với số tiền là 15 triệu đồng/ha; 5 ha còn lại, doanh nghiệp bỏ tiền hỗ trợ làm sổ đỏ cho dân. Phần đất này, người dân có quyền lựa chọn tiếp tục góp hoặc không góp vào dự án. Ông này nêu vấn đề: “Khi sổ đỏ đứng tên người dân thì quyền góp đất/không góp đất cho dự án là do họ quyết định. Vả lại, góp thì với giá nào? Nếu họ không chịu góp hoặc đòi giá quá cao thì doanh nghiệp không mua nổi. Lúc đó, dự án sẽ ở trong tình trạng “loang da báo”, không được liền thửa, liền khoảnh”. Chưa kể, nếu theo mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha rồi áp dụng đại trà trên toàn tỉnh thì không phù hợp vì đất đai gần thành phố giá cao hơn so với đất vùng sâu vùng xa, có hạ tầng kém phát triển.
Thứ hai, một thực tế ở tỉnh Lai Châu cho thấy, Ủy ban nhân dân tỉnh ủng hộ hình thức doanh nghiệp thuê đất của dân và trả 6 triệu/ha cho 5 năm đầu tiên. Từ năm thứ 6 trở đi, sẽ ăn chia theo cách thức: người dân được hưởng 10%/doanh thu kể từ khi dự án cho thu hoạch sản phẩm, tính theo diện tích đất mà họ đã góp. Đây là mô hình từng được áp dụng cho cây cao su trước kia. Tuy nhiên, mô hình này cũng dễ xảy ra tranh chấp, vì một số hộ dân cho rằng, họ không giám sát được năng suất cụ thể khi thu hoạch là bao nhiêu. Đơn cử, doanh nghiệp công bố thu hoạch 3 tấn mỗi ha nhưng người dân thắc mắc tại sao là 3 tấn mà không phải 4 tấn và điều này rất khó chứng minh. Nhất là khi việc thu hoạch trải khắp từ quả đồi nọ đến núi kia.
Thứ ba là thống nhất về giá bán. Theo mô hình nói trên, doanh nghiệp sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm theo giá do doanh nghiệp đưa ra. Dù vậy, vẫn có khả năng xảy ra tranh chấp về mức giá, bởi người dân có thể cho rằng giá doanh nghiệp đưa ra là thấp so với thị trường. Bởi vậy, tỉnh Điện Biên đã thống nhất giá bán là do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Công Thương quyết định.
Tuy nhiên, cách này doanh nghiệp lại không hài lòng vì họ cho rằng: giá bán bao nhiêu phải do người trực tiếp tạo ra sản phẩm là doanh nghiệp và người dân quyết định. Việc một cơ quan thứ 3 đưa ra giá có thể không sát giá thị trường, bởi vì đưa giá cao thì doanh nghiệp thiệt, người dân được lợi. Ngược lại, giá thấp thì doanh nghiệp lợi, người dân lại thiệt. Đồng thời, việc thống nhất sản lượng trên mỗi ha cũng tương tự vậy.
Những mắc mớ này đến nay vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Chủ doanh nghiệp trên nói vui với phóng viên VnEconomy: “Trồng mắc ca trên đất thuê không khác gì xây nhà trên đất người khác. Thôi thì cứ trồng cho có quả và sản phẩm thu hoạch đã, đến đó rồi sẽ tính tiếp vậy”.
VnEconomy 14/06/2022 08:00