) Vượt bao trắc trở, chuyến Metro chở mùa xuân về - VnEconomy Emagazine
Vượt bao trắc trở, chuyến Metro chở mùa xuân về - Ảnh 1

 

Vượt qua nhiều trắc trở, vướng mắc, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào vận hành năm 2021, mang đến một làn gió mới, tạo ra chuyển động mới cho giao thông công cộng Thủ đô. Tiện ích mới, sự kết nối mới những tuyến đường sắt mới sẽ được chờ đón trong những năm tiếp theo…

Trước và sau ngày 6/1/2021, ngày mà tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh - Hà Đông chính thức đi vào vận hành, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro là người được giới báo chí săn tìm nhiều nhất. Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi cũng đã có một cuộc trò chuyện với người được giao trọng trách quản lý và điều hành tuyến đường sắt thế kỷ này.

Đọc 5 câu của lời bài hát “Metro - Đoàn tàu mùa xuân”, ông Trường hào hứng quay sang khoe: “Đây là bài hát nói lên khát vọng, tâm tư và mong muốn của chúng tôi, những người vinh hạnh trở thành những người đầu tiên vận hành đường sắt đô thị ở Việt Nam.

“Từ trên cao ngắm nhìn thành phố

Hà Nội đẹp tươi rạng rỡ đất Thăng Long

Metro ơi, tình yêu ta đó

Nối những chặng đường, nâng bước ta qua

Metro ơi, đoàn tàu mùa xuân...”

Bài hát có tựa đề “Metro - Đoàn tàu mùa xuân” với ngụ ý rằng mùa xuân là khởi đầu của một năm, đem đến một niềm hạnh phúc và may mắn mới. Cũng chính vì lẽ đó mà khẩu hiệu của công ty cũng thể hiện thông điệp: “Metro - Chuyển động mới cho giao thông Hà Nội”.

Vượt bao trắc trở, chuyến Metro chở mùa xuân về - Ảnh 2

Những năm 1980, anh thanh niên Vũ Hồng Trường được cử sang Liên Xô (cũ) học tập về ngành giao thông đô thị. Nhiều năm sinh sống tại xứ sở Bạch Dương, sử dụng metro thường xuyên khiến chàng trai Vũ Hồng Trường ước mơ một ngày nào đó được tận mắt nhìn thấy metro vận hành tại Việt Nam.

Khi từ Liên Xô về nước, ông Trường có may mắn về nghiên cứu, giảng dạy tại trường Đại học Giao thông vận tải. Thời điểm này, cùng một số nhà nghiên cứu, ông Trường chấp bút viết đề án phát triển giao thông công cộng cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhờ những nỗ lực và cống hiến của mình, Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội điều động ông Vũ Hồng Trường về công tác tại Tổng công ty vận tải Hà Nội, cùng với các đồng nghiệp triển khai đề án phát triển giao thông công cộng ở Thủ đô.

Cuối năm 2014, để chuẩn bị tiếp nhận đưa vào vận hành khai thác các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và trước hết tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông, TP. Hà Nội thành lập Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), ông Trường chính thức được điều động về làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty.

“Đây tuyến đường đầu tiên cho nên chúng ta chưa có kinh nghiệm thực tế và thách thức lớn nhất là làm sao để tiếp cận nhanh, nâng cao tính chuyên nghiệp và xử lý các tình huống phát sinh ngày càng thành thục hơn”, ông Trường khẳng định.

“Có thể nói, sự kiện vui nhất trong đời với chúng tôi là thời điểm ngày 6/11/2021 tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước đi vào hoạt động. Trước khi đến dự lễ bàn giao, dạo một vòng các trang mạng, nhiều người dân thức cả đêm để sáng ngày 6/11 được đi trải nghiệm tuyến Cát Linh - Hà Đông. Đó là điều khích lệ tôi rất lớn. Tôi cảm thấy rất tự hào bởi vì sứ mệnh giao cho mình một nhiệm vụ thiêng liêng”, ông Trường xúc động nhớ lại.

Sau lễ bàn giao Bộ Giao thông vận tải và TP. Hà Nội, Hanoi Metro triển khai mô hình tổ chức hoạt động với nhiều phòng ban một cách thống nhất, đồng bộ. Những cán bộ chủ chốt của công ty cũng được cử đi học ở Tokyo Metro, những cán bộ quản lý vận hành trực tiếp được đào tạo tại Bắc Kinh Metro.

Bên cạnh đó, Hanoi Metro kết hợp với chủ đầu tư để xây dựng các quy trình vận hành, diễn tập các tình huống, tiến hành vận hành thử, tiến hành mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để vận hành ngay sau khi bàn giao.

Vượt bao trắc trở, chuyến Metro chở mùa xuân về - Ảnh 3

Trong 2 năm đầu vận hành, Hanoi Metro có sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn của Bắc Kinh Metro trong bảo hành, hướng dẫn xử lý những tình huống khẩn cấp và hướng cho đội ngũ duy tu bảo dưỡng, sửa chữa của công ty. Sau khi hết thời gian này, Việt Nam sẽ tự quản lý, vận hành, bảo trì toàn bộ tuyến. Theo đó, công ty sẽ triển khai các dịch vụ gia tăng tiện ích cho hành khách, không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn tăng sự trải nghiệm. Đơn vị đang lập dự án và tùy từng vị trí ga để có phương án khai thác dịch vụ phù hợp, hiệu quả để bù đắp chi phí hoạt động.

Hiện nay, mỗi tuyến do một nhà tài trợ ODA khác nhau. Tuy nhiên, “Công ty nỗ lực tích hợp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra tiêu chuẩn khung giúp các tuyến tích hợp nhau về mặt không gian, dễ dàng kết nối thành mạng và tích hợp về công nghệ theo các cấp độ khác nhau”, ông Trường nhấn mạnh.

Ông Trường cũng cam kết sẽ tiến tới đẩy nhanh tốc độ xây dựng và ngày càng làm chủ công nghệ để nội đại hóa. Đặc biệt, từ kinh nghiệm chuẩn bị vận hành Cát Linh – Hà Đông, Hanoi Metro tới đây sẽ tiếp nhận, đưa vận hành trước đoạn trên cao của tuyến Nhổn - ga Hà Nội 8,5km tuyến trên cao vào năm 2022. Hiện Hanoi Metro đang thông báo tuyển dụng 447 người cho 7 phòng, ban khác nhau để cử đi đào tạo, chuẩn bị vận hành, khai thác tuyến đường sắt này.

Trong 15 ngày đầu hoạt động miễn phí, tổng cộng 2.554 lượt chuyến an toàn, vận chuyển 380.510 lượt hành khách. Từ ngày 21/11, tuyến bắt đầu khai thác thương mại.

Sau 1 tháng vận hành chính thức, có 3.045 chuyến vận chuyển 239.954 lượt hành khách. Về tỷ lệ phân bổ hành khách, theo thống kê, ga Cát Linh đạt cao nhất với 33,2%, ga Yên Nghĩa 17,3%. 10 ga còn lại chiếm 49,5% lượng khách. Tất cả các chuyến tàu đều chạy đúng biểu đồ và bảo đảm an toàn.

Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho hay, trong 15 ngày đầu miễn phí, điều đáng mừng là lượng khách trải nghiệm vượt qua kịch bản tốt nhất dự tính.

“Hành khách trải nghiệm không chỉ là người dân Hà Nội, thật cảm động có những bà mẹ 85 tuổi từ miền Nam đi ra Hà Nội để trải nghiệm và mong rằng khi về TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm được nhìn thấy tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi vào hoạt động”, ông Trường kể.

Hay có đôi vợ chồng từ Bắc Ninh đi xe máy ra trải nghiệm và lên tàu còn mang theo hai mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, rất nhiều đôi bạn trẻ chọn tuyến Cát Linh - Hà Đông làm nơi để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ.

Vượt bao trắc trở, chuyến Metro chở mùa xuân về - Ảnh 4

Theo đánh giá của ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sau 15 ngày đầu miễn phí, người dân khá hào hứng với tuyến đường sắt mới. Nhiều người có tuyến đường đi làm phù hợp cũng chọn đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại, thay vì di chuyển bằng xe cá nhân. Bên cạnh đó, việc kết nối với xe buýt tại các nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khá thuận lợi.

Hiện có 54 tuyến buýt kết nối, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến và các ga trung chuyển có 8 - 9 tuyến. Việc Hà Nội đưa tàu điện Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác đang mở ra một trang mới cho giao thông đô thị Thủ đô.

Gặp Nguyễn Huyền Linh (2004), sinh viên năm nhất Đại học Quốc gia Hà Nội một buổi chiều đầu tuần, Linh cho biết, sau khi gặp bạn tại khu vực phố Đào Tấn, thay vì đi xe buýt hoặc grab về nhà tại Phùng Khoang, bạn trẻ này lựa chọn đi tàu điện vì sự tiện lợi, tốc độ khá nhanh khi đi trong nội đô.

Có hành khách sinh sống tại Hà Đông cho biết đã mua sẵn xe đạp để ở ga Cát Linh để đạp về cơ quan. Tổng chi phí phải chi trả mỗi tháng gồm 200.000 tiền vé tháng, cộng thêm 100.000 tiền gửi xe, rẻ hơn nhiều so với đi xe máy khi giá xăng ngày càng tăng, chưa kể bụi bặm, mưa nắng.

Trước đây, hành khách này từng lựa chọn đi buýt nhanh BRT nhưng do hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến đang thi công nên thường xuyên tắc đường. Hoặc có những bạn trẻ chỉ đơn giản chọn tuyến Cát Linh – Hà Đông để được ngắm nhìn thành phố, chìm vào tiếng nhạc du dương suốt chặng đường.

Tuy nhiên, sau gần 2 tháng đi vào vận hành, số lượng hành khách chưa thật nhiều như kỳ vọng. Tàu điện thường chỉ đông vào cuối tuần. Nhiều chuyên gia giao thông và hành khách cho rằng tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện vẫn là tuyến độc đạo, chỉ khi những tuyến khác đi vào hoạt động và kết nối lan toả với các tuyến xe buýt nhiều hơn, với các điểm đến thì người dân mới chuyển hướng sử dụng tàu điện lâu dài.

Về phần mình, ông Trường vẫn luôn có một niềm tin rằng Metro sẽ thay đổi thói quen đi lại và góp phần tạo dựng một văn hóa tham gia giao thông theo hướng văn minh hiện đại ở Thủ đô.

Bởi theo ông, “Người dân không chỉ ủng hộ Hanoi Metro mà còn ủng hộ một chủ trương lớn của Chính phủ, ủng hộ một sự quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải, của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hà Nội. Chúng ta phải phát triển hệ thống đường sắt đô thị xương sống thì mới giải quyết được căn cơ những vấn đề đặt ra đối với giao thông đô thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh như vấn nạn ùn tắc, ô nhiễm môi trường…

Vượt bao trắc trở, chuyến Metro chở mùa xuân về - Ảnh 5

VnEconomy 03/02/2022 07:00