Thưa bà, năm 2022 có thể nói là khoảng thời gian phục hồi rất nhanh của ngành hàng không. Là công ty dịch vụ mặt đất, Sasco đã có những hoạt động gì để thích ứng với giai đoạn quan trọng này?
Đầu năm 2022, khi thị trường hàng không quốc tế vẫn còn khó khăn, chúng tôi đã có quyết định táo bạo khai trương khu mua sắm Sasco Shop lớn nhất ga đi quốc nội và quốc tế. Táo bạo nhưng không mạo hiểm, bởi đó là bước đi đón đầu để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành hàng không trong thời gian tới. Bởi theo dự báo, quý 4/2022 là thời điểm ngành du lịch và hàng không sẽ có những bước chuyển mình sau hai năm khó khăn. Dịch Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát. Cuối năm 2022 là thời điểm của các lễ hội như Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết âm lịch… Đây là cơ hội không thể tốt hơn của ngành hàng không nói chung và của Sasco nói riêng trong giai đoạn phục hồi và phát triển trở lại.
Là doanh nghiệp chịu những tác động trực tiếp, ngay từ ban đầu khi Covid-19 mới xuất hiện, những tác động đó không phải 1-2 tháng mà kéo dài gần ba năm. Làm cách nào để Sasco vượt qua được nhiều khó khăn như vậy?
30 năm làm trong ngành hàng không, quả thực tôi chưa từng chứng kiến một giai đoạn nào khốc liệt như khi Covid -19 xuất hiện. Trước đây có một vài dịch bệnh như năm 2001, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sân bay vắng tanh, nhưng mức độ hội nhập của Việt Nam khi đó chưa bằng bây giờ, cho nên tổn thất mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu cũng không đến mức khủng khiếp như Covid-19 gây ra.
Nhưng làm trong ngành này, chúng tôi ý thức rất rõ, đây là lĩnh vực rất nhạy cảm với những xung đột chính trị, chiến tranh, thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh. Vì đã được tôi luyện, làm quen nên toàn bộ cán bộ công nhân viên của Sasco, từ những vị trí bình thường nhất cho tới quản lý cấp cao đều rất bình tĩnh.
Khi doanh số bắt đầu sụt giảm từng ngày, từng giờ, vì khách không có thì các bạn nhân viên còn nhắn tin động viên những lãnh đạo của doanh nghiệp. Tôi thực sự rất cảm động rơi nước mắt vì làm chuyện “ngược đời” thế. Vì sao các bạn cần động viên mình trong khi các bạn đó mới là người đáng lo hơn cả.
Sau khi Covid-19 bùng phát, sân bay đóng cửa, thành phố phong tỏa, mọi người đều rất buồn nhưng nỗi lo bị mất thu nhập, mất việc không quá lớn, ai cũng tin rằng khi qua được giai đoạn khó khăn này, họ sẽ tiếp tục gắn bó với công ty để phục vụ hành khách, để giúp công ty hồi phục và phát triển. Đây là ngôi nhà mà họ đã gắn bó rất lâu rồi, có người đã làm tại Sassco gần như cả đời.
Những tình cảm như vậy của cán bộ, công nhân viên Sasco thực sự rất đáng quý, tôi rất biết ơn mọi người vì đã lựa chọn đứng lại, đồng hành với doanh nghiệp trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó.
Là người lãnh đạo doanh nghiệp, trực tiếp làm việc ở sân bay hàng chục năm, khi chứng kiến “ngôi nhà thứ 2” của mình vắng lặng, bà đã nghĩ gì, mong muốn gì ở thời điểm đó?
Trong thời gian đóng cửa sân bay, đặc biệt bên Nhà ga quốc tế, tôi có nhiều lần đi dạo lên trên đó, nhìn tất cả những cửa hàng đều đóng, điện chiếu tắt hết, máy bay nằm im lìm, toàn bộ nhà ga không một bóng người, tôi chỉ còn nghe được tiếng bước chân của chính mình, thực sự rất lạnh người.
Cảm giác đó thực sự rất khó tả, nếu bạn đã từng làm trong ngành hàng không, đã luôn đến sân bay, nhà ga mỗi ngày để sống với khung cảnh sôi động, nhộn nhịp mỗi ngày, thì sẽ hiểu được cảm xúc của tôi khi đó.
Nhưng tôi cũng luôn vững tin rằng đây chỉ là một khoảng thời gian tạm dừng thôi, một ngày không xa khoa học công nghệ, sự phát triển của y khoa sẽ có lời giải để đẩy lùi thứ bệnh dịch quái ác này. Tôi tin vào đất nước mình, tin những ngày bình thường cũ sẽ quay trở lại.
Trong giai đoạn Thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa, công ty tham gia việc cung cấp suất ăn cho các bệnh viện dã chiến. Cũng may nhân viên của chúng tôi tình nguyện đi vào làm việc “3 tại chỗ”. Nhiều người phải bám trụ tại cơ sở 3-4 tháng không được về nhà. Chúng tôi có công suất nấu ăn rất lớn nên mới đủ khả năng cung cấp suất ăn cho bệnh viện dã chiến trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng đó.
Covid-19 bị đẩy lùi thì sân bay lập tức sôi động nhưng hành khách lại phải đối mặt với tình trạng quá tải, Sasco đã làm gì để giúp hành khách bớt khó khăn, vất vả khi đi lại trong các dịp lễ, Tết?
Từ năm 2005, chúng tôi đã triển khai chương trình “Nhân viên hạnh phúc – Dịch vụ hạnh phúc”. Sasco quan niệm rằng dịch vụ chính là con người, nếu như các bạn nhân viên mỗi ngày đi làm là một ngày với niềm vui, cảm thấy như đến công ty chính là gia đình thứ hai, họ sẽ có tâm trạng tốt qua đó cũng vui vẻ, phục vụ hành khách tốt hơn. Việc huấn luyện, đào tạo các quy chuẩn rất quan trọng trong ngành hàng không, nhưng quan trọng hơn hết chính là tâm thái, trạng thái của người lao động khi phục vụ hành khách. Vì vậy, Sasco luôn chú ý tới yếu tố này và từng bước hoàn thiện để khách hàng có trải nghiệm tốt nhất.
Nếu hiểu sân bay là cửa ngõ của thành phố, của đất nước thì nhân viên làm dịch vụ tại sân bay chính là những vị chủ nhà đầu tiên sẽ gặp mặt du khách, sự hiếu khách, thân hiện của họ sẽ là yếu tố rất quan trọng để tạo dấu ấn, giúp giữ chân du khách.
Để tạo ra các dịch vụ hạnh phúc, Sasco cũng rất chú trọng tới việc phát triển bình đẳng giới tại nơi làm việc. Năm 2018, Sasco chính thức trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam vinh dự được cấp chứng chỉ “Bình đẳng giới EDGE cấp độ 2” theo các tiêu chuẩn toàn cầu nhờ ghi nhận đã đạt được sự bình đẳng giới rõ rệt trong nguồn nhân lực, chế độ lương, thực hiện một cách hiệu quả chính sách và hành động về bình đẳng giới. Chứng chỉ này đã khẳng định nỗ lực phát triển nguồn nhân lực bền vững thông qua việc thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ tại doanh nghiệp.
Năm 2022, Công ty tiếp tục được Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam vinh danh doanh nghiệp thực hiện tốt việc thúc đẩy quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Năm 2023 sẽ là năm rất quan trọng với Sasco - kỷ niệm 30 năm thành lập. Chúng tôi đặt tên cho sự kiện này là “chặng đường kỳ diệu”. 30 năm qua mọi người đến với nhau, gắn bó với nhau, cùng đóng góp cho công ty, đặc biệt tất cả đã được thử thách qua thời kỳ Covid-19. Trải qua quãng đường gian nan như vậy nhưng chúng tôi vẫn khắc phục mọi khó khăn, phát triển mạnh mẽ, qua đó đóng góp nhiều vào sự phát triển của thành phố, của đất nước, đó là điều kỳ diệu mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Sasco là doanh nghiệp dịch vụ, nên với chúng tôi con người là tài sản quan trọng nhất chứ không phải tiền bạc hay tài sản…
Bà có những dự cảm như thế nào đối với sự phát triển của ngành hàng không nói chung và Sasco nói riêng?
Năm 2023, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do chính sách kiềm chế lạm phát của nhiều quốc gia. Vì vậy hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi lượng khách du lịch, khách quốc tế chưa trở lại nhiều.
Tuy nhiên, với Sassco, chúng tôi rất linh hoạt, có nhiều phương án để tối ưu hóa chi phí, tối ưu hóa dịch vụ của mình. Hy vọng năm 2023 hàng không sẽ khởi sắc hơn.
VnEconomy 27/01/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam