) Vượt thách thức ngành thuế nỗ lực cán đích - VnEconomy Emagazine
Vượt thách thức ngành thuế nỗ lực cán đích - Ảnh 1
Vượt thách thức ngành thuế nỗ lực cán đích - Ảnh 2

Nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua chịu nhiều áp lực bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, doanh nghiệp xoay vần trong khó khăn. Xin bà chia sẻ những nỗ lực mà ngành thuế triển khai trong một năm đầy thách thức?

Năm 2023, ngành thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ, hy sinh mục tiêu tăng trưởng để kiềm chế lạm phát dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu ngân sách của nhiều ngành, lĩnh vực nước ta, từ đó, gây áp lực không nhỏ lên việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước của ngành thuế.

Nhiều nguồn thu là động lực tăng trưởng thu năm trước nhưng sang đến năm 2023 suy giảm mạnh như: ô tô (giảm 31,1%), sản xuất bia (giảm 11,6%), chứng khoán (giảm 16%), thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài từ cuối năm 2022 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi làm các khoản thu từ đất đai giảm mạnh (tiền sử dụng đất giảm 33%, tiền thuê đất giảm 21%)...

Với sự nỗ lực của ngành thuế cùng với sự phát huy tác dụng của các chính sách mới, kinh tế dần hồi phục, thu ngân sách nhà nước về đích. Cập nhật số thu đến thời điểm ngày 29/12/2023, số thu do cơ quan thế quản lý đạt 1,487 triệu tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán. Toàn ngành thuế nỗ lực đôn đốc thu quyết liệt trong những ngày cuối năm, đến cuối năm cả nước có 46/63 địa phương hoàn thành dự toán.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, đây là sự nỗ lực rất lớn của cả ngành tài chính và các bộ, ngành, địa phương nói chung và ngành thuế nói riêng.

Toàn ngành thuế nỗ lực, cố gắng đưa chính sách vào cuộc sống hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, vừa triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ tạo chuyển biến mới trong công tác quản lý thu, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước mà Bộ Tài chính giao. Đến nay, ước tính nhanh tổng số tiền thuế thực hiện miễn, giảm, gia hạn đạt khoảng 193,4 ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế các tỉnh, thành cũng tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc về quy trình, thủ tục, pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nguồn lực về tài nguyên đất đai, về thị trường, từ đó, tập trung cho sản xuất kinh doanh, từng bước phục hồi, phát triển tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Vượt thách thức ngành thuế nỗ lực cán đích - Ảnh 3

Về công tác quản lý thuế, ngành thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm vừa qua ra sao để góp phần chống thất thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước, thưa bà?

Năm 2023, ngành thuế đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế ở tất cả các khâu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, đáp ứng các yêu cầu quản lý thuế trong tình hình mới. Nổi bật là thực hiện tốt hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, triển khai Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài và Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai ứng dụng Etax - mobile, phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, triển khai bản đồ số về quản lý hộ kinh doanh, bản đồ số về giá đất, giá chuyển nhượng bất động sản, mỏ khoáng sản...

Ngoài ra, toàn ngành cũng tăng cường quản lý thuế với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản để sát giá thị trường, tập trung quản lý thuế, chống thất thu đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, thuế thu nhập cá nhân của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập..., từ đó, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Vượt thách thức ngành thuế nỗ lực cán đích - Ảnh 4

Một trong những kết quả từ việc số hóa đó là giúp ngành thuế ngăn chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng và xuất hóa đơn khống diễn ra nhức nhối thời gian qua. Tuy nhiên, vì sao giai đoạn đầu doanh nghiệp phản ánh nhiều khúc mắc, khó khăn, thưa bà?

Thời gian qua, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng được cơ quan thuế các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả. Năm 2023, cơ quan thuế ước ban hành gần 20.000 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn khoảng 152.000 tỷ đồng, bằng 100,9% cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hành vi gian lận trong công tác hoàn thuế được phát hiện từ các vụ án gây thất thoát nhiều tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận hoàn thuế, Tổng cục Thuế ban hành một số văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ tại thời điểm đó nhằm thông tin kịp thời đến cơ quan thuế các cấp về các dấu hiệu rủi ro khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Vượt thách thức ngành thuế nỗ lực cán đích - Ảnh 5

Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, công tác quản lý hóa đơn điện tử và hoàn thuế thay đổi ra sao và ngành thuế dự định triển khai những giải pháp nào để chống thất thu thuế thời gian tới, thưa bà?

Để tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoàn thuế, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Về hóa đơn điện tử, với đặc thù tốc độ phát sinh nhanh của hóa đơn điện tử, để phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế ban hành Quyết định số 78/QĐ-TCT ngày 2/2/2023 về áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ Tài chính có Công điện số 01/CĐ-BTC ngày 12/4/2023, Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 24/11/2023 chỉ đạo tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện từ góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.

Ngành thuế xây dựng chức năng cảnh báo sớm và thông qua việc đối chiếu dữ liệu hóa đơn với tờ khai để xác định doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong quản lý và sử dụng hóa đơn đưa vào diện kiểm tra, thanh tra ngay, ngăn chặn tình trạng xuất khống hóa đơn kịp thời, ngăn chặn gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng và chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Về hoàn thuế, Tổng cục Thuế ban hành Quy trình hoàn thuế số 679/QĐ- TCT ngày 31/5/2023, Quyết định số 1388/QĐ-TCT ngày 18/9/2023 về áp dụng rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng. Vừa qua, Tổng cục Thuế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, khai thác dữ liệu hóa đơn điện tử và hỗ trợ thực hiện công tác phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, nhằm giúp cơ quan thuế trong quá trình xử lý hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế ban hành các văn bản hướng dẫn cơ quan thuế địa phương về công tác kiểm tra, xác minh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện tại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc đảm bảo thời hạn kiểm tra, xác minh điều kiện hoàn thuế, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế giá trị gia tăng, quản lý thuế và hóa đơn điện tử cùng các pháp luật có liên quan để hạn chế, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng trái phép hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, phát triển các ứng dụng hỗ trợ công tác xây dựng dự toán, điều hành công tác thu nộp thuế, chống bỏ sót, để lọt nguồn thu, chống gian lận trốn thuế dưới mọi hình thức sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành thuế triển khai năm 2024 để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.

Vượt thách thức ngành thuế nỗ lực cán đích - Ảnh 6

VnEconomy 13/02/2024 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Vượt thách thức ngành thuế nỗ lực cán đích - Ảnh 7