“Năm 2022, điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) tiếp tục được ứng dụng và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Thị trường Việt Nam hiện có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây của các nhà cung cấp như Amazon Web Service (AWS) và các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel… Điều này cho thấy Việt Nam đang là một thị trường sôi động và đầy tiềm năng.
Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại ASEAN nhờ quá trình tăng tốc chuyển đổi số quốc gia. Thị phần điện toán đám mây Việt Nam hiện chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 20% thị phần (cỡ 900 tỷ đồng). Trong 80% thị phần Cloud do các nhà cung cấp nước ngoài nắm giữ, Amazon Web Services chiếm nhiều nhất với 33%, Google và Microsoft cùng chiếm 21%. Quy mô thị trường này đang không ngừng tăng lên, theo dự báo, nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang dùng dịch vụ điện toán đám mây thì thị trường sẽ đạt 2,3 tỷ USD vào năm 2025.
Năm 2022, AI và BigData được triển khai rộng rãi trong các lĩnh vực ngân hàng, thương mại điện tử, viễn thông… Đơn cử, công nghệ định danh trực tuyến eKYC đã trở thành chức năng tiêu chuẩn trong các ứng dụng tài chính.
Hàng trăm triệu yêu cầu được xử lý chỉ riêng với nền tảng eKYC của VNPT để phục vụ cho các khách hàng tổ chức tài chính, viễn thông. Dữ liệu lớn từ các lĩnh vực viễn thông, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng cũng đã được thu thập và phân tích để đưa ra chính sách phù hợp đến từng khách hàng cụ thể. VNPT, Momo, Tiki, Lazada… đều triển khai các giải pháp AI, Big Data để khai thác hiệu quả dữ liệu khách hàng đang quản lý.
An toàn thông tin cũng trở thành tâm điểm trong năm 2022. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng năm 2022 ước đạt 4.853,4 tỷ đồng, tăng 26,15% so với năm 2021. Tỷ lệ các chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đến nay đạt 95,5%”.
“AI đã được triển khai mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống từ voicebot, chatbot đến các ứng dụng eKYC sử dụng cho căn cước công dân. Đơn cử, nền tảng FPT.AI của chúng tôi là hệ sinh thái hơn 20 dịch vụ AI tiên tiến hiện được triển khai tại 15 quốc gia, hiện có 11 triệu người dùng và 200 triệu người giao tiếp”.
“Theo tôi, năm 2022, một số công nghệ đã được ứng dụng, triển khai và phát triển ấn tượng trong đó tiêu biểu là điện toán đám mây, an ninh mạng, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
Cụ thể, điện toán đám mây, có thể thấy rõ sự bùng nổ về sự hình thành và gia nhập thị trường của các nhà cung cấp, các trung tâm dữ liệu lớn ở Việt Nam. Trong đó, đặc biệt đã có nhiều nhà cung cấp dịch vụ cloud đã chủ trương xây dựng những sản phẩm Make in Việt Nam bên cạnh việc phối hợp với các Big Tech hàng đầu, đảm bảo xây dựng hệ sinh thái đa dạng phong phú và đồng thời làm chủ công nghệ.
Với IoT, đó là sự bùng nổ của Smart Home, Smart City. Việc triển khai các ứng dụng căn hộ thông minh, thành phố thông minh, khu đô thị thông minh đã được triển khai rộng khắp. Có thể dẫn chứng từ thống kê của VINASA, năm 2022 có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh.
Với an ninh mạng, đây là ngành có đà phát triển rất mạnh, tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp Việt đạt 35 - 45%/năm. Theo dự báo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng quy mô thị trường an toàn thông tin Việt Nam có thể đạt 4.241 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong 2022, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây sẽ là hành lang triển khai hàng loạt các hành động chiến lược liên quan đến an toàn thông tin ở quy mô rộng khắp, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Theo dự báo của tôi, trong thời gian tới, ngành này vẫn là ngành sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng”.
“Năm 2022 chứng kiến bước tiến mạnh của công nghệ AI. Các công nghệ AI như xử lý hình ảnh, giọng nói, Deep Learning… đã thực sự đi vào cuộc sống và sử dụng bởi phần đông dân số như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe thời kỳ Covid, ứng dụng eKYC trong tài chính ngân hàng, hay các hệ thống gợi ý khi mua hàng trực tuyến. AI Việt Nam tăng 14 bậc về chỉ số sẵn sàng khi nhiều nền tảng quan trọng cho AI đã phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ AI trong các sản phẩm, dịch vụ mới.
Công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing) cũng đã thực sự trở thành tiêu chuẩn mới của hạ tầng công nghệ thông tin. Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, các đơn vị quốc tế cũng tham gia cung cấp dịch vụ Cloud với chi phí tối ưu so với duy trì hạ tầng trong khi vẫn đảm bảo các yêu cầu khắt khe về bảo mật. Thậm chí các ngành nhu cầu lưu trữ cao như ngân hàng cũng đã chuyển dịch lên.
Blockchain tuy là “keyword” nóng trong 2021 và 2022 với nhiều tên tuổi startup Việt gây tiếng vang trên thị trường quốc tế, cùng với sự ra đời của các tổ chức và dần nhận được sự quan tâm của nhà nước. Với đặc tính chống giả mạo, minh bạch, phi tập trung, công nghệ này đang có tầm ảnh hưởng rõ nét tới nền kinh tế số Việt Nam hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, trái ngược với số lượng rất lớn các dự án và nhân lực kỹ sư làm việc trong Blockchain, thì số lượng các ý tưởng mới hay ứng dụng thực tiễn của việc phi tập trung trong cuộc sống lại còn khá khiêm tốn, và chỉ xoay quanh NFT, phát hành token, gamefi”.
“2023 được nhìn nhận là năm khó khăn, do đó tạo cơ hội rất lớn cho các ứng dụng tối ưu hóa vận hành, nâng cao năng suất lao động. Các công nghệ Cloud, AI, Big Data sẽ tiếp tục được ứng dụng sâu và rộng trong cuộc sống”.
“Năm 2023 được nhận định có nhiều khó khăn và biến động với suy thoái kinh tế thế giới, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các công nghệ có cơ hội phát triển là các công nghệ đem lại giá trị thực cho doanh nghiệp và người dùng như tối ưu chi phí, tăng năng suất, sự linh động.
Đầu tiên, điện toán đám mây kết hợp dịch vụ. Không còn chỉ là hạ tầng mà kết hợp với dịch vụ như SaaS, PaaS… bởi ưu thế về chi phí, tính linh động và giảm thiểu chi phí vận hành và duy trì.
Trí tuệ nhân tạo tiếp tục là công nghệ được chấp nhận và phát triển trong năm 2023. Việc các doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập và tích lũy được dữ liệu vận hành và người dùng, kèm theo xu thế giảm chi phí hạ tầng máy chủ và siêu máy tính, sẽ giúp cho Machine Learning, Big Data có điều kiện phát triển.
Năm 2022 cũng chứng kiến nhiều ứng dụng thú vị của AI trong những lĩnh vực mới như nghệ thuật, sáng tạo như AI vẽ tranh, AI viết văn cũng có thể là cảm ứng cho công nghệ này tại Việt Nam và mở đường cho những ứng dụng thực tiễn mới. Khi xu hướng làm việc từ xa tiếp tục, các công nghệ hỗ trợ như AR/VR sẽ giúp cải thiện tương tác, phối hợp đội nhóm và trải nghiệm như không gian làm việc số dự đoán sẽ phát triển.
Về xu hướng ứng dụng cho các lĩnh vực, ngành nghề, theo tôi, tài chính ngân hàng sẽ có nhu cầu áp dụng công nghệ nhiều trong năm tới, do nguồn lực tài chính và động lực chuyển đổi lớn. Ngoài ra, bảo hiểm, tài chính cũng khá tiềm năng do quy mô nhỏ hơn và còn nhiều tiềm năng để khai thác và ứng dụng. Lĩnh vực Automotive (công nghiệp ô tô) sẽ phát triển mạnh do xu thế xe điện đang lên ngôi, thúc đẩy việc phát triển ứng dụng AI, IoT, 5G tại Việt Nam”.
“5G sẽ vẫn là xu hướng tất yếu để đáp ứng các yêu cầu kết nối tốc độ cao, số lượng lớn thiết bị kết nối với nhau như nhà thông minh, phương tiện tự lái, nông nghiệp thông minh, nhà máy thông minh…
Điện toán đám mây và đa đám mây (Multi-Clouds) đã và đang tiếp tục thay đổi cách thức quản trị hệ thống công nghệ thông tin của tất cả các tổ chức doanh nghiệp nhờ khả năng đơn giản hóa công tác phát triển, cung cấp các ứng dụng, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn với chi phí hợp lý.
Năm 2021, quy mô thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu được định giá 93,5 tỷ USD và được dự đoán sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 38,1% từ năm 2022 đến năm 2030. Việc ứng dụng AI, Big Data đã trở thành nhu cầu bắt buộc của các tổ chức doanh nghiệp để giảm chi phí, thông minh hóa dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, an toàn thông tin cũng vẫn tiếp tục là chủ đề nóng trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Trong năm 2023, xu hướng triển khai Hệ miễn dịch số (Digital Immune System) sẽ được đẩy mạnh. Hệ miễn dịch số là sự kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau để chống lại các rủi ro an ninh nhờ khả năng giám sát chủ động, tự động hóa được thiết kế, kiểm định nghiêm ngặt”.
“Theo tôi, trong ngắn hạn 2023, các xu hướng công nghệ sẽ chưa thay đổi nhiều. Các xu hướng công nghệ về Cloud, IoT, an ninh mạng, AI, Big Data vẫn sẽ là các xu thế chủ đạo. Bên cạnh đó là các công nghệ về AR/VR, Edge Computing giúp đem lại cho người dùng các trải nghiệm đắm chìm hơn, tương tác cao hơn trong tương lai.
Để đánh giá về lĩnh vực, ngành nghề chủ đạo ứng dụng công nghệ mới trong 2022, cần nhìn sâu hơn vào bức tranh tổng quan thị trường. Trong năm 2023, dự kiến Chính phủ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến công tác chuyển đổi số quốc gia nhằm thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số cho Chính phủ như đô thị thông minh, chính phủ điện tử dự kiến sẽ có rất nhiều cơ hội. Tổng công ty Giải pháp Viettel hiện cung cấp các giải pháp chính phủ điện tử, đô thị thông minh trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tại các thành phố lớn tại Việt Nam ngày càng gia tăng (trung bình tăng 100-200 đô thị mỗi 5 năm).
Sau năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, mọi hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường. Các lĩnh vực về y tế, giáo dục sẽ dần đi vào ổn định và đang có nhiều thuận lợi do các hành lang chính sách từ Chính phủ về chuyển đổi số. Năm 2023 hứa hẹn sẽ là một năm phát triển mạnh trong lĩnh vực này”.
“Về công nghệ AI, hiện tại Rikkeisoft đã có những tự chủ ban đầu về công nghệ lõi, vì vậy định hướng sẽ đầu tư hơn nữa vào sản phẩm ứng dụng AI như camera thông minh, loa thông minh. Trong năm 2023, Rikkeisoft cũng sẽ tập trung triển khai công nghệ Blockchain, nhưng sẽ đi sâu vào việc khai phá những tiềm năng của công nghệ phi tập trung và tính minh bạch và chú trọng hơn vào ứng dụng thực tế.
Ngoài ra, Robotics là một lĩnh vực được Rikkeisoft đầu tư nghiên cứu từ năm 2019. Sắp tới Rikkeisoft đẩy mạnh tạo ra các sản phẩm ứng dụng thực tế nhờ công nghệ robot và áp dụng trong lĩnh vực thực tế như khách sạn, resort và sân golf. Trước xu thế xe điện, trong năm tới, Rikkeisoft sẽ hưởng ứng bằng cách phát triển các ứng dụng AI và tạo ra các ứng dụng cài đặt trên xe”.
“Hiện nay FPT tập trung nhiều vào các công nghệ Hyper Automation tự động hóa các quy trình của doanh nghiệp, MES nhằm vận hành nhà máy hiệu quả hơn. Ngoài ra các ứng dụng AI, Cloud cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức chuyển đổi số nhanh hơn nữa. Ngoài ra trong lĩnh vực B2C FPT đang xây dựng các công nghệ nhắm tới việc giải quyết các vấn đề về sức khoẻ, học tập”.
“Các xu hướng mà Viettel đang tập trung phát triển bao gồm công nghệ 5G. Ngoài việc hợp tác với các hãng viễn thông hàng đầu thế giới (Ericsson, Nokia, Samsung) mở rộng vùng phủ 5G tại 43 tỉnh thành phố trên cả nước, chính thức là mạng 5G phủ sóng rộng nhất Việt Nam hiện tại đáp ứng nhu cầu tại thủ phủ, các khu công nghiệp trọng điểm, khu du lịch nghỉ dưỡng các tỉnh, thì hiện nay Viettel cũng luôn nỗ lực để tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất sản phẩm viễn thông 5G "Made by Viettel".
Trong tháng 10/2022, bộ 3 sản phẩm 5G gNodeB (trạm thu phát sóng 5G), vOCS 4.0 (hệ thống tính cước thời gian thực 4.0 cho mạng 5G) và 5G Core (mạng lõi 5G) của Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) vừa được Gartner - công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, đưa vào danh sách đánh giá các sản phẩm quốc tế uy tín – Gartner Peer Insights (GPI). Kết quả này khẳng định mạnh mẽ năng lực khối nghiên cứu sản xuất và định vị thương hiệu toàn cầu cho sản phẩm của Viettel.
Tiếp đến là công nghệ điện toán đám mây. Năm 2022, Viettel đã chính thức khai trương kinh doanh dịch vụ Viettel Cloud ngày 14/10/2022, đưa tập đoàn trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam. Trong năm 2023, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng hạ tầng điện toán đám mây, hướng tới mục tiêu dài hạn của Viettel Cloud “mỗi người dân Việt Nam, mỗi hộ gia đình Việt Nam, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây được đặt tại Việt Nam, do kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý vận hành và đảm bảo an toàn thông tin”.<
Trong năm 2022, Viettel triển khai xây dựng hệ sinh thái dịch vụ IoT với trên 200 chủng loại thiết bị phục vụ cho các ứng dụng smart home, smart office với đối tượng khách hàng là các khu đô thị. Đối với công nghệ AI, Viettel đã hoàn thành xây dựng khung tham chiếu từ 3 đối tác lớn TMForum, BCG, McKinsey, xây dựng 30 nhóm use case theo các nhóm nhiệm vụ nhỏ, triển khai áp dụng với hơn 14 các đơn vị nội bộ trong Tập đoàn Viettel. Trong đó AI sẽ được áp dụng rộng khắp trong các lĩnh vực nội bộ cũng như trong các công tác từ tiếp thị bán hàng, chăm sóc khách hàng, vận hành, bảo mật…
Trong 2023, Viettel sẽ thử nghiệm các dịch vụ AR/VR cho giải trí, trong đó dự kiến triển khai dịch vụ AR/VR cho giải trí với quy mô thử nghiệm tại Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh việc nghiên cứu các công nghệ streaming nội dung AR/VR, và nghiên cứu xây dựng các usecase áp dụng AR/VR trong cuộc sống, Viettel cũng liên tục thúc đẩy các công nghệ nền tảng cho AR/VR như 5G, Cloud Computing, Wifi 6”.
“Công nghệ 5G là một trong những công nghệ cốt lõi cho hạ tầng số và quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông và dịch vụ số của Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2023, Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục thử nghiệm công nghệ 5G, hướng tới sẵn sàng phủ sóng 5G trên toàn quốc trong giai đoạn tới 2025.
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, Tập đoàn VNPT vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ Big Data, AI, Cloud Computing trong hoạt động sản xuất kinh doanh nội bộ của VNPT cũng như cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao cho khách hàng”.
“Việt Nam hiện đã có các hành lang chính sách giúp thúc đẩy nhanh việc triển khai ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, như Chương trình chuyển đổi số quốc gia tới 2025, tầm nhìn 2030; Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Các định hướng, hành lang văn bản nói trên đã là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp Việt Nam đi đúng hướng và đồng bộ với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xây dựng những chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, nâng cao nội lực làm chủ công nghệ. Có thể tham khảo một số mô hình ở các quốc gia khác: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore như sau:
Thứ nhất, có các chính sách gián tiếp cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng số (5G, Cloud) như giảm thuế, miễn thuế, tận dụng các tài nguyên tần số, đất đai, hạ tầng có sẵn.
Thứ hai, có các chương trình/dự án quốc gia (có thể trích từ ngân sách Nhà nước) với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước: thành phố thông minh, nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số,…
Thứ ba, đẩy mạnh chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Hiện mặc dù Việt Nam có số lượng nhân sự công nghệ thông tin đông đảo, tuy nhiên đang thiếu hụt về nhân sự chất lượng cao. Việt Nam có thể tham khảo các quốc gia hàng đầu về đào tạo nhân sự công nghệ thông tin như Ấn Độ, Singapore.
Thứ tư, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong đó kết hợp chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, xây dựng các vườn ươm startup để mang lại các giá trị cho xã hội.
Thứ năm, các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như Viettel được đầu tư vào các dự án startup tiềm năng bằng Quỹ đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp.
Thứ sáu, cơ chế lương dành cho đội ngũ nhân sự chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin được linh động hơn, do hiện nay các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang có những chế độ đãi ngộ rất tốt. Nếu các tập đoàn nhà nước không có được một số cơ chế linh hoạt thì đội ngũ nhân sự chất lượng cao sẽ không thể tập trung làm những dự án quan trọng phục vụ sự phát triển của đất nước”.
“Thời gian qua, Việt Nam chưa cấp phép chính thức băng tần triển khai công nghệ 5G. Tuy nhiên, tháng 11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện, đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng, tháo gỡ những bất cập trong Luật Tần số vô tuyến điện (năm 2009) đối với việc cấp phép tần số qua hình thức đấu giá/thi tuyển. Luật mới sẽ mở đường cho những văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành. Năm 2023, VNPT kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện các chính sách giúp cho thúc đẩy sớm triển khai chính thức công nghệ 5G tại Việt Nam.
Cloud Computing là một xu hướng phát triển tất yếu. Thị phần điện toán đám mây Việt Nam hiện chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 20% thị phần. Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong nước phát triển hạ tầng: ưu đãi về thuế, ưu đãi về giá thuê mặt bằng để xây dựng IDC… và các chế tài quản lý chặt chẽ đối với các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam hiện nay như Google, AWS, …
Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chính quyền, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân còn nhiều hạn chế, hiện đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển của AI và Big Data. Nhà nước cần sớm có các chính sách hướng dẫn về dữ liệu mở, về hoạt động kinh doanh dữ liệu, để từ đó các doanh nghiệp công nghệ có khả năng tiếp cận và sử dụng hợp pháp các nguồn dữ liệu”.
“Hiện tại, Việt Nam đang xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và cần có những trung tâm dữ liệu lớn để đặt máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu… Cùng với các trung tâm dữ liệu, Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái các dịch vụ và công nghệ mới như AI, Blockchain. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh chính sách và quy hoạch các khu vực dành cho trung tâm dữ liệu, đồng thời cần phải đầu tư thêm các tuyến cáp biển trong nước và quốc tế”.
“Công nghệ Blockchain dù được đón nhận và công nhận bởi các hiệp hội, nhưng còn nhiều rào cản về chính sách bởi mối liên quan của Blockchain đến tiền kỹ thuật số và tài chính phi tập trung. Các ứng dụng phi tập trung trở nên hữu ích nếu toàn bộ hệ sinh thái từ nền tảng đến thanh toán và phân phối được quy định chặt chẽ và hỗ trợ bởi luật pháp và chính sách Nhà nước.
Công nghệ điện toán đám mây, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ trong nước cũng đang chờ quy định cụ thể hơn về Luật An ninh mạng và quy định về máy chủ trong nước. Ngoài ra hiện tại hầu hết các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải tự chủ về đầu tư cho công nghệ, thực tế các doanh nghiệp nhỏ và startup chưa được tiếp cận và hỗ trợ về mặt kinh phí cho hoạt động nghiên cứu công nghệ.
Để các công nghệ mới được “cất cánh” tại Việt Nam, theo tôi cần có cơ chế sandbox thử nghiệm các công nghệ và ứng dụng mới trong lúc chờ hoàn thiện về mặt chính sách. Về mặt hỗ trợ nghiên cứu, các hỗ trợ của cơ quan quản lý minh bạch hơn về cơ chế áp dụng, phê duyệt và giải ngân giúp các doanh nghiệp đặc biệt là startup công nghệ. Hỗ trợ từ Nhà nước và Chính phủ để các sản phẩm, công nghệ Việt Nam có thể hướng ra thị trường nước ngoài, có thể là các thị trường chưa phát triển ở châu Phi và Mỹ Latinh”.
“Theo tôi, trong năm 2022, rất nhiều công nghệ còn chưa đáp ứng được kỳ vọng phát triển. Cụ thể như 5G. Lưu lượng sử dụng Internet di động hàng năm tăng trưởng trung bình 60%, trong khi việc nâng cấp tài nguyên hạ tầng cho mạng 4G ngày càng trở nên hạn chế. Nhà mạng đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc bổ sung tài nguyên cho mạng 4G để đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ cho người dùng. Nếu công nghệ 5G được đưa vào triển khai sớm, sẽ giúp người dùng Việt Nam được sử dụng các dịch vụ Data với trải nghiệm tốt hơn. Ngoài ra 5G cũng có những tiềm năng lớn để tạo ra các dịch vụ mới, sáng tạo hơn cho khối doanh nghiệp, sản xuất, dịch vụ.
Với Metaverse (vũ trụ ảo), kỳ vọng ban đầu là xây dựng ra các vũ trụ ảo, trong đó con người có thể sinh hoạt, làm việc, tương tác, giải trí. Tuy nhiên thực tế các vũ trụ ảo này hiện tại mới chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giải trí và chưa thực sự đem lại được những ứng dụng thiết thực cho con người. Đặc biệt tại Việt Nam, hiện nay khái niệm Mataverse vẫn còn xa lạ. Đồng thời, để Metaverse phát triển, cần có các công nghệ nền tảng hỗ trợ như Cloud Computing, AR/VR, Blockchain, 5G, Wifi 6… Do đó trong ngắn hạn, Metaverse vẫn cần thêm thời gian để phát triển thêm các ứng dụng và nâng cao về công nghệ nền tảng trước khi có thể phát triển rộng rãi”.
“Tôi cho rằng năm qua, Blockchain gây ra nỗi thất vọng to lớn với việc sụp đổ các sàn giao dịch cỡ lớn và các ứng dụng thực tiễn chưa nhiều ngoài cryptocurrency”.
“Những công nghệ chưa phát triển như kỳ vọng trong năm qua là công nghệ thực tế ảo. Mặc dù Metaverse là từ khoá được nhiều người nhắc đến trên thế giới trong năm 2022 nhưng ở Việt Nam lại chưa có nhiều đột phá, đặc biệt là việc ứng dụng AR/VR để cải thiện tương tác và trải nghiệm người dùng trong Metaverse. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội là cơ hội lớn để phát triển tuy nhiên lại không như kỳ vọng.
Tiếp đến là IoT. Sau các ứng dụng trên xe điện, nhà thông minh và nhà máy đã khá phổ biến từ giai đoạn 2021, năm 2022 không chứng kiến nhiều ứng dụng đột phát mới, có lẽ do ảnh hưởng đứt gãy trong chuỗi cung ứng về chip thông minh trong năm 2022”.
“Trong tổng thể hệ sinh thái công nghệ số năm 2022 còn chứng kiến sự dịch chuyển không như dự đoán của 5G, IoT, AR, VR.
Bắt đầu triển khai thử nghiệm 5G từ năm 2020, Việt Nam là một trong số những quốc gia sớm thực hiện thí điểm và ứng dụng 5G so với các khu vực và thế giới. Tính đến tháng 10/2022, cả nước đã thử nghiệm việc triển khai 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Một số doanh nghiệp điện tử, viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, chuẩn bị hạ tầng viễn thông, tuy nhiên số thuê bao sử dụng 5G vẫn chiếm tỉ lệ tương đối thấp.
Bên cạnh đó, thị trường IoT vẫn chưa đạt được sự tăng trưởng bùng nổ trong năm 2022 do các giải pháp ứng dụng như Smart Home, Smart Lighting… mới chỉ tiếp cận được một số đối tượng khách hàng nhất định”.
VnEconomy 28/01/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam