Trong bối cảnh chung nhiều biến động, việc nắm bắt nhu cầu, thói quen mua sắm cũng như dự đoán và bắt kịp xu hướng tiêu dùng của khách hàng đối với mỗi doanh nghiệp càng trở nên khó khăn. Việc bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, với những phân tích cụ thể, sâu sát các biến động trong hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng cho bài toán trên, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, bứt phá thành công.
Năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội. Xung đột và cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Tình hình thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, trên phạm vi rộng làm mất cân đối sản xuất lương thực. Nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp, thị trường tài chính - tiền tệ - bất động sản tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tình hình lạm phát trên toàn cầu từ đầu năm 2023 đến nay có xu hướng giảm dần sau khi các nước đồng loạt thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm. So với mục tiêu dài hạn, mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 11 tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%. Báo cáo của PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023, có đến 62% người dùng lựa chọn cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, con số này lần lượt là 72% tại Đông Nam Á và 69% trên toàn cầu.
Trên thực tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng Việt có những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. Những thay đổi này mang tới nhiều thách thức và biến động, buộc doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh khó khăn này, điều cần thiết là các doanh nghiệp cần đưa ra những lựa chọn đúng để tối ưu những điểm chạm tiếp cận phù hợp, từ đó tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Thấu hiểu nhu cầu đó, Cốc Cốc (trình duyệt và công cụ tìm kiếm dành riêng cho người Việt trên cả hai nền tảng di động và máy tính) đã thực hiện nghiên cứu, tổng hợp dữ liệu của 30 triệu người dùng trình duyệt và công cụ tìm kiếm, kết hợp cùng khảo sát trực tuyến với 2.940 đáp viên trên toàn quốc để cho ra mắt Báo cáo “Xu hướng tiêu dùng hiện đại - Thấu hiểu để chinh phục thị trường”.
Báo cáo mang đến góc nhìn mới nhất cho các doanh nghiệp về hành vi và xu hướng của 6 ngành hàng được quan tâm nhiều nhất hiện nay như đã nêu trên. Toàn bộ nội dung Báo cáo sẽ được công bố tại sự kiện Tin Dùng Việt Nam 2023.
Báo cáo cho thấy, với ngành hàng Chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, dịch vụ nghỉ dưỡng, những xu hướng mới liên tục được cập nhật, những tiêu chuẩn, yêu cầu ngày càng nâng cao đã giúp thị trường ngành hàng Chăm sóc sắc đẹp nhanh chóng phát triển và đến gần hơn với người tiêu dùng. Các xu hướng từ sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sử dụng các nguyên liệu quý hiếm…ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc tối ưu sản phẩm và phương thức bán hàng.
Đối với ngành hàng ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, việc chuyển/rút/nạp tiền - thanh toán hóa đơn, mua sắm - mở tài khoản ngân hàng là 3 hoạt động tài chính phổ biến nhất với người dùng. Theo Báo cáo, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, thắt chặt chi tiêu và ưu tiên giữ tiền mặt, gửi tiết kiệm nhiều hơn với 31,5% người tiêu dùng lựa chọn. Chỉ 11,9% cho biết họ tham gia vào hoạt động giao dịch chứng khoán hay mua bán chứng chỉ quỹ. Nữ giới thường ưa chuộng các hình thức đầu tư phổ biến như gửi tiết kiệm, bảo hiểm và mua vàng, trong khi nam giới có xu hướng lựa chọn cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu.
7,5% người được hỏi cho biết họ có sử dụng dịch vụ vay. Người trẻ ưa chuộng hình thức cho vay theo hạn mức tín dụng trong khi người lớn tuổi lại chọn vay thế chấp hoặc đảm bảo bằng tài sản.
Đáng chú ý, với ngành hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thực phẩm - đồ uống. Xu hướng ăn sạch (eat clean - lựa chọn các loại thực phẩm sạch, tươi ngon, không chứa chất bảo quản hay phụ gia hóa học, tiêu thụ nhiều thực phẩm nguyên chất hơn là thực phẩm đã được chế biến sẵn) đã trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng Việt, tạo sức ảnh hưởng lớn và nhận được sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng với hơn 50% người được hỏi lựa chọn.
Ngoài ra, tăng cường dinh dưỡng (43,7%) và bảo vệ môi trường (43,6%) cũng là những xu hướng hàng đầu được người tiêu dùng quan tâm. Người tiêu dùng cũng chú trọng đến tính chất tốt cho sức khỏe và đủ chất của thực phẩm đóng gói, như: mì, phở, bún, hủ tiếu, miến, cháo ăn liền. Họ mong muốn thực phẩm đóng gói cung cấp đủ dinh dưỡng và không gây hại cho sức khỏe. Mặc dù xu hướng ăn sạch đang phát triển, nhưng đồ ăn nhanh vẫn thu hút người tiêu dùng nhờ tính thuận tiện. Giá cả và các ưu đãi, khuyến mại cũng là những yếu tố quan trọng khi người tiêu dùng lựa chọn đồ ăn nhanh.
Trong ngành vật liệu xây dựng, nội ngoại thất, đồ gia dụng, người tiêu dùng có nhu cầu đa dạng liên quan đến mua nhà, mua sắm đồ gia dụng, xây dựng và cải thiện không gian sống. Các xu hướng phổ biến bao gồm tiện nghi hiện đại, tích hợp công nghệ thông minh, quan tâm đến môi trường và tối giản thiết kế.
Với ngành sản phẩm, dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp, công cụ và phần mềm hỗ trợ làm việc, giao tiếp và quản lý công việc trong môi trường văn phòng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Tăng ngân sách cho sản phẩm và dịch vụ công nghệ như một khoản đầu tư để nâng cấp hoặc mở rộng quy mô, cải thiện dịch vụ hỗ trợ khách hàng và tăng tần suất, số lượng sản phẩm sử dụng.
Đối với ngành đặt xe, đặt đồ ăn và chuyển phát công nghệ, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quen thuộc với việc sử dụng ứng dụng để đặt xe, đặt đồ ăn và chuyển phát hàng hóa. Số đông người tiêu dùng đánh giá giá cả là yếu tố hàng đầu khi lựa chọn dịch vụ công nghệ, tuy nhiên, với độ tuổi và thu nhập gia tăng, những yếu tố khác cũng trở nên quan trọng hơn.
Từ nghiên cứu và phân tích những thay đổi xu hướng tiêu dùng của 6 ngành hàng trên, Báo cáo cũng đưa ra 4 gợi mở cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, sáng tạo và nâng cao chất lượng. Cụ thể: với nhu cầu ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng, những xu hướng hiện đại không ngừng cập nhật, các doanh nghiệp sẽ cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cải thiện dịch vụ, cung cấp những sản phẩm mới, các giải pháp sáng tạo và hiện đại đáp ứng những nhu cầu và xu hướng này.
Thứ hai, tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Quay về với giá trị cốt lõi: đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả nhu cầu thiết thực của khách hàng chính là chìa khóa để doanh nghiệp cạnh tranh với các đối thủ, tiền đề quan trọng để xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Thứ ba, cải tiến quy trình, áp dụng công nghệ và tự động hóa. Công nghệ giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu suất. Lựa chọn công nghệ phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực, vượt qua giai đoạn đầy thách thức này.
Thứ tư, quảng cáo và tiếp cận thông minh. Các kênh quảng cáo trực tuyến có nhiều ưu thế trong bối cảnh tiêu dùng hiện đại, là điểm chạm quan trọng để tiếp cận khách hàng. Việc duy trì hiện diện thường xuyên trên các nguồn thông tin trực tuyến giúp doanh nghiệp giữ được kết nối với khách hàng bởi họ sẽ tự mình tìm kiếm, tra cứu và tham khảo khi phát sinh nhu cầu, khi mua sắm và sử dụng.
VnEconomy 20/12/2023 13:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2023 phát hành ngày 18-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam