February 22, 2024 | 13:51 GMT+7

CEO Talentnet: Công ty Việt Nam cần tầm nhìn "vượt biên giới"

Thu Hà -

“Điều gì doanh nghiệp nước ngoài làm được thì doanh nghiệp Việt Nam cũng làm được”, bà Tiêu Yến Trinh, Nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Công ty tư vấn nhân sự Talentnet khẳng định khi chia sẻ về cột mốc doanh nghiệp tiến ra thị trường mới...

Bà Tiêu Yến Trinh cùng đội ngũ nhân viên Talentnet bản xứ tổ chức hội thảo lương thưởng tại Campuchia năm 2023.
Bà Tiêu Yến Trinh cùng đội ngũ nhân viên Talentnet bản xứ tổ chức hội thảo lương thưởng tại Campuchia năm 2023.

Đầu năm 2024, Talentnet mở văn phòng đại diện tại Singapore và chi nhánh mới tại Campuchia, chính thức tiến ra khu vực, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới.

Thị trường nhân sự Singapore và Campuchia có sự phát triển không giống nhau. Vì sao Talentnet lại chọn 2 quốc gia này trong lần đầu bước ra khu vực?

Mục tiêu và sứ mệnh của Talentnet cuối cùng vẫn là song hành với doanh nghiệp nâng cao chiến lược quản trị nhân sự, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Vì Campuchia đang đón nhận nhiều làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp Việt, Talentnet mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt khẳng định vị thế tại đây thông qua hoạt động nhân sự chuyên nghiệp và giàu tính cạnh tranh. Là một doanh nghiệp Việt, Talentnet thấu hiểu và đồng cảm với văn hóa, chiến lược kinh doanh của đối tác để đưa ra tư vấn phù hợp. Ngoài ra, đội ngũ tư vấn viên của Talentnet ở Campuchia đa số là người bản địa, sẽ đóng góp những góc nhìn địa phương hỗ trợ khách hàng tạo nền tảng phát triển vững chắc tại đây.

Với Singapore, rất nhiều doanh nghiệp tại đây mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Bằng sự am hiểu thị trường lao động và kinh doanh từ kinh nghiệm làm việc cùng 1000 doanh nghiệp Việt lẫn quốc tế, Talentnet sẽ là cầu nối cung cấp góc nhìn toàn diện về bức tranh đầu tư tại Việt Nam. Talentnet cũng sẽ tư vấn, đồng hành trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài, chuẩn bị nền tảng giúp doanh nghiệp hòa nhập cùng nền kinh tế Việt Nam.

Vì sao Talentnet chọn cột mốc năm nay để triển khai mở rộng?

Đối diện với những thử thách hiện tại, chúng ta dễ nghĩ đến việc “ngủ đông” để bảo toàn lực lượng. Với tôi, cơ hội có thể được tạo ra từ việc nhìn lại để đổi mới, tái cấu trúc nhân sự.

Suốt 15 năm đồng hành cùng doanh nghiệp đi qua nhiều biến động, Talentnet đã nhận được sự ủng hộ, tin tưởng từ các đối tác và khách hàng. Đây là lúc Talentnet, với phương pháp quốc tế và chuyên môn vững vàng, trở thành cánh tay nối dài của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế để chuyển mình. Đây cũng là cơ hội để Talentnet học hỏi từ bạn bè láng giềng. Hy vọng Talentnet sẽ chào đón nhiều nhân tài từ các nước trong khu vực tham gia, hướng đến nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực khu vực.

Một thế mạnh cạnh tranh giúp Talentnet trụ vững trong thị trường và sẵn sàng tiến ra khu vực?

Từ ngày đầu thành lập Talentnet, tôi luôn trăn trở liệu một doanh nghiệp 100% Việt Nam có thể trở thành đơn vị cung cấp toàn diện các giải pháp nhân sự cho cả khách hàng Việt Nam và các khách hàng đa quốc gia.

Câu trả lời là có. Không chỉ đưa ra lời giải ngắn hạn cho doanh nghiệp, chúng tôi còn muốn đồng hành lâu dài, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản trị nhân sự.

Bên cạnh sự hiểu biết về con người, văn hóa, luật pháp và thị trường nước nhà, Talentnet còn nỗ lực trở thành đối tác độc quyền trong khu vực của ADP Streamline và Mercer, mang đến nguồn dữ liệu và phương pháp đáng tin cậy. Đây là tư liệu quý giá chuẩn quốc tế được Talentnet “may đo lại” cho thị trường nước ta, giúp các doanh nghiệp Việt hoạch định các chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài hiệu quả.

Thành quả là không chỉ dịch vụ Talentnet được nâng chuẩn chất lượng, mà doanh nghiệp Việt cũng được nâng tầm, để gửi đi thông điệp: Điều gì quốc tế làm được thì người Việt cũng có thể làm được!

Bà Tiêu Yến Trinh phát biểu tại hội thảo đổi mới The Makeover 2023 dành cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia nhân sự Việt Nam.
Bà Tiêu Yến Trinh phát biểu tại hội thảo đổi mới The Makeover 2023 dành cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia nhân sự Việt Nam.

Bà có lời khuyên nào cho những “chiếc thuyền” doanh nghiệp cũng đang tìm cơ hội ra biển lớn?

“Cơ hội luôn mở” với các điều kiện:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu, tầm nhìn dài hạn - là chiếc “la bàn” dẫn lối ra khơi. Sau đó, các “thuyền trưởng” phải xác định thế mạnh của mình, quy tắc, luật lệ, người chơi, tập quán… của nơi doanh nghiệp hướng đến để lên chiến lược tồn tại, thay đổi, nâng cấp cho phù hợp.

Cuối cùng là tinh thần hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt. Đây không chỉ là cú bắt tay nâng tầm thương hiệu Việt trên sân nhà, mà còn vươn xa trên trường quốc tế. Từ hệ sinh thái vững chắc, lấy thế mạnh đối tác làm đòn bẩy, tôi tin các giá trị cốt lõi của thị trường Việt Nam là sức sáng tạo, sự linh hoạt, uy tín, chất lượng sản phẩm sẽ được lan toả ở mọi thị trường mà doanh nghiệp chúng ta đặt chân đến.

Vậy bà nghĩ đâu sẽ là “chìa khóa” để doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo nên một cộng đồng gắn kết như bà và nhiều “đầu tàu” khác cũng đang mong muốn?

Đầu tiên là các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, huy động tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, mở rộng hợp tác quốc tế. Đây là động lực rất lớn để doanh nghiệp Việt thực hiện các mục tiêu phát triển cùng nhau.

Thứ hai là tính kết nối của hiệp hội doanh nghiệp ở mọi ngành nghề. Kết nối với đối tác quốc tế là cách học từ họ những tiêu chuẩn mới để tự nâng cấp mình.

Cuối cùng, một cộng đồng mạnh mẽ phải được gắn kết từ những cá thể mạnh mẽ. Vậy nên nâng cao nội lực và năng lực cạnh tranh để lao động trong nước có thể theo kịp tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường luôn là mục tiêu cốt lõi.

Năm mới, hy vọng những mong ước mới của các doanh nghiệp Việt trên lộ trình tiến ra biển lớn sẽ thành công!

Xin cảm ơn!

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate