Giá vàng đã tăng khoảng 20% từ đầu năm tới nay trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh mua vào cũng như nhu cầu cao ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, mối quan tâm dành cho các loại tài sản trú ẩn như vàng ngày càng lớn do bất ổn địa chính trị cũng là nguyên nhân khiến giá kim loại này tăng mạnh.
Đồ thị thông tin dưới đây gồm 10 quốc gia có dự trữ vàng tại các ngân hàng trung ương lớn nhất, dựa trên dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tính tới tháng 5/2024.
Theo đó, dẫn đầu là Mỹ với 8.133 tấn vàng, trị giá 628 tỷ USD. Một nửa số vàng này được cất giữ tại United States Bullion Depository, thường được gọi là Fort Knox. Đây là trung tâm lưu ký vàng của Mỹ, nằm trong một tòa nhà kiên cố liền kề với một căn cứ quân sự tại bang Kentucky. Trung tâm này thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính Mỹ.
Sau Mỹ là Đức và Italy với lần lượt 3.351 tấn và 2.452 tấn vàng nằm trong ngân hàng trung ương.
Trên thực tế, phần lớn vàng trên thế giới nằm trong tay các ngân hàng trung ương. Đây là nơi nắm giữ khoảng 20% tổng số vàng được khai thác trên thế giới từ trước tới nay.
Trong nửa đầu năm 2024, các ngân hàng trung ương mua vào tổng cộng 483 tấn vàng – một kỷ lục mới. Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua nhiều nhất trong nửa đầu năm nay với 45 tấn. Theo sau là Ấn Độ với 37 tấn.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) – thường mua vàng với số lượng hàng đầu thế giới – gần đây đã giảm tốc độ mua vào, thậm chí dừng mua trong tháng 5 và tháng 6. Trước đó, PBOC liên tục tăng kho dự trữ vàng suốt 18 tháng liên tiếp. Trung Quốc đứng thứ 6 về lượng vàng dự trữ tại ngân hàng trung ương với 2.264 tấn tính tới cuối tháng 5/2024.