Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là vốn đầu tư do các cá nhân, doanh nghiệp hoặc thực thể từ một quốc gia rót vào các doanh nghiệp, tài sản hoặc liên doanh ở một quốc gia khác. FDI có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu, thúc đẩy dòng vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động, đồng thời góp phần tạo ra việc làm cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia nhận vốn đầu tư.
Đồ thị thông tin dưới đây gồm 10 thị trường mới nổi được dự báo sẽ chứng kiến FDI tăng mạnh nhất trong năm nay, dựa trên xếp hạng được tạp chí fDi Intelligence công bố vào tháng 12/2023.
Đây là 10 quốc gia có triển vọng FDI tốt nhất năm 2024 tại khu vực châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu. Trong đó, châu Á có 6 đại diện, dẫn đầu là Campuchia.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Campuchia là 6,1%, tăng từ mức 5,6% năm ngoái. Thời gian qua, Campuchia đẩy mạnh trao đổi thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Nước này cũng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau khi Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế đi lại theo chiến lược Zero Covid. Campuchia được dự báo có tăng trưởng đầu tư tài sản cố định (CAPEX) bình quân của dự án FDI năm 2024 đạt 393% so với năm trước, trong khi số lượng dự án FDI tăng 110%.
Đứng thứ hai trong danh sách là Philippines với tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,9%, so với 5,3% của năm 2023. Mức tăng CAPEX dự án FDI tại Philippines năm nay được dự báo là 312%, còn số lượng dự án tăng 51% so với năm 2023.
Ở vị trí thứ ba là Kenya. Quốc gia châu Phi thời gian qua chứng kiến sự gia tăng đáng kể của dòng vốn FDI ở nhiều lĩnh vực. Gần đây, hãng được Mỹ Moderna đạt thỏa thuận đầu tư tối đa 500 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất vaccine công nghệ mRNA tại Kenya. Đây là nhà máy đầu tiên của Moderna và cũng là nhà máy loại này đầu tiên tại châu Phi. Lĩnh vực năng lượng của Kenya cũng đang hút FDI mạnh. Tháng 9/2023, công ty năng lượng AMEA Power, có trụ sở tại Dubai, công bố kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất hydrogen xanh tại Mombasa, phía Đông Nam Kenya, với tổng vốn đầu tư ước tính 2,29 tỷ USD.
Serbia là quốc gia duy nhất không thuộc châu Á và châu Phi lọt vào top 10.