Các trường tham gia buổi tọa đàm và ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày 29/10/2022 gồm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường Đại học Đà Nẵng, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia HN, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, Học viện Tài chính và Trường Đại học Ngoại thương.
Việc ký kết thoả thuận giữa 10 trường kinh tế trên cả nước nhằm mục đích thống nhất về các nội dung, phương thức hợp tác trao đổi giảng viên, sinh viên đa phương và song phương. Cùng với đó, các trường xác định và xây dựng các chương trình đào tạo mời sinh viên của các trường cùng học hàng năm, trao đổi sinh viên đa phương giữa các trường.
Cụ thể, trong thời gian tới sẽ có các hoạt động trao đổi sinh viên, học viên thông qua các khoá học ngắn hạn và dài hạn.
Ở các khóa dài hạn cho phép người học của các trường được đăng ký học tập, thực tập, nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ. Các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng các với người học của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập của trường.
Với các khóa ngắn hạn, các trường đại học tổ chức khóa học ngắn hạn trong thời gian hè, công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học của các trường được đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ.
Về học phí người học đăng ký các chương trình trao đổi sinh viên sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Người học không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo.
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Thoả thuận hợp tác chắc chắn sẽ mở ra dấu mốc đặc biệt, mở ra cơ hội hợp tác hiệu quả hơn, thực chất hơn giữa các trường đại học.
"Sự liên kết này giúp cho sinh viên ở các trường đại học ở Hà Nội có cơ hội học tập ở Đà Nẵng, TP. HCM và ngược lại. Quá trình hợp tác cho phép thực hiện nghiên cứu liên vùng, liên ngành, chắc chắn sẽ tạo ra tiếng nói mạnh mẽ hơn của các trường đại học khối kinh tế đối với xã hội. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho các trường nói chung và các cơ quan khác nói riêng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.