Dự án sẽ được triển khai trong vòng 2 năm nhằm hướng đến việc thúc đẩy phát triển sinh kế cho nông hộ, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk, thông qua kết nối người dân và nhà sản xuất với các nguồn lực cần thiết, từ đó giúp họ cải thiện sinh kế một cách bền vững.
Dự án tập trung vào hai lĩnh vực chính, nhằm tạo khác biệt bền vững trong việc cải thiện sinh kế cho đồng bào ở tỉnh Đắk Lắk, gồm nâng cao khả năng hội nhập của nhà nông vào thị trường và tiếp cận nguồn tư liệu sản xuất, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng cần thiết cho phụ nữ, tạo điều kiện để họ theo đuổi những cơ hội kinh tế của riêng mình.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia CARE tại Việt Nam, cho biết Dự án nhằm thu hẹp khoảng cách về giới và giúp người dân tiếp cận những cơ hội phát triển kinh tế thông qua việc đặt ra 3 mục tiêu đầy tham vọng.
Thứ nhất là dự án này sẽ được triển khai xuyên suốt cho đến hết tháng 8 năm 2024, tập trung hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Lắk nhằm mang lại lợi ích và góp phần cải thiện cuộc sống cho hơn 15.000 người, trong đó có hơn 7.000 phụ nữ huyện Buôn Hồ.
Cụ thể, chương trình sẽ tổ chức người tham gia dự án thực hành mô hình vừa học vừa làm từ sản xuất tới thị trường, tiến hành đào tạo, huấn luyện kỹ thuật và bồi dưỡng khả năng kinh doanh cho họ.
Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh nhỏ cũng sẽ được lựa chọn để tiếp nhận vốn mồi nhằm mở rộng sản xuất, cũng như tiếp nhận đào tạo và hỗ trợ nâng cao.
Thứ hai là cải thiện năng lực tiếp cận nguồn vốn và quản lý tài chính cho phụ nữ nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua việc phát triển các quỹ tiết kiệm và tín dụng tại thôn bản, cũng như đào tạo, hướng dẫn nông dân cách quản lý tài chính. Dự án này cũng sẽ giới thiệu nông dân và cơ sở kinh doanh tiếp cận các định chế tài chính uy tín, hỗ trợ họ vay vốn để mở rộng đầu tư sản xuất.
Thứ ba là nhằm hỗ trợ, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đầu vào và đầu ra cho nông hộ, thông qua việc cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân và tạo điều kiện thuận lợi cho họ mua/bán/tiếp thị tập thể. Qua đó, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho các nhóm sản xuất, để người tham gia có thể tiếp thị và bán sản phẩm qua các kênh thương mai điện tử và kênh kỹ thuật số khác.
Khu vực Tây Nguyên có đặc trưng riêng là phụ nữ là người chủ của gia đình, do đó việc hỗ trợ phát triển cho phụ nữ chính là hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình của họ. Bên cạnh đó, thị xã Vân Hồ có nhiều đông bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, canh tác, do vậy việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi rất cần thiết đối với người dân ở đây.
Bà Michelle Grogg, Phó Chủ tịch phụ trách Trách nhiệm doanh nghiệp kiêm Giám đốc Điều hành Quỹ Cargill nhấn mạnh đây là một chương trình cộng đồng hết sức quan trọng đối với Cargill, phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tạo dựng các chuỗi cung ứng bền vững và có khả năng phục hồi.
“Việc hỗ trợ người nông dân, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk cho thấy Cargill có thể triển khai những chương trình cộng đồng phù hợp với đặc điểm mỗi vùng, nhằm kết nối người nông dân với thị trường tiêu thụ và cải thiện sinh kế của họ”, bà Grogg nhấn mạnh.
Đánh giá cao những nỗ lực của CARE và Cargill trong các chương trình cộng đồng, ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội kỳ vọng Dự án “Vươn mình” không chỉ giúp bồi dưỡng năng lực cho nông dân, mà còn đề cao tiếng nói của phụ nữ và giúp họ thăng tiến, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong các quyết định liên quan.