Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, luỹ kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021, 16 ngân hàng thương mại lớn đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng đạt khoảng 18.095 tỷ đồng.
Theo đó, 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đi tiên phong và dẫn đầu về số tiền giảm lãi. Cụ thể, Agribank giảm 5.176 tỷ đồng; Vietcombank giảm 3.822 tỷ đồng; BIDV giảm 3.382 tỷ đồng và VietinBank giảm 2.019 tỷ đồng.
Mức giảm lãi của các ngân hàng thương mại còn lại như sau: MB giảm 612 tỷ đồng; ACB giảm 592 tỷ đồng; VPBank giảm 478 tỷ đồng; Techcombank giảm 440 tỷ đồng; SHB giảm 357 tỷ đồng; Sacombank giảm 285 tỷ đồng; TPBank giảm 221 tỷ đồng; HDBank giảm 199 tỷ đồng;SeABank giảm 193 tỷ đồng; MSB giảm 155 tỷ đồng; LienVietPostBank giảm 128,75 tỷ đồng; VIB giảm 35 tỷ đồng.
Trước đó, khi đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (NQ63).
Với mong muốn góp sức vào việc triển khai NQ63, trung tuần tháng 7/2021, Hiệp hội Ngân hàng họp với các tổ chức tín dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.
Sau cuộc họp trên, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Như vậy nếu so với mức 20.613 tỷ đồng đã cam kết, đến nay 16 ngân hàng thương mại trên đã thực hiện được 87,78%.
Ngoài ra, riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhờ các chính sách của Ngân hàng Nhà nước và sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các ngân hàng thương mại, trong năm 2020 mặt bằng lãi suất đã giảm gần 1% và sau 11 tháng đầu năm 2021, mặt lãi suất giảm thêm khoảng 0,8%. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định (4,5%/năm).
Vừa qua, chia sẻ tại buổi họp báo tổng kết ngành ngân hàng 2021, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, với định hướng lạm phát như hiện nay, áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu đang tăng, hệ số xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện chiếm đến 200% GDP, áp lực lạm phát nhập khẩu khá cao. Việc duy trì mặt bằng lãi suất không thay đổi cũng là áp lực lớn với ngành ngân hàng.
Đồng thời, việc thay đổi chính sách của Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng là áp lực đối với Việt Nam. Bởi lẽ, hầu hết Ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất. Cụ thể, Fed cho biết có khả năng thu hẹp nới lỏng định lượng và tăng 3 lần trong năm 2022. Fed đã xác thực lạm phát là hiện hữu thay vì quan điểm cho rằng "lạm phát chỉ là nhất thời" như trước đây.
Theo dõi của Ngân hàng Nhà nước, trong năm qua có tổng cộng 118 đợt tăng lãi suất và 16 lượt giảm lãi suất trên toàn cầu. Mới đây, một trong 7 ngân hàng trung ương trong nhóm G7 là Ngân hàng trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất.
"Đây là điều khá bất ngờ và điều này tác động lớn đến ngân hàng các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, tác động của dịch Covid-19 là rất lớn. Những điều này đã tạo áp lực cho Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất ổn định", ông Quan nói.
Vì vậy, theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, năm 2022 dựa trên kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát, trong điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành ổn định lãi suất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.