August 03, 2023 | 16:59 GMT+7

161 doanh nghiệp phía Bắc có tổng chỉ tiêu tuyển dụng hàng chục nghìn vị trí việc làm

Nhật Dương -

Các doanh nghiệp phía Bắc tham gia phiên việc làm ngày 3/8 có nhu cầu tuyển dụng hơn 16.000 công nhân điện tử và công nhân may, dù đây cũng là những ngành nghề chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi làn sóng cắt giảm lao động trong thời gian qua…

Người lao động Hà Nội tìm việc tại phiên giao dịch việc làm ngày 3/8.
Người lao động Hà Nội tìm việc tại phiên giao dịch việc làm ngày 3/8.

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Kạn và Lạng Sơn tổ chức ngày 3/8/2023 đã thu hút 161 đơn vị doanh nghiệp tham gia với tổng chỉ tiêu tuyển dụng 27.695 vị trí việc làm.

Bắc Giang là địa phương có chỉ tiêu tuyển dụng lớn nhất trong 9 tỉnh, thành phố với 17.244 vị trí, chủ yếu là công nhân điện tử, công nhân may. Tại phiên việc làm hôm 25/7, địa phương này cũng dẫn đầu về số lượng cần tuyển dụng với gần 17.500 vị trí.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải giảm quy mô sản xuất dẫn đến tình trạng nhiều lao động bị mất, giảm việc làm. 6 tháng đầu năm, Bắc Giang có gần 90 doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện cắt, giảm số lao động làm việc, dẫn đến hơn 26.500 lao động bị ảnh hưởng.

Trong đó, số lao động mất, giảm việc làm chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, với hơn 2.700 người; sản xuất linh kiện và điện tử 11.760 người…Đối tượng mất, giảm việc làm chủ yếu là lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo (chưa có bằng cấp, chứng chỉ), chiếm tỷ lệ khoảng 90%.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do suy giảm tình hình kinh tế thế giới, làm cho các doanh nghiệp trong nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn do giảm sút thị trường tiêu thụ, khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nhiều yếu tố tác động làm tăng chi phí sản xuất, phải tạm thời thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặc dù vậy, Bắc Giang được đánh giá là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2023 khoảng 60.000 lao động.

Ngoài Bắc Giang, tại phiên giao dịch việc làm ngày 3/8, một số địa phương khác cũng có chỉ tiêu tuyển dụng khá, mức trên 1.000 chỉ tiêu như: Ninh Bình 3.701; Phú Thọ 1.850; Hải Phòng 1.584; Bắc Ninh 1.557; Hà Nội 1.088...

Nhu cầu tuyển dụng tại các địa phương. Nguồn - Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. 
Nhu cầu tuyển dụng tại các địa phương. Nguồn - Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. 

Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, lao động phổ thông vẫn là nhóm được các đoanh nghiệp tìm kiếm nhiều nhất, với 10.681 vị trí, theo sau là nhóm lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật với 9.422 chỉ tiêu, còn lại là nhóm có trình độ cao đẳng – đại học trở lên.

Xét theo nhóm ngành ngành nghề, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là nhóm công nhân điện tử và công nhân may, lần lượt là 9.412 và 6.923 vị trí. Các nhóm ngành nghề khác được tìm kiếm là kỹ sư; bảo vệ - tạp vụ; kinh doanh – marketing; bán hàng – chăm sóc khách hàng; nhân viên kho; thu ngân; nhân viên hành chính…

Nhu cầu tuyển dụng phân theo nhóm ngành nghề. Nguồn - Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Nhu cầu tuyển dụng phân theo nhóm ngành nghề. Nguồn - Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Trong khi phần lớn các địa phương khác cần tuyển dụng số lượng lớn lao động phổ thông, công nhân phục vụ sản xuất trong các nhà máy, tại sàn việc làm Hà Nội, ngoài lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp còn cần tuyển dụng nhiều vị trí trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải, giáo dục, du lịch. Đặc biệt, thị trường Hà Nội có nhu cầu với nhóm có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật cao hơn hẳn so với các trình độ khác, chiếm 42%.

Tại phiên việc làm ngày 3/8, Hà Nội cần tuyển dụng hơn 1.000 chỉ tiêu với mức thu nhập dao động từ 5 - 15 triệu đồng. Trong đó, mức từ 7 - 10 triệu/tháng chiếm tỷ lệ lớn nhất, với 37,2% trong tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.

Theo sau là mức từ 5 - 7 triệu/tháng. Đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime…Còn mức thu nhập từ 10 - 15 triệu/tháng thường dành cho các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.

Ngoài ra, với mức thu nhập thỏa thuận sẽ do người lao động và doanh nghiệp cùng trao đổi trong quá trình phỏng vấn.

Đại diện Trung tâm Dịch việc làm Hà Nội cho biết, phiên giao dịch việc làm được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhu cầu tuyển dụng lao động phù hợp; hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong tình hình mới…

Với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, uy tín tại các tỉnh, thành phố được kì vọng mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu tại Sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội việc làm cho tất cả người lao động trên địa bàn Hà Nội cũng như các địa phương.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate