Trên toàn cầu, tỷ lệ sinh đã giảm từ mức bình quân 5 trẻ em trên mỗi phụ nữ vào năm 1950 xuống còn 2,3 trẻ năm 2021. Tỷ lệ sinh là số trẻ em được sinh ra bình quân của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại một một quốc gia, vùng lãnh thổ. Thông thường, độ tuổi từ 15-45 được xem là độ tuổi sinh sản của phụ nữ. Theo các nhà nhân khẩu học, tỷ lệ sinh 2,1 – còn gọi là tỷ lệ thay thế – là mức tối thiểu cần thiết để duy trì dân số bền vững, không xét tới người nhập cư và tỷ lệ tử ổn định.
Với ngày càng ít trẻ em được sinh ra, ngày càng nhiều người lo rằng thế giới sẽ rơi vào tính trạng có “quá ít” người để duy trì các nền kinh tế.
Đồ thị thông tin dưới đây gồm các nền kinh tế có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới năm 2024, dựa trên dữ liệu từ Statista. Tất cả số liệu là ước tính.
Theo đó, Đài Loan và Hàn Quốc đứng đầu danh sách với tỷ lệ sinh ước tính năm 2024 là 1,1 trẻ trên mỗi phụ nữ. Xét theo khu vực, châu Âu là nơi có nhiều nền kinh tế với tỷ lệ sinh thấp nhất với 8 đại diện, theo sau là châu Á với 6 đại diện. Châu Mỹ và châu Phi có lần lượt 5 và 1 nền kinh tế xuất hiện trong danh sách.
Châu Âu là châu lục duy nhất trên thế giới được dự báo sẽ chứng kiến mức giảm dân số chung trong ngắn hạn (từ năm 2022-2050), với mức giảm là 7%. Ngược lại, dân số tại một số khu vực như Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á, Mỹ Latin, Caribbean và Bắc Mỹ được dự báo tiếp tục tăng nhưng sẽ đạt đỉnh trước năm 2100.
Hiện tại, các nền kinh tế có tỷ lệ sinh thấp đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của điều này tới nền kinh tế. Ví dụ, Hàn Quốc đã bắt đầu cho phép các gia đình thuê bảo mẫu nhập cư để hỗ trợ chăm sóc con cái, từ đó thúc đẩy tỷ lệ sinh. Trong khi đó, Nhật Bản đã phân bổ khoảng 3,6 nghìn tỷ yen (22,3 tỷ USD) mỗi năm nhằm đảo ngược xu hướng này.