Theo Xếp hạng Chi phí Sinh hoạt năm 2023 của ECA International, thành phố New York của Mỹ đã vượt qua Hồng Kông trở thành đô thị đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài. Dù vậy, Hồng Kông vẫn là thành phố đắt đỏ nhất tại châu Á.
"Chi phí hàng hóa và dịch vụ tại Hồng Kông đã tăng kỷ lục trong nhiều năm, cho thấy thành phố này không tránh khỏi làn sóng lạm phát mà chúng ta chứng kiến khắp thế giới năm qua", ông Lee Quane, giám đốc khu vực châu Á của ECA International, cho biết. "Dù vậy, trong xếp hạng năm 2023, Hồng Kông tụt một bậc do đà tăng giá hàng hóa và dịch vụ hàng ngày được kìm hãm nhờ chi phí nhà ở giảm".
Cũng theo xếp hạng này, Singapore lần đầu tiên lọt vào top 5 do giá thuê nhà tăng chóng mặt thời gian qua.
Singapore đã tăng từ vị trí thứ 13 của xếp hạng năm 2022 lên vị trí thứ 5 năm nay. Thành phố này đi ngược lại xu hướng tụt hạng chung của các thành phố châu Á, một phần do tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
“Sự thăng hạng của Singapore - trung tâm tài chính Đông Nam Á - chủ yếu do chi phí nhà ở tăng đáng kể”, ông Lee cho biết. “Nguồn cung ứng nhà ở không theo kịp nhu cầu nhà thuê tăng lên, một phần do việc Singapore nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 sớm hơn so với các thành phố lớn khác trong khu vực”.
Một báo cáo gần đây từ Trung tâm Nhà ở Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Đất đai Đô thị (ULI) cho thấy giá nhà cho thuê tư nhân hàng tháng tại Singapore đạt mức cao nhất trong khu vực, ở mức 2.600 USD - vượt xa các thành phố khác.
Thành phố tăng hạng mạnh nhất trong năm 2023 là Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) khi vọt lên vị trí thứ 95 từ vị trí 108 của năm ngoái. Theo báo cáo, nguyên chủ yếu do giá cả hàng hóa, dịch vụ tại đây tăng tới 80% bắt nguồn từ chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Cũng theo báo cáo, chi phí thuê nhà tại Dubai đã tăng hơn 30% do làn sóng di cư của người Nga, đẩy thành phố này lên vị trí thứ 12 của xếp hạng năm nay. Ở châu Âu, trong khi hầu hết đều tăng hạng, các thành phố của Na Uy và Thụy Điển lại tụt hạng do đồng nội tệ yếu.
Tại Mỹ, hầu hết các thành phố đều tăng hạng do đồng USD mạnh và lạm phát cao. Trong đó, thành phố San Francisco năm nay lọt vào top 10.
Ở châu Á, các thành phố Trung Quốc năm nay đều tụt hạng do tác động của đồng Nhân dân tệ yếu và lạm phát thấp hơn so với các quốc gia khác.
Xếp hạng của ECA International phân tích chi phí hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ, gồm chi phí thuê nhà ở những nơi người nước ngoài thường sinh sống, tại 207 thành phố ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Dưới đây là 20 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài (xếp hạng năm 2022 ở trong ngoặc).
- New York, Mỹ (Xếp hạng năm 2022: 2)
- Hồng Kông, Trung Quốc (1)
- Geneva, Thụy Sỹ (3)
- London, Anh (4)
- Singapore (13)
- Zurich, Thụy Sỹ (7)
- San Francisco, Mỹ (11)
- Tel Aviv, Israel (6)
- Seoul, Hàn Quốc (10)
- Tokyo, Nhật Bản (5)
- Bern, Thụy Sỹ (16)
- Dubai, Các tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất - UAE (23)
- Thượng Hải, Trung Quốc (8)
- Quảng Châu, Trung Quốc (9)
- Los Angeles, Mỹ (21)
- Thẩm Quyến, Trung Quốc (12)
- Bắc Kinh, Trung Quốc (14)
- Copenhagen, Đan Mạch (18)
- Abu Dhabi, UAE (22)
- Chicago, Mỹ (25)