Sử dụng báo cáo từ công ty dự báo chi tiêu tiêu dùng toàn cầu World Data Lab, đồ thị thông tin dưới đây gồm top 20 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2030. Theo báo cáo này, một người được phân loại là “người tiêu dùng” khi chi tiêu ít nhất 12 USD/ngày. Dữ liệu được lấy từ các nguồn gồm với Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc (UN), Eurostat và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Đứng số 1 là Trung Quốc, nơi được dự báo sẽ có hơn 1 tỷ người tiêu dùng vào năm 2030, tăng 15% so với năm 2024. Ở bên kia dãy Himalayas, Ấn Độ đứng thứ hai với 773 triệu người tiêu dùng, tăng 46% so với 529 triệu người hiện tại.
Ngày càng đông lên nhờ tăng trưởng kinh tế, tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ phát triển bùng nổ tại châu Á, từ đó cải thiện khả năng tiêu dùng. Thị trường tiêu dùng với tổng cộng gần 2 tỷ người của Ấn Độ và Trung Quốc có thể tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể chuyển trọng tâm sang phục vụ hai thị trường này với những sản phẩm được tùy chỉnh riêng và triển khai nhiều chiến lược tiếp thị khác nhau.
Mỹ được dự báo sẽ là thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới vào năm 2030 với 348 triệu người, theo sau là Indonesia với 158 triệu người. Brazil, quốc gia đông dân thứ 6 trên thế giới, được dự báo sẽ có 136 triệu người tiêu dùng vào năm 2030, đứng thứ 5 toàn cầu.
Việt Nam cũng có mặt trong danh sách này, ở vị trí thứ 11, với khoảng 80 triệu người tiêu dùng vào năm 2030, tăng 34% so với năm 2024.
Dù vẫn nằm trong top 20, Italy và Nhật Bản được dự báo sẽ chứng kiến sự suy giảm của thị trường tiêu dùng với số lượng người tiêu dùng năm 2030 lần lượt giảm 3% và 1% so với năm 2024 do dân số giảm. Trong khi đó, số lượng người tiêu dùng ở Đức Và Nga được dự báo sẽ không thay đổi so với hiện tại.