January 15, 2024 | 16:00 GMT+7

2024: Năm bầu cử toàn cầu lớn nhất lịch sử sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán?

Hoài Thu -

Nhóm chiến lược gia của ngân hàng JPMorgan nhận định 2024 là năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử. Kết quả các cuộc bầu cử với 4 xu hướng sẽ có tác động lớn tới thị trường chứng khoán và nền kinh tế thế giới...

Đương kim Tổng thống Joe Biden có thể một lần nữa đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2024 - Ảnh: WSJ
Đương kim Tổng thống Joe Biden có thể một lần nữa đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2024 - Ảnh: WSJ

Trong một báo cáo mới đây, nhóm chiến lược gia của ngân hàng JPMorgan nhận định 2024 là năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử, khi sẽ chứng kiến một số quốc gia thuộc hàng đông dân nhất thế giới sẽ tổ chức bầu cử. Kết quả các cuộc bầu cử với 4 xu hướng sẽ có tác động lớn tới thị trường chứng khoán và nền kinh tế thế giới.

“Nhiều cuộc bầu cử có thể sẽ có kết quả sát nút, và một số quốc gia sẽ chứng kiến rằng chủ nghĩa dân túy không thành công, trong khi một số khác vẫn theo con đường này. Nhưng nhìn chung, chúng tôi cho rằng 4 xu hướng gồm sự phân cực, chủ nghĩa dân túy, sự suy thoái dân chủ và sự phân mảnh địa kinh tế sẽ vẫn hiện hữu. Do đó, chúng tôi nhận định làn sóng bầu cử năm 2024 sau cùng có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu, gây áp lực cho các cổ phiếu tăng trưởng (so với các cổ phiếu giá trị)”, nhóm chiến lược gia của JPMorgan viết.

Các chiến lược gia của ngân hàng Mỹ nhận định các cuộc bầu cử sẽ không đưa thế giới trở lại giai đoạn lãi suất 0% hoặc lãi suất âm trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ vẫn đang tăng lên.

“Thông thường, các chính quyền theo chủ nghĩa dân túy sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn về chính sách. Việc này có xu hướng gây áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn, đồng nghĩa hoạt động vay nợ trong nền kinh tế sẽ tăng hơn, trong khi thương mại bị hạn chế – hai yếu tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu”, báo cáo phân tích.

JPMorgan cho rằng cuộc bầu cử tại Mỹ sẽ có tác động lớn nhất, khi đương kim Tổng thống Joe Biden có thể một lần nữa đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump.

“Chúng tôi dự báo cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ sẽ gây tác động nhiều hơn và cần phòng ngừa rủi ro nhiều hơn so với các cuộc bầu cử khác. Bởi nếu ông Trump giành chiến thắng thì tác động vĩ mô có thể sẽ rất lớn, thông qua một loạt sắc lệnh có thể hủy bỏ hoặc đảo ngược các chính sách của ông Biden”, báo cáo của JPMorgan nhận định.

Một trong số những chính sách được mong đợi của ông Trump là áp đặt mức thuế phổ thông 10% – chính sách có thể châm ngòi cho cuộc chiến trên thị trường thương mại điện tử. Nếu được áp dụng, chính sách này có thể đẩy giá đồng USD tăng 4-6%, còn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, euro và peso của Mexico có nguy cơ trượt giá.

Bên cạnh đó, sự bất định liên quan tới bầu cử tại Mỹ và trên toàn cầu cũng sẽ đẩy Chỉ số CBOE Volatility Index (VIX) – thước đo nỗi sợ hãi của nhà đầu tư ở Phố Wall – tăng lên, và càng trầm trọng hơn nếu xảy ra cơ suy thoái kinh tế. Theo phân tích của các chiến lược gia JPMorgan, trong các năm Mỹ bầu cử Tổng thống, biến động của chỉ số S&P 500 cao hơn 2 điểm phần trăm so với các năm không có bầu cử.

"Vì vậy, nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần trước những biến động bầu cử và sự trở lại của chủ nghĩa dân túy nên xác định mức bù rủi ro cao hơn và biến động thị trường lớn hơn”, báo cáo khuyến nghị.

Bên cạnh chủ nghĩa dân túy, JPMorgan cho biết các cuộc bầu cử trên thế giới năm nay cũng sẽ tiếp tục chứng kiến sự suy thoái của chủ nghĩa dân chủ và điều này cũng tác động đáng kể tới thị trường.

Kết quả một cuộc khảo sát từ tổ chức phi Freedom House và các tổ chức quan sát độc lập khác, cho thấy xu hướng suy giảm tự do và dân chủ đã diễn ra suốt 17 năm qua.

“Chúng tôi phát hiện rằng, tại một quốc gia, sau khi nền dân chủ bị hạ cấp, lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán bình quân giảm 5% trong vòng 10 năm so với tại các quốc gia có nền dân chủ tăng hạng”, báo cáo của JPMorgan thông tin.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate