Bộ Giao thông vận tải vừa có tờ trình số 7066/TTr – GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất danh mục 25 dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 được xác định theo khả năng bố trí nguồn lực cho ngành giao thông vận tải/tổng GDP, khả năng huy động nguồn vốn.
Danh mục 25 công trình, dự án quan trọng quốc gia gồm tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; các vành đai đô thị và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và TP. HCM; các Quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Bộ Giao thông vận tải ưu tiên đầu tư các hành lang vận tải chính, kết nối liên vùng, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm có đóng góp GDP lớn. Từng bước nâng cao tỷ trọng đầu tư cho các vùng còn khó khăn, có tỷ lệ đầu tư so với dân số thấp như Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ hình thành được hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế.
Từng bước nâng cấp các quốc lộ, trong đó cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế chính có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, các đô thị loại đặc biệt, loại I.
Đồng thời, kết nối thuận lợi các tuyến quốc lộ đến các cảng biển loại II, sân bay quốc tế, cảng đường thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, đầu mối giao thông đô thị loại II trở xuống. Phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Dự thảo Quy hoạch cũng đặt mục tiêu tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông, xử lý các điểm đen, cải tạo nâng cấp các cầu yếu trên các quốc lộ và nâng cấp một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối tới các đầu mối vận tải lớn như cảng biển, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng không sân bay, các ga đường sắt chưa có tuyến cao tốc song hành.
Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 vào khoảng 900.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 48% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành.
Bộ Giao thông vận tải xác định sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, các dự án ở các vùng khó khăn.
Bên cạnh các nguồn vốn truyền thống như PPP, ODA, ngân sách, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác; các địa phương nghiên cứu, triển khai quy hoạch chi tiết và cơ chế thu từ khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường bộ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ.
Văn phòng Chính phủ cũng vừa truyền đạt kết luận của Thủ tướng tại buổi họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Thông báo 215/TB-VPCP. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, tránh phải điều chỉnh, bổ sung.
Đồng thời, cần có chế tài để quản lý quy hoạch hiệu lực, hiệu quả, trong đó gắn trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong triển khai thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra, thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý đầu tư xây dựng nhằm huy động tối đa nguồn lực của các địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước và xã hội.