Khẳng định chưa bao giờ có gói hỗ trợ, tài trợ nào mạnh tay như lần này vì mục đích hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/CP của Chính phủ, Nghị quyết số 68/CP tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.
Các cấp, các ngành, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực thực hiện. Nghị quyết 68/CP tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
CÓ THỂ TIẾP CẬN GÓI HỖ TRỢ TỪ NGÀY 8/7
Tại buổi họp báo công bố Quyết định số 23/2021/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội khẳng định, từ ngày 8/7, người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Quyết định số 23 hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục triển khai 10 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/CP. Quyết định được xây dựng dựa trên mục tiêu đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hỗ trợ để người lao động, người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận, sớm nhận được hỗ trợ nhưng vẫn đúng quy định.
“Chính phủ đã tổng hợp toàn bộ các chủ trương, thủ tục hành chính, những điều kiện để bắt đầu từ ngày 8/7 doanh nghiệp có thể vay vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai toàn bộ hệ thống của mình. Doanh nghiệp tiếp cận chủ trương nhanh bao nhiêu thì được hưởng chính sách nhanh bấy nhiêu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng có thời gian giải quyết thủ tục cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc có thể lên tới 1 tháng 10 ngày. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, theo Quyết định 23 vừa ban hành, thời gian tối đa giải quyết thủ tục của chính sách này chỉ còn 7 ngày, gồm 4 ngày tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và 3 ngày giải ngân tái cấp vốn.
“Chậm nhất sau 7 đến 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị được hỗ trợ, các cơ quan chức năng phải thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
RÚT NGẮN TỐI ĐA THỜI GIAN GIẢI QUYẾT HỒ SƠ
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quyết định số 23/2021/TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục triển khai 10 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/CP.
Bao gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Các thủ tục hành chính thực hiện chính sách theo Quyết định số 23/2021/TTg đều đơn giản hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là chính sách mới, giúp người sử dụng lao động có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.
Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng…
Quý 2/2021: 48,1% tổng số người thất nghiệp cho biết công việc của họ bị bệnh dịch ảnh hưởng tiêu cực (tăng 11,8% so với quý trước); 22,6% số người đang có việc làm cho biết họ chịu tác động xấu bởi đại dịch (tăng 7,1% so với quý trước).
Có 3,8% trong số 23,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia hoạt động kinh tế cho biết phải chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch (giảm 0,5% so với quý trước).
Nhìn lại nửa đầu năm nay, trong bối cảnh khó khăn trăm bề, ngay khi bộ máy Nhà nước vừa được kiện toàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân.
Trong những kết quả nhiều mặt đạt được của 6 tháng đầu năm, riêng về an sinh xã hội, theo Thủ tướng, điều quan trọng nhất là không có ai ở bất cứ nơi nào thiếu ăn, thiếu mặc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Một câu nói của cha ông ta thường được Thủ tướng nhắc đến tại các cuộc họp về các chính sách hỗ trợ người dân, đó là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người, vì thế những người yếu thế, những người lao động, doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ.
Hơn lúc nào hết, tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải gần dân, sát dân, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn. Cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho những người gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.