November 16, 2022 | 15:52 GMT+7

288 mã tăng kịch trần, thị trường tự “giải cứu”, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được sang tay

Kim Phong -

Lòng tham đã chiến thắng hôm nay và đó là liều thuốc “hồi sinh” thị trường mà không cần bất kỳ biện pháp can thiệp nào. Cổ phiếu tốt luôn có giá trị nhất định và đến một mức đủ hấp dẫn, dòng tiền sẽ tự vào cân bằng. Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn chính là bằng chứng rõ nhất...

VN-Index tiếp tục tăng mạnh phiên chiều dù thanh khoản không nhiều.
VN-Index tiếp tục tăng mạnh phiên chiều dù thanh khoản không nhiều.

Lòng tham đã chiến thắng hôm nay và đó là liều thuốc “hồi sinh” thị trường mà không cần bất kỳ biện pháp can thiệp nào. Cổ phiếu tốt luôn có giá trị nhất định và đến một mức đủ hấp dẫn, dòng tiền sẽ tự vào cân bằng. Hơn 1,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn chính là bằng chứng rõ nhất.

VN-Index kết phiên chiều nay tăng 31 điểm, tương đương 3,4% so với tham chiếu. Độ rộng ghi nhận 415 mã tăng/63 mã giảm, trong đó 154 mã kịch trần. HNX đóng góp 83 mã trần và UpCoM là 51 mã.

Đáng kể hơn là mức thanh khoản cực lớn, với 1,2 tỷ cổ phiếu trên cả 3 sàn, trong đó HNX và HNX sang tay 1,17 tỷ cổ phiếu. Rõ ràng là áp lực bán tháo và giải chấp vẫn đang rất lớn, nhưng được dòng tiền bắt đáy vào hấp thụ. Lượng cổ phiếu này đã được giải phóng, cấp tín dụng cho những nhà đầu tư có nhu cầu.

Thanh khoản phiên chiều trên hai sàn niêm yết khá yếu, chỉ đạt 4.774 tỷ đồng, giảm gần 45% so với phiên sáng. Nguyên nhân là quá nhiều cổ phiếu kịch trần trắng bên bán. Số khác nhà đầu tư rút lệnh mua lên rất cao hoặc không bán nhiều, khiến cung cầu khó gặp nhau.

Dù vậy độ rộng và cường độ tăng giá cổ phiếu chính là yếu tố tích cực. Thanh khoản thấp có yếu tố tiết cung rõ ràng và đó là tín hiệu tốt sau khi một lượng cổ phiếu khổng lồ đã được hấp thụ trong phiên sáng. Lượng cổ phiếu giao dịch hôm nay là cao kỷ lục kể từ khi thị trường đạt đỉnh đầu tháng 4/2022. Nói cách khác, khối lượng cổ phiếu sang tay đã được chuyển giao với quy mô vốn nhỏ hơn nhiều, phù hợp với năng lực tiền mặt hiện có trên thị trường.

Với 154 cổ phiếu kịch trần, rất nhiều đại diện đến từ các nhóm cổ phiếu khác nhau, nhưng nổi bật là các mã ngân hàng, chứng khoán. Bất động sản cũng có nhiều cổ phiếu tăng hết biên độ, nhưng cũng có nhiều mã vẫn giảm sàn như SJS, OGC, NVL, VPI, PDR.. Riêng NVL, PDR tiếp tục bị bán sàn hàng chục triệu cổ và mất thanh khoản.

Bảng điện tím ngắt hôm nay, bõ những ngày chán nản!
Bảng điện tím ngắt hôm nay, bõ những ngày chán nản!

Thị trường phục hồi mạnh mẽ hôm nay được tiếp sức từ các thông tin kỳ vọng giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản dịp cuối năm. Chưa có quyết sách chính thức nào được đưa ra, nhưng các thông tin đồn thổi đánh trúng vào tâm lý chờ đợi nói chung và tạo được phản ứng mạnh.

VN-Index kết phiên sáng nay quay lên ngưỡng 942,9 điểm, tức là phục hồi 69,12 điểm so với đáy, tương đương tăng 7,91%. Đây là biên độ dao động trong phiên cao kỷ lục. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận tiềm năng rất lớn phiên này giành cho các nhà đầu tư bắt đáy.

Khối ngoại vẫn giải ngân mạnh mẽ hôm nay, nhưng bất ngờ lép vế trước dòng vốn nội. Tổng giá trị mua ở HoSE là 2.226 tỷ đồng, chiếm 15,5% tổng giá trị giao dịch của sàn. Liên tiếp các phiên trước, thị phần của khối ngoại tới 29%-30%. Dù vậy điều này là tốt, thể hiện dòng vốn trong nước đã phục hồi.

Mức mua ròng phiên này đạt 638,4 tỷ đồng ở HoSE, 34,6 tỷ đồng ở HNX và 13,3 tỷ đồng ở UpCOM. CTG được mua ròng lớn nhất với 93,3 tỷ đồng, VHM +57,4 tỷ, VIC +56,6 tỷ, SSI +54,3 tỷ, FUEVFVND +67 tỷ. Bán ròng có VNM -92, tỷ. VCB -62,8 tỷ, VPB -43,9 tỷ.

Nhóm blue-chips vẫn là các cổ phiếu dẫn sóng phục hồi, với chỉ số VN30-Index tăng 3,93% so với tham chiếu. Rổ này buổi chiều có 9 mã kịch trần, trong đó cổ phiếu ngân hàng chứng khoán chiếm 6 mã. VIC tăng 5,96%, BID tăng 6,89%, GAS tăng 4,93%, CTG tăng 5,98%, VHM tăng 3,46% là 4 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate