July 03, 2021 | 16:39 GMT+7

3 chính sách bảo hiểm hỗ trợ lao động và doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19

Phúc Minh -

Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo nghề là các chính sách về bảo hiểm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa cho biết, ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong 12 chính sách hỗ trợ, có 3 chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

 GIẢM MỨC ĐÓNG BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Theo đó, Chính phủ cho phép người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng.

Thời gian là từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho phòng chống đại dịch Covid-19.

TẠM DỪNG ĐÓNG VÀO QUỸ HƯU TRÍ VÀ TỬ TUẤT

Doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Điều kiện là doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021, kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương. Thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 154, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo đó, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Điều kiện là doanh nghiệp đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Đồng thời, doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.

Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020. Ngoài ra, có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước đó trong năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.847 đơn vị, doanh nghiệp, với 192.503 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là trên 786,8 tỷ đồng.

Đồng thời, xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của doanh nghiệp đối với 168.163 lao động để ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Cơ quan này cũng xác nhận danh sách người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 585 lao động để đơn vị, doanh nghiệp được vay ngân hàng trả lương ngừng việc cho người lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate