Hôm nay (22/9), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Mỹ chính thức kéo dài 4 ngày.
Theo hãng tin Bloomberg, có 4 vấn đề lớn dự kiến sẽ chiếm phần lớn chương trình nghị sự chuyến thăm Mỹ lần này của nhà lãnh đạo Trung Quốc
Thâm hụt thương mại
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã lên tới mức cao chưa từng có, đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày, cho dù đồng Nhân dân tệ đã tăng giá gần 30% so với đồng USD trong thập kỷ qua.
Các chuyên gia kinh tế có nhiều lý giải khác nhau cho vấn đề này: các công ty xuất khẩu của Trung Quốc có sức cạnh tranh lớn đến nỗi chiếm hết thị trường của đối thủ; tâm lý chuộng tiêu dùng của người Mỹ đồng nghĩa với việc nước này mua nhiều hàng Trung Quốc hơn bán cho Trung Quốc; và mức thâm hụt bị “thổi phồng” vì những vấn đề kế toán - khi giá trị của những sản phẩm tiêu dùng cấp cao như điện thoại iPhone hay TV được ghi là hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi linh kiện để lắp ráp những sản phẩm này lại được sản xuất ở nước khác.
Điểm chung của những cách lý giải này, là tỷ giá chỉ có vai trò hạn chế trong thay đổi của cán cân thương mại, trái ngược với cáo buộc của một số chính trị gia Mỹ cho rằng Trung Quốc thao túng tỷ giá Nhân dân tệ là nguyên nhân chính dẫn tới mức thâm hụt thương mại khổng lồ.
Biển Đông
80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca rồi qua biển Đông. Điều này lý giải vì sao Trung Quốc coi biển Đông có vai trò sống còn đối với lợi ích nước này.
Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chủ quyền vô căn cứ đối với 4/5 biển Đông, đồng thời ngang nhiên bồi đắp các hòn đảo nhân tạo trên vùng biển này và xây dựng trên đó các công trình trái phép.
Căng thẳng trên biển Đông gia tăng trong năm nay sau khi Trung Quốc phản đối các chuyến bay trinh sát của Mỹ trên khu vực có tranh chấp trên biển Đông. Chính phủ Mỹ đã đề nghị Trung Quốc dừng các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa trên biển Đông.
Ông Robert Kaplan, thành viên cấp cao của trung tâm an ninh “Center for a New American Security” ở Washington, nói rằng ông Tập Cận Bình muốn Mỹ nhất trí về “một dạng nào đó của trật tự chiến lược song phương” để thay thế cho trật tự quân sự đơn phương mà Mỹ đã áp dụng để đảm bảo an ninh trên Thái Bình Dương kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Về phần mình, Mỹ tuyên bố cam kết “theo đuổi quyền tiếp cận hàng hải tự do và rộng mở để bảo vệ sự ổn định kinh tế vốn đã phục vụ tốt cho các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian dài”.
Môi trường
Theo các nhà khoa học, trái đất đang nóng lên nhanh chóng, và Mỹ và Trung Quốc là hai nước có vai trò lớn trong vấn đề này.
Trung Quốc chiếm khoảng 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2012, cao gấp đôi so với nước phát thải nhiều thứ nhì là Mỹ - theo số liệu của Viện Tài nguyên thế giới, có trụ sở ở Washington.
Cả Mỹ và Trung Quốc hiện đang thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế tiến tới được ký kết ở Paris, Pháp trong năm nay mà theo đó, tất cả các nước phải hạn chế phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy vậy, đến nay, Trung Quốc luôn bước đi trên ranh giới mong manh trong các cuộc đàm phán thỏa thuận này. Bắc Kinh muốn cân bằng giữa một bên là các quan ngại về môi trường với một bên là tăng trưởng kinh tế, đồng thời phản đối việc bên ngoài “soi” nền kinh tế của mình.
Những gì mà ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama nhất trí trong chuyến thăm Mỹ lần này của ông Tập sẽ quyết định độ mạnh của thỏa thuận đạt được ở Paris.
An ninh mạng
Đầu tư cho công nghệ ở Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ bùng nổ và các công ty công nghệ nước ngoài đều nhìn thấy cơ hội lớn ở thị trường này.
Tuy vậy, kể từ khi cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, tiết lộ rằng NSA đã tiến hành hoạt động do thám trên diện rộng ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã đẩy mạnh nỗ lực loại bỏ công nghệ nước ngoài ra khỏi các ngân hàng quân đội, doanh nghiệp quốc doanh và các cơ quan trọng yếu của Chính phủ.
Các công ty Mỹ lo ngại khả năng tiếp cận của họ với thị trường công nghệ Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống, khi Tổng thống Obama quyết định trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc bị nghi tấn công vào hệ thống máy tinh của doanh nghiệp Mỹ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate