Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), tháng 9 vừa qua, đồng bảng tăng giá hơn 1% so với một rổ tiền tệ. Tính từ đầu năm, đồng tiền này đã tăng 4,7%, trong đó tăng 4,7% so với đồng USD và tăng 4,1% so với đồng euro.
Mức tăng này đưa bảng trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong số các đồng tiền thuộc nhóm 10 nền kinh tế phát triển G10. Ở mức hiện tại, tỷ giá đồng bảng chỉ còn thấp hơn một chút so với thời điểm 23/6/2016, ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit.
Đây là bước ngoặt quan trọng đối với một đồng tiền từng bị các nhà giao dịch trong những năm gần đây “chê” vì mức độ biến động lớn, không phù hợp với địa vị từng là đồng tiền dự trữ của thế giới. Trong suốt khoảng thời gian đó, đồng bảng từng bị gọi là “đồng peso Anh” hay đồng “lira Anh”, như một phép so sánh với đồng peso của Mexico hay đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ.
Câu chuyện tỷ giá bảng Anh giờ đã đi theo hướng hoàn toàn khác, và có một số lý do dẫn tới điều này.
Thứ nhất, lãi suất tín dụng ở Anh đang còn cao và được dự báo sẽ giảm với tốc độ chậm hơn nhiều so với ở các nền kinh tế khác. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 9 vừa qua, 8 trong số 9 thành viên có quyền bỏ phiếu trong BOE ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất ở mức 5%. Ngay sau đó bên kia bờ Đại Tây Dương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất nửa điểm phần trăm, khiến Anh trở thành thị trường tiền tệ có lợi suất cao nhất trong nhóm G10.
Thứ hai và quan trọng hơn, thị trường đang đang tin rằng BOE sẽ tiếp tục là ngân hàng trung ương có quan điểm cứng rắn hơn trong thời gian tới. Thị trường phái sinh đang phản ánh rằng lãi suất đi vay ở Anh sẽ duy trì ở mức 4,3% trong thời gian 6 tháng kể từ nay trở đi, còn lại suất ở Mỹ sẽ dưới mức 3,5%.
Sự chênh lệch lãi suất này có vẻ là hợp lý, nếu dựa vào những gì mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Anh đã nói trong các cuộc họp gần đây của họ. Không giống như Fed, BOE dường như chưa chắc chắn về việc đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát hay chưa. Sự thiếu chắc chắn này tồn tại ngay cả khi Anh đang có một thị trường việc làm thắt chặt và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm ổn định ở ngưỡng 2,2%, so với mức 2,5% ở Mỹ.
Chắc chắn, sẽ đến một thời điểm nào đó, BOE sẽ thay đổi lập trường chính sách tiền tệ và hành động cùng nhịp với các ngân hàng trung ương khác. Nhưng cho tới khi đó, đồng bảng sẽ tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu cơ giá lên.
Thứ ba, tình trạng bất định về chính trị ở Anh đã giảm đi nhiều kể từ khi nước này có thủ tướng mới là ông Keir Starmer vào tháng 7. Ngược lại, đồng USD đang bị xem là định giá cao so với tiêu chuẩn lịch sử và đối mặt với nhiều bấp bênh xung quanh cuộc bầu cử vào tháng 11. Về phần mình, đồng euro đang đương đầu với áp lực giảm từ những thách thức lớn mà Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực eurozone - phải đối mặt.
Dù chính phủ trung tả của ông Starmer đã vướng vào một số bê bối chính trị và có vẻ thiếu phương hướng trong việc thực thi các cam kết kinh tế, chủ trương ôn hòa của chính phủ này được xem là đủ để thu hút dòng vốn nước ngoài quay trở lại Anh. Theo một cuộc khảo sát hàng tháng của ngân hàng Bank of America, Anh là một trong những thị trường mà các nhà quản lý quỹ đầu tư toàn cầu giảm tỷ trọng phân bổ vốn nhiều nhất trong tháng 5, nhưng hiện đã trở thành một trong những thị trường được tăng tỷ trọng phân bổ vốn nhiều nhất.
Và thứ tư, định giá tài sản rẻ là một lý do khác để nhà đầu tư nước ngoài “rón rén” quay trở lại Anh. Năm 2021, các công ty Mỹ tìm kiếm những mục tiêu lớn để mua lại đã làm như vậy: công ty an ninh mạng NortonLifeLock có trụ sở ở California - hiện có tên là Gen Digital - tuyên bố mua lại công ty Avast của Anh. Một công ty Mỹ khác là Parker Hannifin cũng thâu tóm một công ty Anh có tên Meggitt.
Từ đó trở đi, một loạt thương vụ nhỏ hơn đã được tiến hành, đưa số vụ sáp nhập doanh nghiệp đạt mức cao hơn bình quân lịch sử. Các thương vụ của năm nay bao gồm công ty International Paper chào mua công DS Smith và một nhóm công ty đầu tư cổ phần tư nhân do CVC Group dẫn đầu tuyên bố sẽ mua lại “siêu thị vốn” Hargreaves Lansdown.
Quy mô của các thương vụ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay đã giảm nhiều so với giai đoạn bùng nổ hồi năm 2021. Tuy nhiên, 73% số thương vụ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, một tỷ lệ vẫn cao như cách đây 3 năm. Dòng vốn đầu tư đó đã giúp hỗ trợ tỷ giá đồng bảng.
Định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Anh đang thấp hơn nhiều so với ở Mỹ, trong tất cả các lĩnh vực trừ bất động sản. Chỉ số FTSE 100 - với cổ phiếu thành viên chủ yếu là các công ty đa quốc gia, vốn là những công ty gặp trở ngại khi đồng bảng tăng giá - đã tăng khoảng 6% trong vòng 6 tháng qua. Chỉ số FTSE 250 với đa số thành viên là các công ty hướng tới thị trường nội địa đã tăng khoảng 8%, gần bằng mức tăng 10% của chỉ số S&P 500 dù FTSE 250 không có các công ty lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Khi các nhà đầu tư dành cho các tài sản Anh một tỷ lệ phân bổ vốn lớn hơn trong danh mục của họ, “GBP” - viết tắt của tên đồng bảng Anh - sẽ không còn bị “chế” là “đồng peso Anh” nữa.