Hoạt động xuất nhập khẩu thông qua hệ thống cảng Hải Phòng vẫn tiếp tục tín hiệu phục hồi, 04 mặt hàng nhập khẩu có thuế (nguồn thu chính của Cục Hải quan Hải Phòng) đạt mức tăng khá trong tháng 4/2024 gồm: linh kiện phụ tùng ô tô đạt 10,81 triệu USD, tăng 34,6%; sắt thép đạt 343,5 triệu USD, tăng 32,8%; mỹ phẩm đạt 2,29 triệu USD, tăng 166,6%; máy móc, thiết bị đạt 494,93 triệu USD tăng 24,9%...
Tuy nhiên, do biến động chính trị toàn cầu, biến động tỷ giá và chi phí logistics, có 05 mặt hàng nhập khẩu đóng góp lớn về thuế tại Hải Phòng cũng bị sụt giảm kim ngạch gồm: ô tô các loại đạt 86,11 triệu USD, giảm 11%, xe máy đạt 0,18 triệu USD, giảm 91,2%; linh kiện phụ tùng xe máy đạt 1,61 triệu USD, giảm 12,9%; xăng dầu đạt 20,76 triệu USD, giảm 21,8%; bia rượu đạt 1,25 triệu USD, giảm 40,7%.
Tính chung cả tháng 4, Cục Hải quan Hải Phòng đã làm thủ tục cho lượng hàng hóa có tổng kim ngạch đạt khoảng 40,73 tỷ USD.
Hoạt động vận tải trên địa bàn Hải Phòng trong tháng 4/2024 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 43.696 tỷ đồng, tăng 12,25% so với 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 105,2 triệu tấn, tăng 11,07%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 44.620,6 triệu tấn.km, tăng 14,30%; doanh thu ước đạt 20.813,5 tỷ đồng, tăng 12,05% so với 4 tháng đầu năm 2023. .
Tổng kết 4 tháng, doanh thu từ hoạt động hỗ trợ vận tải (cảng, bốc xếp, đại lý vận tải...) toàn thành phố ước đạt hơn 21.337 tỷ đồng, tăng 11,67% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng hóa thông qua cảng biển đạt 48,893 triệu TTQ, tăng 9,18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Khối cảng thuộc kinh tế nhà nước đạt 16,670 triệu TTQ, tăng 2,14% so với cùng kỳ; Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 32,223 triệu TTQ, tăng 13,21% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu cảng biển 4 tháng đầu năm đạt 2.493,87 tỷ đồng, tăng 19,39% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 4/2024, hoạt động các ngành dịch vụ trên địa bàn Hải Phòng có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ. Tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 2.240,6 nghìn lượt, tăng 11,29% với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 4 tháng ước đạt 325 nghìn lượt, tăng 1,47% so với cùng kỳ, khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn ước đạt 18,9 nghìn lượt, tăng 8,17% so với cùng kỳ 2023.
Tính chung 4 tháng đầu năm, doanh thu lưu trú ước đạt 689,7 tỷ đồng, tăng 13,68% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ ẩm thực, ăn uống đạt 7.328 tỷ đồng, tăng 14,57% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ ước đạt 56,8 tỷ đồng, tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó là những tín hiệu tích cực từ thị trường vận tải hành khách do nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao, đặc biệt là thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè. Ước tính 4 tháng đầu năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 27,6 triệu lượt, tăng 25,52%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 1.226,2 triệu lượt hành khách.km, tăng 26,19%; doanh thu ước đạt 1.454,4 tỷ đồng, tăng 25,06% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm trên địa bàn Hải Phòng đạt hơn 71.917 tỷ đồng, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước với xu hướng tăng ở hầu hết các ngành có mức tăng cao như: hàng may mặc tăng 4,08%, do thời tiết vào giai đoạn sang hè nên nhu cầu mua sắm quần áo hè của người tiêu dùng tăng, thêm vào đó là các nhãn hàng liên tục có các chương trình giảm giá nhằm kích cầu.
Hàng vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 2,54%, do nhu cầu mua đồ dùng học tập và sách vở của học sinh tăng. Mặt hàng đá quý, kim loại và sản phẩm tăng 1,65% do nhu cầu của người dân mua vàng để đầu tư, tích trữ tăng cao mặc dù giá vàng liên tục lập đỉnh...
Cộng dồn 4 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 60.340 tỷ đồng, tăng 13,99% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 13,89%; hàng may mặc tăng 13,02%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,91%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 13,08%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,90%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 13,92%; phương tiện đi lại khác tăng 13,89%; xăng dầu các loại tăng 14,59%; nhiên liệu khác tăng 14,20%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 15,16%; hàng hóa khác tăng 12,70%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 14,41%.
Nhìn chung các ngành dịch vụ khác đều tăng so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng đầu năm doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.501,2 tỷ đồng, tăng 3,33% so với cùng kỳ.
Nhờ đóng góp quan trọng từ hoạt động xuất nhập khẩu đang được tiếp tục duy trì khá ổn định, cùng hiệu quả khả quan từ nỗ lực kích cầu vận tải, du lịch, dịch vụ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 40.988 tỷ đồng, đạt 38,39% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 128,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 22.322,6 tỷ đồng, đạt 49,61% Dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao và bằng 210,53% so với cùng kỳ năm 2023...