Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn cho biết trải qua gần 19 năm thực hiện, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã góp phần thiết lập hành lang pháp lý vững chắc, giúp cho ngành hàng không phát triển mạnh mẽ; năng lực giám sát an toàn bay được trưởng thành và được các Tổ chức và cộng đồng quốc tế ghi nhận; hệ thống cảng hàng không được nâng cấp, mở rộng; thị trường hàng không và thị phần vận chuyển quốc tế cũng không ngừng gia tăng; hoạt động hàng không chung ngày càng đa dạng; ngành hàng không ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đến nay, thế giới đã có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng thay đổi theo hướng lớn mạnh hơn nên hạ tầng hàng không ngày càng quá tải, đặt ra những thách thức lớn đối với ngành hàng không.
YÊU CẦU CẤP BÁCH TỪ THỰC TẾ
Trong khi từ năm 2015 đến nay, Đảng đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ đạo như Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra 3 đột phá chiến lược; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…
Ngoài ra, nhiều Luật cũng được điều chỉnh, bổ sung, hoặc đã được ban hành mới; các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định liên quan đến lĩnh vực hàng không dân dụng cần thực hiện.
Do đó, “xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực thi đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên ICAO; khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo bà Trần Thị Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống pháp luật trong nước, cùng các yêu cầu hội nhập quốc tế.
Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, Bộ Xây dựng đã khẩn trương rà soát, tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ chính sách Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) trên cơ sở kế thừa các nội dung của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi được Bộ Tư pháp thẩm định và lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Đồng thời, bổ sung, chỉnh lý theo yêu cầu mới và tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ và trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
“Việc xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) là cơ hội để chúng ta hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ngành hàng không hiện đại, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ.
HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ VỀ NHÀ CHỨC TRÁCH HÀNG KHÔNG
Đối với những nội dung chính sách xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), ông Uông Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết dự thảo hồ sơ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) đã đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về nhà chức trách hàng không, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và khuyến cáo của ICAO.
Cụ thể, xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không; bổ sung các nhiệm vụ mới theo yêu cầu của quốc tế như tổ chức đội ngũ giám sát viên; quy định về miễn trừ, ngoại lệ trong một số trường hợp đặc thù; nhà chức trách được đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát về an toàn hàng không.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung quy định về quản lý an toàn hàng không, sao cho đáp ứng được các yêu cầu của ICAO về hệ thống quản lý an toàn hàng không quốc gia; tập trung vào việc hoàn thiện các quy định cụ thể liên quan đến quản lý an toàn hệ thống với 8 yếu tố trọng yếu về hệ thống giám sát an toàn hàng không quốc gia.
Đối với chính sách hoàn thiện khung pháp lý về an ninh hàng không, dự thảo cập nhật quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể trong công tác bảo đảm an ninh hàng không, phù hợp với việc chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về an ninh hàng không sang Bộ Công an từ ngày 1/3/2025. Dự thảo hồ sơ đã làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan, nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh hàng không trong tình hình mới.
Về chính sách hoàn thiện khung pháp lý của cảng hàng không, sân bay, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới nhằm hoàn thiện các quy định về quy hoạch, đầu tư và khai thác cảng hàng không, sân bay, tạo điều kiện cho phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng hàng không và thu hút nguồn lực đầu tư.
Đối với chính sách hoàn thiện khung pháp lý về vận chuyển hàng không, bổ sung các quy định về nghĩa vụ của người vận chuyển nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hành khách và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải hàng không. Cùng với đó, Dự thảo nghiên cứu hoàn thiện các quy định về quản lý đội tàu bay, hướng tới phát triển ngành hàng không an toàn, bền vững, phù hợp với năng lực hạ tầng, khả năng giám sát của cơ quan chức năng và nhu cầu thị trường.
Trên cơ sở tham vấn các ý kiến, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Hồ sơ chính sách Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), trình Chính phủ trong tháng 5/2025, bảo đảm chất lượng, tiến độ và yêu cầu của chương trình xây dựng pháp luật.