Trong số 5 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại tỉnh Thanh Hóa có 3 doanh nghiệp FDI, một doanh nghiệp dân doanh và 1 doanh nghiệp quốc doanh.
Xếp ở vị trí thứ nhất là Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong năm 2023, mặc dù nhà máy phải dừng hoạt động 48 ngày để tiến hành bảo dưỡng tổng thể song với việc hoạt động tối đa công suất để dự trữ sản lượng và tăng công suất thêm 17% sau kỳ bảo dưỡng, công ty đã sản xuất thành công tổng cộng gần 7,6 triệu tấn sản phẩm các loại, lần đầu tiên hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất đề ra và đóng góp tới 820 triệu USD, xấp xỉ gần 20.000 tỷ đồng vào ngân sách. Kỳ vọng với hoạt động ổn định sau kỳ bảo dưỡng và các phương án tái cấu trúc đang được tích cực nghiên cứu, triển khai, nhà máy sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cũng như gia tăng nguồn thu vào ngân sách tỉnh.
Trước đó, trong năm 2022, doanh nghiệp này đã đóng góp hơn 23.000 tỷ vào ngân sách địa phương. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động nhập khẩu dầu thô hơn 16.000 tỷ, thu từ các sắc thuế nội địa gần 7.000 tỷ.
Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn do Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) và các bên liên doanh là: Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait, Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản) góp vốn thành lập. Dự án này có tổng mức đầu tư lên tới hơn 9 tỷ USD và có công suất 8,4 triệu tấn dầu thô trong một năm giai đoạn đầu và có thể nâng cấp lên 10 triệu tấn dầu thô một năm.
Xếp vị trí thứ hai, sau Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, là 2 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất thiết kế tới 11,4 tỷ kWh/năm đã được huy động tối đa công suất phát lên lưới điện quốc gia. Cùng với tổng sản lượng tăng tới gần 80% so với cùng kỳ thì 2 doanh nghiệp tại Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn cũng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Trong đó, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 đóng góp 1.148 tỷ đồng.
Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) có vốn đầu tư xấp xỉ 2,8 tỷ USD do Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (50%), Tập đoàn Marubeni (40% - Nhật Bản) và Công ty Điện lực Tohoku, Inc (10% - Nhật Bản) đầu tư, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam.
Để xây Nhà máy Nhiệt Điện BOT Nghi Sơn 2 từ 2018 - 2022, công suất 1.200 MW, sản lượng 7,8 tỷ kwh năm, cung cấp điện cho hơn 6 triệu hộ gia đình; sau 25 năm vận hành, NS2PC sẽ bàn giao Nhà máy cho EVN tiếp tục vận hành.
Xếp thứ 3 trong số các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại Thanh Hóa là Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn.
Trong 1 năm nhiều khó khăn với ngành thép, Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn cũng đã đóng góp 1.072 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh. Được biết, cùng với khai thác và giữ vững các thị trường truyền thống, các sản phẩm thép VAS đã chinh phục thêm các thị trường mới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Guatemala... từ đó định vị thương hiệu và gia tăng sản lượng tiêu thụ cho DN.
Hiện nay, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2 với công suất 3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu cho tỉnh trong những năm sắp tới. Theo đại diện đơn vị, song hành với việc nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh hàng năm, việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách cũng luôn được công ty quan tâm, chú trọng bởi đó chính là thể hiện uy tín cũng như khẳng định thương hiệu, hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh của DN.
Xếp thứ 4 trong số các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại Thanh Hóa là Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa. Trong năm 2023, doanh nghiệp này đã nộp 671 tỷ vào ngân sách nhà nước. Trước đó, năm 2022, công ty đã nộp 620 tỷ vào ngân sách.
Xếp thứ 5 trong số các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại Thanh Hóa là Công ty Xi măng Nghi Sơn.
Công ty Xi măng Nghi Sơn được thành lập vào ngày 11/04/1995, là Công ty liên doanh giữa Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tập đoàn xi măng Taiheiyo và Công ty Xi măng Mitsubishi UBE – những tập đoàn đa quốc gia có uy tín của Nhật Bản. Dự án có tổng mức đầu tư 650 triệu USD.
Vào tháng 7/2000, các cán bộ, nhân viên Việt Nam và Nhật Bản đã đưa dự án đầu tư lớn nhất của Nhật Bản tại Việt Nam, gồm Nhà máy chính tại tỉnh Thanh Hoá và Trạm Phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh cùng với hệ thống bán hàng chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không chỉ có một mạng lưới Nhà Phân Phối dày đặc, Xi măng Nghi Sơn còn sở hữu 6 tàu chuyên dụng trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn và 2 tàu lai, vận chuyển hơn 2,5 triệu tấn xi măng hàng năm từ nhà máy chính đến các thị trường miền Trung, miền Nam và phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, dù bạn ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, Nghi Sơn luôn luôn sẵn sàng khi bạn cần.
Năm 2007, dây chuyền sản xuất thứ 2 của Nhà máy chính và Trạm Phân phối tại tỉnh Khánh Hoà được khởi công xây dựng. Tháng 4/2010, dây chuyền sản xuất thứ 2 đã chính thức hoàn thành, nâng tổng công suất của Nhà máy chính lên 4,3 triệu tấn/năm.
Năm 2023, doanh nghiệp này nộp ngân sách hơn 180 tỷ đồng.
Bên cạnh các doanh nghiệp trên, còn nhiều "ông lớn" nộp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó 2 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước là Công ty CP xi măng Bỉm Sơn và Công ty CP bia Thanh Hóa.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp truyền thống như bao bì, may mặc, giày da... cũng đã khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, mang lại những nguồn thu đáng kể như: Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đóng góp 112 tỷ đồng, Nhà máy xi măng Đại Dương 1 cũng đã đóng góp cho tỉnh số thu ngân sách 142 tỷ đồng, Công ty TNHH dầu thực vật khu vực Bắc Việt Nam đóng góp 152 tỷ đồng; ; Chi nhánh Công ty CP sữa Việt Nam - Nhà máy sữa Lam Sơn đóng góp 113 tỷ đồng.