March 13, 2021 | 13:15 GMT+7

5 năm tới, sẽ huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vùng đất "Chín rồng"

Tiến Dũng

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất "Chín rồng" - đã có những bước chuyển mình ngoạn mục

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục được rót hàng trăm nghìn tỷ đồng để phát triển trong thời gian tới - Ảnh: TTXVN
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục được rót hàng trăm nghìn tỷ đồng để phát triển trong thời gian tới - Ảnh: TTXVN

Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, định hướng phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 120, còn được gọi là Nghị quyết "thuận thiên" đã mang lại những kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo, thiết lập nền tảng quan trọng cho vùng đất "Chín rồng" tiếp tục "cất cánh" thời gian tới. 

CUỘC CHUYỂN MÌNH NGOẠN MỤC SAU 3 NĂM NHỜ NGHỊ QUYẾT "THUẬN THIÊN"

Tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3, các Bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh đã có báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ, trong đó đề cập đến những kết quả tích cực cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục thời gian tới.

Sẽ huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vùng đất "Chín rồng" - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 13/3 - Ảnh: VGP

Về quy hoạch xây dựng, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, ngay sau khi Nghị quyết 120 được ban hành, Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thành đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng cho biết nhờ những nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của thể của Nghị quyết, tỷ lệ đô thị hóa tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên; chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh. Bộ mặt nông thôn được cải thiện và có bản sắc, 100% các xã trong Vùng đã được công nhận nông thôn mới, góp phần thực chất nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nông dân. Nhà ở cho người dân được cải thiện, đặc biệt là người dân khu vực ngập lũ với khoảng 1 triệu người đã được bố trí chỗ ở an toàn, ổn định...

Về quy hoạch giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đến nay Bộ đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông tại 13 tỉnh. 

"Ba năm qua, chúng ta đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (nối Cao Lãnh – Rạng Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cũng giành gần 5.000 tỷ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết. 

"Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải có một số dự án như: Xây dựng cao tốc nối thành phố Cà Mau - Cần Thơ, và cao tốc nối Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ và Sóc Trăng".

Sẽ huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vùng đất "Chín rồng" - Ảnh 2.

Đầu tư giai đoạn 2016-2020 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Nguồn: VGP

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công với ngành Giao thông vận tải tại khu vực là 57.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với nhiệm kỳ qua (29.000 tỷ đồng). 

Về ngành nông nghiệp,  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết Nghị quyết 120 đã giúp khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ tại khu vực. Bộ trưởng cho biết, để thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển sang khai thác thế mạnh theo ưu tiên "thủy sản, trái cây, lúa gạo".

"Năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD, nhưng năm 2020 đã là 8,8 tỷ USD, cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả. Cấp hộ, cấp doanh nghiệp chuyển động, 13 tỉnh thành chỉ đạo rất quyết liệt", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

"Chính phủ đã bố trí 10.000 tỷ đồng để xử lý 119km bờ biển và một số khu vực ven sông, một số công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng", Bộ trưởng thông tin. "Với 28.000 tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi trong vùng, hàng loạt công trình lớn chỉ trong 3 năm qua đã được đưa vào sử dụng, 300 nghìn ha đất nông nghiệp được chủ động nguồn nước từ các công trình này, chưa kể một loạt các công trình của địa phương", lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết.

Về môi trường, sau Nghị quyết 120, mạng lưới quan trắc, giám sát khí hậu, thời tiết được tăng cường, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai được nâng cao phục vụ thực hiện các giải pháp thích ứng, trong đó đã chú trọng các giải pháp phi công trình. Nhờ đó đã hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

"Chuyển đổi kinh tế được đẩy mạnh nương theo thế mạnh tự nhiên; hình thành mạng lưới sản xuất thông minh, tập trung quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới như gạo ST25", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết.

Theo Bộ trưởng, các lợi thế sinh thái, văn hóa, lịch sử đã được bảo tồn, phát huy, thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ. Chỉ riêng năm 2019, khách du lịch ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt, thu đạt hàng chục nghìn tỷ đồng.

Sẽ huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vùng đất "Chín rồng" - Ảnh 3.

Một số thành tựu nổi bật của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 - Nguồn: VGP

HUY ĐỘNG THÊM HÀNG TRĂM NGHÌN TỶ ĐỒNG CHO ĐẤT "CHÍN RỒNG"

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục được ưu tiên đầu tư.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương là khoảng 162.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 121,6 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388.000 tỷ đồng. 

Sẽ huy động thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng cho vùng đất "Chín rồng" - Ảnh 4.

Kế hoạch đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 - Nguồn: VGP

Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng...

Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đề xuất Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô dự kiến 1,05 tỷ USD.

Để có thêm nguồn lực ngoài khoản vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate