February 11, 2023 | 06:00 GMT+7

5 nghề nghiệp được đánh giá phát triển hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ năm 2023

Trong bối cảnh kinh tế chung đầy biến động cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, dưới đây là 5 nghề nghiệp chính được dự đoán sẽ phát triển hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của năm 2023…

5 nghề nghiệp được đánh giá phát triển hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ năm 2023
5 nghề nghiệp được đánh giá phát triển hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ năm 2023

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không mấy thuận lợi, từ những gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Google và Meta đến các công ty công nghệ tài chính như Klarna và Stripe, nhiều công ty đã thực hiện tiết kiệm chi phí bằng cách sa thải hàng loạt nhân sự. Theo nguồn tin từ Techspot, hiện nay, thị trường công nghệ có đến 1.040 công ty đã sa thải nhân viên với số lượng khoảng 159.684 nhân viên. 

Việc sa thải nhân viên gần đây có thể gây ấn tượng sai lệch về sức khỏe của ngành. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là công nghệ luôn không ngừng phát triển và các cơ hội về công việc của ngành này vẫn tiếp tục mở rộng nhất là trong điện toán đám mây. Lĩnh vực này đã tăng trưởng phi thường trong 3 năm qua nhờ tốc độ số hóa ngày càng tăng trong thời kỳ đại dịch. Vì vậy, nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực công nghệ, điều quan trọng là bạn cần có tầm nhìn để xác định các công việc và lĩnh vực có tiềm năng phát triển. 

NHÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU 

Khi lượng dữ liệu khổng lồ tiếp tục tăng lên, điều này có nghĩa thị trường càng cần những kỹ sư có thể làm việc hiệu quả để thu về những thông tin có giá trị. 79 zettabyte dữ liệu đã được tạo ra trên toàn thế giới vào năm 2021 và thị trường phân tích dữ liệu lớn toàn cầu được dự đoán sẽ đạt doanh thu hàng năm là 68 tỷ USD vào năm 2025.

Nhà khoa học dữ liệu có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, bao gồm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính và chính sách công, cũng như các công ty công nghệ. Điều này khiến công việc này được xem xét sẽ trở thành một nghề nghiệp phát triển hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. 

Lấy ví dụ về những tiêu chí tuyển dụng công việc này tại PayPal, cổng thanh toán online lớn nhất thế giới đang thuê một nhà khoa học dữ liệu cho nhóm phân tích mức độ trung thành và mua hàng của khách hàng. Yêu cầu của tập đoàn này với các nhà khoa học dữ liệu là họ phải có khả năng giải quyết vấn đề và có niềm đam mê hiểu biết sâu sắc về dữ liệu để phát hiện các xu hướng chính từ nhiều góc độ và tóm gọn những thông tin đó thành các bản trình bày dễ sử dụng. 

KỸ SƯ MÁY HỌC 

Cục Thống kê Lao động của Mỹ (BLS) dự kiến công việc nghiên cứu thông tin và máy tính sẽ tăng 15% vào năm 2029. Đây là tin tốt cho các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) và kỹ sư học máy, những người sử dụng AI để huấn luyện các mô hình máy tính.

Sự nghiệp này đòi hỏi những cá nhân tài năng trong lực lượng lao động, bao gồm các lĩnh vực tài chính, kinh doanh, di truyền học và bộ gen, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và giáo dục. Theo Market Research Future, quy mô thị trường dự kiến sẽ tăng lên 106 tỷ USD vào năm 2030.

Bạn có thể tham khảo thông tin vị trí này thông qua tuyển dụng của Ông lớn công nghệ Apple. Apple đang tìm kiếm vị trí Kỹ sư máy học ở Seattle. Các kỹ sư máy học mà họ tuyển dụng sẽ làm việc trên âm nhạc, podcast, phim và chương trình truyền hình–những tài sản cốt lõi trong hệ sinh thái của Apple. Vị trí này dành cho các kỹ sư thành thạo các lĩnh vực học sâu như phân loại hình ảnh, nhận dạng, phát hiện đối tượng, phân đoạn, OCR, đồng thời có kiến thức và kinh nghiệm xử lý dữ liệu tuần tự, chẳng hạn như âm thanh và video. 

NHÀ THIẾT KẾ TRẢI NGHIỆM NGƯỜI DÙNG (UX) 

Các nhà thiết kế UX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hiệu quả một sản phẩm đến người dùng   
Các nhà thiết kế UX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hiệu quả một sản phẩm đến người dùng   

Công việc này sẽ yêu cầu bạn chịu trách nhiệm về trải nghiệm tổng thể của người dùng đối với sản phẩm của một công ty, bao gồm mọi thứ tự giao diện cho đến mức độ dễ sử dụng của sản phẩm. Các nhà thiết kế UX cần hiểu cách người dùng tương tác với sản phẩm bằng cách sử dụng nghiên cứu và phân tích. Tìm hiểu những gì khách hàng thích và không thích. 

Ngoài ra, khi trải nghiệm của khách hàng là trọng tâm trong nhiều chiến lược của công ty, các nhà thiết kế UX là chìa khóa để đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ của họ sẽ mang lại trải nghiệm liền mạch và thú vị cho khách hàng.

Ví dụ Cognizant, công ty tư vấn và dịch vụ công nghệ thông tin đa quốc gia của Mỹ, đang tìm kiếm một Nhà thiết kế UX ở Philadelphia. Họ yêu cầu ở vị trí này là một chuyên gia thiết kế lấy con người làm trung tâm (HCD) và có khả năng quảng bá những tiện ích mà dịch vụ HCD của họ mang lại.  

KỸ SƯ DEVOPS 

Kỹ sư devOps là người đóng vai trò quan trọng trong việc sắp xếp các chuyên gia sao cho phù hợp với các nhóm công nghệ khác nhau, nhằm đảm bảo hoạt động chung của nhóm phát triển phần mềm và công nghệ thông tin diễn ra hiệu quả. Các kỹ sư DevOps cần có nền tảng kỹ thuật vững chắc, nhưng đồng thời họ cũng cần hiểu nhu cầu kinh doanh và có kỹ năng giao tiếp để thu hẹp khoảng cách giữa nhóm phát triển và nhóm vận hành CNTT.

Là một nghề tương đối mới, kỹ sư devOps được phát triển từ năm 2007. Ban đầu, vị trí này chỉ xuất hiện trong các công ty công nghệ thuần túy, tuy nhiên DevOps hiện cũng đang được tuyển dụng trong vận hảnh sản xuất như quản lý quy trình hay hàng tồn kho, và hơn hết là trong các lĩnh vực như  Healthtech, insuretech,v.v.

Lấy ví dụ về yêu cầu của vị trí này tại Deloitte, họ đang tuyển dụng chuyên gia AWS DevOps cấp cao. Vị trí này tại Deloitte đòi hỏi bạn phải là người có khả năng xây dựng giải pháp đám mây và muốn làm việc trong môi trường cộng tác bằng cách luôn chia sẻ những ý tưởng mới và cộng tác trong các dự án với tư cách là nhà tư vấn. Một tiêu chuẩn khác để có thể ứng tuyển trong tập đoàn hàng đầu này là bạn sẽ cần 6 năm kinh nghiệm trong môi trường đám mây AWS. 

NHÀ PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG 

Nhà phát triển ứng dụng luôn là một trong những nghề mà thị trường công nghệ luôn khát nhân sự. Cục Thống kê Lao động của Mỹ cho biết việc làm của các nhà phát triển phần mềm, nhà phân tích và người kiểm tra trong lĩnh vực công nghệ được dự đoán sẽ tăng 25% cho đến năm 2031, tốc độ này nhanh hơn nhiều so với tốc độ phát triển trung bình của các doanh nghiệp.

Nhà phát triển ứng dụng là kỹ sư phần mềm thiết kế, tạo, thử nghiệm, lập trình và cập nhật ứng dụng cho một thiết bị cụ thể như thiết bị di động hoặc web hoặc một hệ điều hành cụ thể. Các nhà phát triển ứng dụng thường chuyên về một lĩnh vực phát triển, chẳng hạn như ứng dụng điện thoại di động. Họ cũng tham gia vào việc thực hiện cập nhật thường xuyên trên các ứng dụng và phát hành bản cập nhật mới nhất cho người dùng cuối. Họ là một phần quan trọng của nhóm quản lý dự án hoặc nhóm kỹ thuật chịu trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của người dùng. Ngoài ngành công nghệ thông tin, các nhà phát triển ứng dụng có thể làm việc trong hầu hết mọi ngành.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate