July 27, 2021 | 14:18 GMT+7

5 tỉnh, thành phía Nam "xắn tay" triển khai vành đai nghìn tỷ

Anh Tú -

Khẩn trương giao 5 địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần trong "đại" dự án vành đai 4 TP. HCM theo phương thức đầu tư PPP, khơi thông nguồn lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Đường vành Đai 4 có tổng chiều dài 197,6 km, đi qua 5 tỉnh thành là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Long An.
Đường vành Đai 4 có tổng chiều dài 197,6 km, đi qua 5 tỉnh thành là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Long An.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án tuyến vành đai 4 TP. HCM.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Quy hoạch chi tiết tuyến vành đai 4 TP. HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011.

 

Sau gần 10 năm phê duyệt, đến nay, Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21 km bằng nguồn ngân sách địa phương, hiện đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Long An đang triển khai đầu tư khoảng 25 km.

Trong đó, tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 05 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Long An. Tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý quỹ đất và triển khai những dự án thành phần có đủ điều kiện, chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, về chủ trương triển khai thực hiện tuyến đường vành đai 4, các địa phương sẽ thực hiện từ khâu giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức triển khai. Bộ chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn thủ tục, đôn đốc thực hiện. “Về mặt pháp lý, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội ra Nghị quyết để các địa phương có cơ chế giải phóng mặt bằng cho dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Để khẩn trương sớm triển khai các dự án thành phần của tuyến Vành đai 4, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần của tuyến vành đai 4 TP. HCM, với tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200 km, theo nguyên tắc phân chia các đoạn theo địa giới hành chính của từng địa phương, đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. HCM ngày 13/5/2021.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn , chiều dài khoảng 18 km.

UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên, không bao gồm cầu Thủ Biên, chiều dài khoảng 45 km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn, gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn, chiều dài khoảng 49 km.

UBND TP. HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai, gồm cầu vượt sông Sài Gòn, chiều dài khoảng 17 km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước, gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP. HCM, chiều dài khoảng 71 km.

Cập nhật tiến độ dự án, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu và đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn Bến Lức - Hiệp Phước, trình Bộ Giao thông vận tải nhưng chưa được phê duyệt. Các đoạn còn lại chưa được nghiên cứu. Hồ sơ đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận bàn giao cho tỉnh Long An tiếp tục nghiên cứu. UBND tỉnh Long An đã giao Sở Giao thông vận tải làm đầu mối tiếp nhận tại văn bản số5454/UBND-KTTC ngày 14/6/2021.

 

Theo quy hoạch, vành đai 4 có chiều dài khoảng 197,6 km, mặt cắt ngang từ 6-8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Tổng mức đầu tư ước tính 100 nghìn tỷ đồng. Tuyến vành đai 4 phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 05 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Long An. Đây là tuyến đường quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Nam bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù được quy hoạch từ năm 2011 và các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư đường vành đai 4, nhưng hiện tiến độ thực hiện được cho là quá chậm, điều này đã ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate