May 22, 2024 | 07:44 GMT+7

5 yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh tại thị trường khởi nghiệp Đông Nam Á

Sơn Trần

Nhiều startup Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội tăng trưởng bùng nổ, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, mức độ phổ cập internet, smartphone hay sự hỗ trợ từ Chính phủ…

Bất chấp lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh tại Đông Nam Á, khu vực vẫn phải đối mặt với những thách thức kinh tế đáng kể.
Bất chấp lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh tại Đông Nam Á, khu vực vẫn phải đối mặt với những thách thức kinh tế đáng kể.

Môi trường năng động trong khu vực tạo điều kiện thúc đẩy sáng kiến đổi mới, đặc biệt tại các công ty khởi nghiệp thuộc một số lĩnh vực “hot” như fintech và thương mại điện tử, khắc phục được nhiều vấn đề và tạo ra giải pháp có tiềm năng toàn cầu, theo Tech Collective. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp này phải đối mặt với vô số thách thức như nguồn vốn cạn kiệt, lạm phát do giá dầu tăng và xung đột quốc tế. Nếu muốn duy trì tính cạnh tranh, startup phải có khả năng thích ứng với tình hình kinh tế thay đổi liên tục. Tích cực tham gia sâu hơn vào thị trường nội địa và đa dạng hóa phạm vi tiếp cận cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro liên quan đến áp lực tài chính toàn cầu.

Bất chấp lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ phát triển mạnh tại Đông Nam Á, khu vực vẫn phải đối mặt với những thách thức kinh tế đáng kể, ảnh hưởng đến quỹ đạo tăng trưởng doanh nghiệp. Điểm mấu chốt chính là chi phí ngày càng tăng của nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng, mà cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông giữa Iran và Israel lại càng làm trầm trọng thêm vấn đề. 

Mặc dù Israel không phải trung tâm sản xuất dầu mỏ trên thế giới, khả năng xung đột leo thang và ảnh hưởng đến một số quốc gia sản xuất dầu mỏ quan trọng như Iran làm tăng mối lo ngại về giá dầu. Đồng thời, Hoa Kỳ vừa công bố nâng lãi suất chính sách lên mức 5,5% nhằm cải thiện tình trạng lạm phát kéo dài.

Căng thẳng địa chính trị cũng đe dọa an ninh và kinh tế khu vực, đặc biệt là cuộc đối đầu không hồi kết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tất nhiên, Đông Nam Á nhận được một số lợi ích từ sự tách biệt kinh tế dần dần giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, khi nhiều nhà sản xuất chuyển hoạt động ra khỏi đất nước tỷ dân. 

Một số hoạt động nằm trong chiến lược “tái định cư” của nhiều đại gia công nghệ thu hút lượng đầu tư đáng kể chảy vào các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Việt Nam, Malaysia và Indonesia, những quốc gia đều chứng kiến ​​dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua. 

Dưới đây là 5 bí quyết giúp các công ty khởi nghiệp có thể duy trì lợi thế trong bối cảnh cạnh tranh:

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Ngành công nghệ siêu cạnh tranh đòi hỏi sự đổi mới và thích ứng liên tục để phát triển. Trước tình trạng suy thoái kinh tế, việc áp dụng mô hình kinh doanh linh hoạt và tinh gọn gần như là bước đi bắt buộc đối với các startup công nghệ. 

Chiến lược liên quan chủ yếu đến khả năng cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng cao, hiểu rõ động lực thị trường và đảm bảo phát triển trên tất cả lĩnh vực hoạt động, bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng.

PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ

Phân tích khả năng sinh lời của doanh nghiệp tập trung vào hiệu quả chi phí là bước rất quan trọng khi bối cảnh huy động vốn dần trở nên khó khăn. Các dự án kinh doanh mới nên nắm bắt mọi cơ hội tài trợ và tập trung vào hoạt động giảm thiểu chi tiêu. 

Theo đó, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu bắt đầu giảm từ quý 1/2022, tổng số tiền huy động giảm 13% so với quý 4/2021. Con số cho thấy xu hướng các ngân hàng và nhà đầu tư mạo hiểm dường như ít sẵn sàng cung cấp vốn hơn.

CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG

Tận dụng cơ hội thị trường trong khu vực là bí quyết then chốt giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh. Hành động cần thiết là cắt giảm chi phí, bảo toàn vốn tích lũy và đảm bảo đủ nguồn tài chính để chống chọi với những đợt suy thoái có thể kéo dài từ 12 đến 24 tháng. 

Ngoài ra, việc khám phá thị trường địa lý mới với nhu cầu chưa được khai thác cũng có thể mang lại cơ hội và lợi thế tăng trưởng đáng kể. Ví dụ, một công ty khởi nghiệp trong ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) có thể xác định tiềm năng mở rộng sang thị trường thực phẩm tươi, nơi nhu cầu người tiêu dùng cao nhưng nguồn cung hiện tại chưa đáp ứng đầy đủ. Cách tiếp cận cho phép các công ty tận dụng nhiều lĩnh vực mới mang lại tiềm năng tăng trưởng đáng kể.

THỎA THUẬN HỢP TÁC

Thoả thuận hợp tác mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cơ hội mở rộng thị trường và tăng doanh thu.
Thoả thuận hợp tác mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cơ hội mở rộng thị trường và tăng doanh thu.

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và khả năng hoạt động. Ví dụ, Grab, gã khổng lồ dịch vụ gọi xe có trụ sở tại Singapore, vừa công bố hợp tác với Booking Holdings, công ty hàng đầu thế giới về dịch vụ lưu trú trực tuyến và TMĐT du lịch. 

Thông qua quan hệ đối tác, khách hàng của Booking Holdings có thể đặt dịch vụ vận chuyển thông qua ứng dụng của hãng, được hỗ trợ bởi Grab. Ngược lại, người dùng Grab cũng có thể đặt phòng thông qua liên kết với nền tảng Booking.com và Agoda. 

LAO ĐỘNG TRÌNH ĐỘ CAO

Đầu tư nuôi dưỡng và nâng cao kỹ năng của nhân tài công nghệ cũng rất quan trọng trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh. Lực lượng lao động được đào tạo tốt và nhanh nhẹn cho phép startup đổi mới liên tục, cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ và thích ứng hiệu quả với tiến bộ công nghệ cũng như thay đổi thị trường. Hiện tại, vị trí yêu cầu kỹ năng công nghệ đang có nhu cầu tuyển dụng cao, với dự đoán sẽ thiếu hụt nhân tài công nghệ toàn cầu khoảng 85,2 triệu người vào năm 2030. 

Mặc dù suy thoái đặt ra vô vàn thách thức to lớn nhưng cũng mang lại cơ hội cho sự tăng trưởng và chuyển đổi. Startup Đông Nam Á nói chung có thể điều tiết thị trường bằng cách tận dụng sự linh hoạt, hiệu quả, hợp tác khu vực, quan hệ đối tác chiến lược và phát triển nhân tài, từ đó tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate