July 01, 2021 | 06:00 GMT+7

6 tháng đầu năm 2021: Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế TP.HCM vẫn tăng trưởng

Xuân Nghi -

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM phải đối mặt với hai làn sóng dịch Covid-19 tái bùng phát: đầu năm 2021 và tình hình hiện nay với số ca Covid-19 của TP.HCM đứng thứ hai cả nước, sau Bắc Giang. Tuy nhiên, kinh tế Thành phố vẫn tăng trưởng dương; theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 680.328 tỷ đồng (theo giá hiện hành)...

6 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 11.745 tỷ đồng, đạt 43,5% dự toán, chiếm 5,9% tổng thu ngân sách
6 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 11.745 tỷ đồng, đạt 43,5% dự toán, chiếm 5,9% tổng thu ngân sách

Năm 2021 là năm bản lề đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, vấn đề tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, vì vậy có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động mạnh của dịch Covid-19.

NHIỀU DẤU HIỆU TÍCH CỰC

6 tháng đầu năm 2021, triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt sau khi các quốc gia triển khai vaccine hiệu quả và đối phó tốt hơn với dịch Covid-19. Việc áp dụng các biện pháp phong toả lâu dài cũng khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trên thế giới giảm, chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, giá cả bắt đầu tăng ở một số mặt hàng.

TP.HCM phải đương đầu với hai đợt dịch Covid-19 bùng phát, đỉnh điểm là đợt dịch bắt đầu từ ngày 27/4 với biến thể Delta nguy hiểm có tốc độ lây lan nhanh hơn, có thể làm cản trở cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi kinh tế của Thành phố.

Về kinh tế, theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực nông lâm thuỷ sản giảm 0,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,58%; khu vực dịch vụ tăng 5,86%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,08%.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 198.566 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 29.710 tỷ đồng, đạt 30,6% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 541.685 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành lưu trú, ăn uống tăng 18,9%, lữ hành giảm 40,6% do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 185.975 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, bằng 27,3% so với GRDP.

Về tăng trưởng kinh tế, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 680.328 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 490.692 tỷ đồng, tăng 5,46% so cùng kỳ. Trong mức tăng trưởng chung đó, khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất với 3,66 điểm % và có mức tăng trưởng 5,86% trong bối cảnh tuy phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19; thuế sản phẩm tăng 7,08% so với cùng kỳ, đóng góp 0,97 điểm %, kế đến là khu vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 0,84 điểm % với mức tăng trưởng 3,58%; khu vực nông nghiệp đóng góp thấp nhất và có mức tăng trưởng giảm 0,48%.

Về cơ cấu kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021, (xét theo giá hiện hành), khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 0,6% trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 22,2%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 63,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,6%.

KINH DOANH TRỰC TUYẾN, ĐẶT HÀNG QUA MẠNG PHÁT TRIỂN

Về tỷ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong GRDP 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ chiếm 58,1% trong GRDP và chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao so với GRDP là thương nghiệp (16,8%), vận tải kho bãi (9,6%), tài chính ngân hàng (8,2%), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (5,5%). Bốn ngành này chiếm 63,1% nội bộ khu vực dịch vụ.

Trong thời gian chống dịch, các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, hội họp trực tuyến được người dùng và doanh nghiệp áp dụng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thiết yếu của thị trường nhất là trong lĩnh vực bán lẻ hàng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ internet, viễn thông…

Cụ thể, ngành thương nghiệp bán buôn, bán lẻ: tăng 6,01% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 16,8% trong tổng GRDP và chiếm 26,4% trong khu vực dịch vụ. Ngành thông tin truyền thông: tăng 7,24% so với cùng kỳ, chiếm 4,9% trong tổng GRDP và 7,8% trong khu vực dịch vụ. Ngành tài chính, ngân hàng: tăng 8,22% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,2% trong tổng GRDP và 12,9% trong khu vực dịch vụ. Ngành hoạt động chuyên môn, KHCN1: tăng 6,09% so với cùng kỳ, chiếm 5,5% trong tổng GRDP và 8,6% trong khu vực dịch vụ. Ngành giáo dục và đào tạo: tăng 6,62% so với cùng kỳ, chiếm 4,2% trong tổng GRDP và 6,6% trong khu vực dịch vụ. Ngành y tế: tăng 10,11% so với cùng kỳ, chiếm 3,4% trong tổng GRDP và 5,4% trong khu vực dịch vụ. Đặc biệt, có một ngành giảm là ngành khách sạn - nhà hàng, giảm 2,68%; và hai ngành logistics và kinh doanh bất động sản, có mức tăng trưởng dưới 6%. Đây là ba ngành chịu tác động nặng và rõ rệt nhất bởi Covid-19.

Về thu chi ngân sách, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa thành phố 6 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 198.566 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán và tăng 20,7% so cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Thu nội địa ước thực hiện 138.366 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, chiếm 69,7% tổng thu ngân sách và tăng 19% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 11.745 tỷ đồng, đạt 43,5% dự toán, chiếm 5,9% tổng thu ngân sách và tăng 9,9% so cùng kỳ. Thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 39.403 tỷ đồng, đạt 58,2% dự toán, chiếm 19,8% tổng thu ngân sách và tăng 42,7% so cùng kỳ. Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước thực hiện 33.917 tỷ đồng, đạt 58,2% dự toán, chiếm 17,1% tổng thu và tăng 16,4% so cùng kỳ. Thu dầu thô ước thực hiện 6.807 tỷ đồng, đạt 79,6% dự toán, chiếm 3,4% tổng thu ngân sách và tăng 6,8% so cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 60.200 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán, chiếm 30,3% tổng thu ngân sách và tăng 24,8% so cùng kỳ.

Thu cân đối ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2021, ước thực hiện 38.111 tỷ đồng, đạt 46,4% dự toán, chiếm 19,2% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và tăng 5,6% so cùng kỳ năm 2020.

Tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng) 6 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 29.710 tỷ đồng, đạt 30,6% dự toán và giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2020. Chi cho đầu tư phát triển ước thực hiện 9.572 tỷ đồng, đạt 25% dự toán, chiếm 32,2% tổng chi ngân sách địa phương và giảm 4,4% so cùng kỳ. Chi thường xuyên ước thực hiện 18.103 tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán, chiếm 60,9% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 7,2% so cùng kỳ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate