February 16, 2023 | 12:19 GMT+7

60.000 đơn vị, doanh nghiệp tại Hà Nội nợ bảo hiểm xã hội hơn 1.500 tỷ

Song Hoàng -

Ngày 15/2, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị vừa công khai gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tính đến thời điểm cuối tháng 1/2023...

Hàng ngàn doanh nghiệp tại Hà Nội đang nợ bảo hiểm xã hội
Hàng ngàn doanh nghiệp tại Hà Nội đang nợ bảo hiểm xã hội

Các doanh nghiệp nêu trên chậm đóng tiền bảo hiểm từ 1 tháng đến 182 tháng. Cụ thể: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ thống dây Sumi - Hanel (địa chỉ tại Khu công nghiệp Sài Đồng B, phường Thạch Bàn, quận Long Biên) chậm đóng cho hơn 7.100 người lao động với số tiền hơn 13,7 tỷ đồng…

Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 1/2023, số tiền chậm đóng bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn địa bàn là hơn 1.500 tỷ đồng.

Đây là số tiền lớn, đòi hỏi cơ quan Bảo hiểm Xã hội thành phố và các ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động. Một trong các giải pháp đó là Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm.

Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng. Tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, người có hành vi vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm, tùy theo mức độ vi phạm.

Trước khi chuyển danh sách sang Cơ quan điều tra đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chốn, chậm đóng tiền bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra đột xuất; triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Theo Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội, các doanh nghiệp, đơn vị nợ Bảo hiểm Xã hội kéo dài không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong đó bao gồm việc tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước tình trạng vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, đầu năm 2023, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội đã thực hiện 136 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch với 58 cuộc (thanh tra chuyên ngành 12 đơn vị, kiểm tra sử dụng lao động 21 đơn vị, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành 25 đơn vị) và thực hiện thanh tra đột xuất với 78 đơn vị.

Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không còn là câu chuyện mới, thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy đến cuối năm 2021, tổng số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc trong cả nước là hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 1/3 (hơn 3.200 tỷ đồng, gồm gần 2.300 tỷ đồng nợ gốc và khoảng 930 tỷ đồng lãi chậm nộp phát sinh) là khoản nợ rất khó đòi do hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể hay chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn... Do đó, quyền lợi chính đáng của hàng trăm nghìn người lao động có nguy cơ bị mất trắng.

Trong khi đó, theo Bộ Lao động thương binh xã hội, kết quả xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự còn hạn chế là do vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thiếu căn cứ pháp lý để xác định hành vi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate