May 17, 2022 | 15:40 GMT+7

7 trạm thu phí không dừng ETC nguy cơ "lỡ hẹn" tiến độ, phải xả trạm từ ngày 1/7

Anh Tú -

30 làn thuộc 7 trạm thu phí do Bộ Giao thông vận tải và địa phương quản lý có nguy cơ lỡ hẹn trước "hạn chót" triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) vào ngày 30/6. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, tuyệt đối không đánh trống bỏ dùi, đến ngày 1/7, trạm nào chưa hoàn thành lắp đặt ETC sẽ phải xả trạm...

Trạm Xa lộ Hà Nội do UBND TP.HCM quản lý có khả năng sẽ bị chậm tiến độ, không hoàn thành trước ngày 30/6 sẽ phải xả trạm. Khi nào lắp đặt xong hệ thống ETC theo yêu cầu mới cho thu phí trở lại.
Trạm Xa lộ Hà Nội do UBND TP.HCM quản lý có khả năng sẽ bị chậm tiến độ, không hoàn thành trước ngày 30/6 sẽ phải xả trạm. Khi nào lắp đặt xong hệ thống ETC theo yêu cầu mới cho thu phí trở lại.

Ngày 17/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan xử lý vướng mắc đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) và các dự án BOT.

HẠN CHÓT HOÀN THÀNH VÀO NGÀY 30/6, RIÊNG VEC ĐƯỢC GIA HẠN 1 THÁNG

Nhắc lại 4 nhiệm vụ trọng tâm được thống nhất chỉ đạo tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải cuối tháng 10/2021, Phó Thủ tướng nêu rõ, (i) Triển khai thu phí các dự án cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý; (ii) Lắp đặt các làn thu phí còn lại đảm bảo tại mỗi chiều xe chạy chỉ tồn tại 1 làn thu phí hỗn hợp; (iii) Tăng cường công tác dán thẻ để tăng hiệu quả của hệ thống; (iv) Lựa chọn thí điểm thu phí không dừng toàn bộ tại một số tuyến cao tốc.

Liên quan đến tiến độ dự án ETC, Phó Thủ tướng đánh giá, từ tháng 10/2021 đến nay, công tác triển khai có sự chuyển động tích cực. Trước thời điểm tháng 10/2021, cả nước mới chỉ có khoảng 1 triệu xe dán thẻ thu phí tự động không dừng, đến nay con số này lên đến khoảng 3 triệu phương tiện.

Như vậy, chỉ trong 7 tháng, số lượng phương tiện dán thẻ ETC tăng thêm gần 2 triệu thẻ, nâng tổng số xe dán thẻ đạt được lên trên 60%.

Để hoàn thành mục tiêu đến ngày 30/6 phải hoàn thành cơ bản hệ thống thu phí ETC, Phó Thủ tướng cho rằng, vẫn còn nhiều vướng mắc.

Đặc biệt, tiến độ triển khai của các dự án cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý hiện đang rất chậm so với yêu cầu. Cả 4 dự án Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây chưa được đầu tư. Bốn dự án do VEC quản lý gồm hiện mới trong giai đoạn tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020. 

"Thu phí không dừng là hình thức thu phí văn minh, hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian và đặc biệt tạo tính minh bạch, chống tiêu cực, ích nước lợi nhà và giúp người dân thuận tiện hơn khi tham gia giao thông. Do đó, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, quyết tâm thực hiện, phải làm bằng được và không được chậm trễ", Phó Thủ tướng nhìn nhận. 

 

"Tuyệt đối không thể đặt mục tiêu chung chung, đánh trống bỏ dùi. Nếu làm chậm phải thực hiện kiểm điểm trách nhiệm. Đúng ngày 30/6, phải hoàn thành thu phí không dừng trên toàn bộ các trạm thu phí. Đến ngày 1/7, trạm nào chưa hoàn thành lắp đặt ETC ở tất cả các làn phải xả trạm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Do vậy, trong quá trình làm sẽ khó tránh có phát sinh khó khăn, bất cập nhưng khó ở đâu, phải gỡ ở đó.

"Phải tâm huyết, quyết tâm, nhận thức rõ việc này là vì lợi ích của người dân mà phấn đấu, cố gắng, nỗ lực thực hiện. Một mục tiêu cần phải đưa ra nhiều giải pháp và lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo thực hiện”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đúng ngày 30/6 phải hoàn thành thu phí không dừng trên toàn bộ các trạm thu phí.

Đến ngày 1/7, trạm nào chưa hoàn thành lắp đặt ETC ở tất cả các làn phải xả trạm. Khi nào lắp đặt xong hệ thống thu phí không dừng theo yêu cầu mới cho thu phí trở lại.

“Đến 30/6, tôi xuống kiểm tra mà không có chuyển biến sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo VEC”, Phó Thủ tướng nói. Đã hứa với nhân dân thì phải thực hiện, không thể làm nhân dân mất đi sự tin tưởng.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra hạn chót đến 30/7, VEC phải hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại 4 dự án đang quản lý, nếu không sẽ phải xả trạm, làm xong mới cho thu trở lại.

Mặt khác, để tăng lượng xe dán thẻ ETC, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường công tác tuyên truyền về thu phí không dừng đến người dân để nâng cao nhận thức của nhân dân về hình thức thu phí văn minh này.

30 LÀN TRÊN 7 TRẠM THU PHÍ "BÁO ĐỘNG" VỀ TIẾN ĐỘ

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chỉ rõ, đối với các dự án BOT và thu phí không dừng tại Việt Nam hiện có 3 nhóm.

Nhóm đầu tiên do Bộ Giao thông vận tải quản lý, hiện được triển khai tương đối tốt. Nếu như trước đây, mỗi trạm bố trí ít nhất 2/4 làn thu phí ETC thì đến nay, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà đầu tư lắp tất cả 3 trạm thu phí ETC và chỉ để 1 làn hỗn hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài trạm chưa lắp đủ số làn thu phí ETC như chỉ đạo do một số nguyên nhân liên quan đến ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc đặt hàng mua sắm các thiết bị bị kéo dài.

Nhóm thứ 2 do các địa phương quản lý, có 1 số trạm nằm trên các đường tỉnh, đô thị, Quốc lộ, Chính phủ giao cho các nhà đầu tư ký trực tiếp với UBND tỉnh và thu phí trực tiếp, hiện nay hoạt động cũng khá hiệu quả.

Nhóm thứ 3 là 140 làn thu phí không dừng trên 5 dự án đường cao tốc do VEC quản lý.

Đối với những trạm chưa lắp đủ làn thu phí ETC theo chỉ đạo đến trước ngày 30/6/2022 sẽ dừng không cho thu phí, đến khi lắp xong mới cho thu phí trở lại.

Trước đó, báo cáo Phó Thủ tướng về tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công - tư (Bộ Giao thông vận tải) cho hay, hiện nay, tất cả các trạm thu phí có lưu lượng giao thông lớn đều được lắp đặt toàn bộ hệ thống ETC, bảo đảm chỉ duy trì 1 làn hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy.

 

Tuy nhiên, "còn 102 làn/23 trạm thu phí chưa đảm bảo yêu cầu các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy. Trong số đó, có 38 làn/13 trạm do Bộ Giao thông vận tải quản lý và 64 làn/10 trạm do địa phương quản lý", ông Thành thông tin.

Vụ trưởng Vụ đối tác công - tư cho biết thêm, đối với các trạm do Bộ Giao thông vận tải quản lý, nhà đầu tư BOT hoàn thành công tác chuẩn bị, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thời gian đặt hàng mua sắm thiết bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Trong số 38 làn/13 trạm do Bộ quản lý, có 24 làn/8 trạm nhà đầu tư cam kết hoàn thành trong tháng 6/2022.

Như vậy, còn lại 14 làn/5 trạm có nguy cơ chậm tiến độ do thời gian nhập thiết bị kéo dài so với kế hoạch.

Trong quá trình lắp đặt các làn thu phí còn lại, việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn diễn ra bình thường do các trạm được lắp đặt số lượng lớn các làn thu phí ETC.

Đối với các trạm do địa phương quản lý, việc nhập thiết bị gặp nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ triển khai bị kéo dài.

Theo kết quả làm việc gần nhất giữa Bộ với các địa phương ngày 12/5, các địa phương đều cam kết hoàn thành trước 30/6.

Riêng 16 làn/2 trạm thu phí, gồm trạm An Sương An Lạc và Trạm Xa lộ Hà Nội do UBND TP.HCM quản lý có khả năng sẽ bị chậm tiến độ.

Được biết, dự án đầu tư BOT An Sương - An Lạc, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) là chủ đầu tư. Còn Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) là chủ đầu tư BOT dự án Xa lộ Hà Nội.

"Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các nhà đầu tư BOT lắp đặt các làn thu phí còn lại đảm bảo tại mỗi trạm thu phí chỉ tồn tại 1 cửa thu phí hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy", ông Thành nói. Đồng thời, có chế tài dừng thu phí hoặc yêu cầu đóng các làn thu phí chưa lắp đặt thu phí không dừng nếu chậm tiến độ.

 

Số lượng phương tiện tham gia dán thẻ ETC trong thời gian qua tăng rất khả quan. Đến thời điểm này, có khoảng gần 3 triệu phương tiện tham gia dịch vụ, chiếm hơn 65% tổng số phương tiên trên toàn quốc. Phấn đấu trong năm 2022, số lượng phương tiện dán thẻ đạt từ 80 - 90% là khả thi.

Liên quan đến thí điểm áp dụng chỉ thu phí không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, từ ngày 1/6, các phương tiện không dán thẻ thu phí không dừng, hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để chi trả sẽ bị xử phạt nghiêm, từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức ETC và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Công tác xử phạt sẽ nghiêng về hình thức ghi hình phạt nguội để đảm bảo an toàn giao thông.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate