April 23, 2022 | 11:50 GMT+7

8 tháng phải hoàn thành 4 đoạn cao tốc Bắc-Nam, nhiều băn khoăn lo chậm tiến độ

Ánh Tuyết -

Lo ngại khi 8 tháng phải hoàn thành 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu giải quyết dứt điểm vướng mắc về vật liệu, nhà thầu gấp rút tăng ca và bù 2,6% giá trị hợp đồng đang chậm so với kế hoạch...

8 tháng nữa phải hoàn thành 361km 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam nhưng đến nay vẫn còn thiếu mấy triệu m3 vật liệu đắp nền.
8 tháng nữa phải hoàn thành 361km 4 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam nhưng đến nay vẫn còn thiếu mấy triệu m3 vật liệu đắp nền.

Ngày 22/4, Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo. Đây là cuộc họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo kể từ cuộc họp đầu tiên vào đầu tháng 3/2022. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo 23 địa phương có dự án đi qua tại các đầu cầu trực tuyến.

GIAI ĐOẠN 1 CHỈ CHẬM 0,7% KẾ HOẠCH NHƯNG NHÀ THẦU ĐANG THI CÔNG CẦM CHỪNG

Cập nhật tình hình triển khai cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, đạt 100% công tác bồi thường.

"Tuy nhiên, một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời. Trong phạm vi mặt bằng bồi thường vẫn còn tồn tại vướng mắc trên tổng chiều dài khoảng 2,6 km", ông Lâm cho hay.

 

Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 20.087 tỷ đồng, tương đương 35,4% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,7% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án phải hoàn thành năm 2022 có sản lượng trung bình đạt 53,4% giá trị hợp đồng, chậm 2,6%.

Với 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 31,6% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch.

Còn lại 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 6,4% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Báo cáo một số khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công.

Do đó, "dẫn đến tình trạng nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu thực tế.

Bên cạnh đó, "trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ thời tiết bất thường mưa nhiều, các tỉnh Nam Trung Bộ mùa mưa đến sớm hơn thường lệ nên tiến độ thi công một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương, chủ công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong tháng 4/2022.

Các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, đảm bảo có đầy đủ các loại vật liệu cho công trình giao thông, phản ảnh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021- 2025 (giai đoạn 2), Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm báo cáo, từ ngày 13-15/3/2022, Bộ Giao thông vận tải bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng cho các địa phương khoảng 136,3 km và đến nay tiếp tục bàn giao thêm 84,5 km (tổng số 220,8 km đạt 30,3% tổng chiều dài tuyến).

Dự kiến đến 30/4/2022, sẽ tiếp tục phê duyệt và bàn giao thêm khoảng 275,6 km (tổng số 496,4 km đạt 68% tổng chiều dài tuyến). Các đoạn còn lại sẽ tiếp tục bàn giao từng phần và hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/6/2022.

XỬ LÝ DỨT ĐIỂM, ĐÁP ỨNG ĐỦ VẬT LIỆU

Trước tình trạng vẫn còn thiếu vật liệu đắp nền dù không nhiều, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương báo cáo rõ vướng mắc ở đâu, biện pháp thế nào để làm sao xử lý dứt điểm vấn đề này, không để kéo dài thêm nữa.

Với đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 nằm trên địa bàn Ninh Bình còn thiếu 0,4 triệu m3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết, tỉnh đang xem xét cấp bổ sung 2 mỏ đất, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2022. Tỉnh cam kết sớm có đủ nguồn vật liệu cho dự án.

Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn Khánh Hòa) thiếu khoảng 0,8 triệu m3, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, ban đầu dự án thiếu 5 triệu m3, tỉnh nỗ lực giải quyết được 4,2 triệu m3. Hiện nhà đầu tư đang phối hợp với địa phương hoàn thiện các thủ tục cấp phép cho 2 mỏ đất, dự kiến có thể khai thác đất trong tháng 4/2022.

Đối với đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (địa bàn Ninh Thuận) thiếu khoảng 2 triệu m3, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cho biết, theo hồ sơ mời thầu, tỉnh bố trí đủ mỏ vật liệu cho dự án. Tuy nhiên, khi thi công, việc vận chuyển vật liệu qua khu dân cư, người dân có phản ánh nên phải dừng, tìm mỏ mới.

UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất bổ sung 2 mỏ Phước Hữu và Phước Vinh (với trữ lượng khoảng 2 triệu m3), dự kiến hoàn thành các thủ tục và khai thác đầu tháng 5/2022. Hoàn tất thủ tục thời điểm nào tỉnh sẽ cấp ngay giấy phép khai thác mỏ, lãnh đạo tỉnh cam kết.

Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (địa bàn Bình Thuận) thiếu khoảng 0,9 triệu m3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong cho biết, Sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh phối hợp với nhà thầu, rút ngắn thời gian cấp phép, khai thác 2 mỏ mới, dự kiến cuối tháng này thực hiện xong các thủ tục.

Về giai đoạn 2 của dự án, các địa phương cho biết, tích cực tiến hành các bước để dự án sớm khởi công trong năm nay.

12/12 tỉnh, thành phố hiện tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng; thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng giải phóng mặt bằng để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm…

Đến tháng 6/2022 Bộ Giao thông vận tải sẽ bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến cho các địa phương.

 

"Lần này yêu cầu hồ sơ dự án phải có 1 hồ sơ về mỏ vật liệu, 1 hồ sơ về giải phóng mặt bằng và 1 hồ sơ về vấn đề bãi đổ thải, rõ ràng, rành mạch chứ không chung chung", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết thêm, do rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, trong giai đoạn 2, "mỏ nào khai thác được, cự li bao nhiêu, trữ lượng bao nhiêu và kết cấu vật liệu như thế nào phải rõ ràng trong hồ sơ". 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm, Bộ này đang chủ động phối hợp với một số bộ liên quan để xây dựng Nghị định về cơ chế chỉ định thầu đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 5.

KIỂM SOÁT TIẾN ĐỘ SÁT SAO THEO NGÀY

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay, xây dựng tuyến cao tốc thì khó nhất là giải phóng mặt bằng, thứ 2 là vật liệu xây dựng, rồi đến tiến độ, năng lực nhà đầu tư, nhà thầu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, kể từ cuộc họp trước của Ban Chỉ đạo đến nay, kết quả đạt được khá tốt.

Đối với 654 km cao tốc của giai đoạn 1, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành 35,4% giá trị hợp đồng. 4 tuyến đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2022 có sản lượng trung bình đạt 53,4% giá trị hợp đồng.

 

"Vạn sự khởi đầu nan, năm nay hoàn thành được 361 km cao tốc, đó là tiền đề để chúng ta phấn đấu cho từng năm, 2022 đến 2025, từ đó có kinh nghiệm hoàn thành các tuyến tiếp theo. Hiện khí thế công trường có chuyển động mạnh mẽ, nhiều công trường thi công cả ban đêm, cần tranh thủ thời gian khi mùa mưa sắp tới. Các Ban quản lý dự án giao ban, kiểm điểm tiến độ hằng ngày", Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Đối với giai đoạn 2 của dự án với mục tiêu hoàn thành 729 km, Phó Thủ tướng cho biết hiện các địa phương vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, thành lập các ban chỉ đạo.

Trong thời gian tới khối lượng công việc còn rất nhiều, "vừa lớn, vừa khó, vừa phức tạp" bởi trong 5 năm cần hoàn thành khoảng 1.400 km cao tốc trong khi 20 năm trước mới chỉ làm được hơn 1.000 km.

"Đây là yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế đặc thù để đảm bảo hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025, do đó phải thực sự đổi mới, trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải xuống tận hiện trường làm việc với các nhà thầu, ban quản lý dự án về vật liệu đắp nền của dự án bởi ông băn khoăn khi còn 8 tháng nữa phải hoàn thành dự án mà đến nay vẫn còn thiếu mấy triệu m3 vật liệu đắp nền. Vì vậy, các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan.

Các Ban quản lý dự án tiếp tục chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện đúng cam kết về tiến độ, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày, từng tuần, từng tháng. Trong trường hợp không đạt tiến thì thay ngay nhà thầu.

Các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm việc cấp mỏ vật liệu xây dựng.

Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở, yêu cầu các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác vật liệu đất đắp nền còn thiếu của dự án.

"Cần đặc biệt chú trọng chất lượng, đưa chất lượng lên hàng đầu, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng", Phó Thủ tướng lưu ý. Bên cạnh đó cần thường xuyên kiểm tra năng lực thực sự của nhà thầu, "xem trên công trường có đầy đủ thiết bị, nhân công hay không".

Đối với giai đoạn 2 của dự án, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai khẩn trương các công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây dựng đến 31/12/2022.

Các địa phương rà soát, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trong việc khảo sát, điều tra mỏ vật liệt, bãi đổ chất thải xây dựng, thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải cũng như triển khai các thủ tục liên quan để chủ động có đầy đủ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

"Đây là việc khó, mong các địa phương chủ động vào cuộc thì mới đạt yêu cầu", Phó Thủ tướng nói.

Bộ Tài nguyên & Môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án; Bộ Giao thông vận tải thẩm tra, phê duyệt 12 dự án thành phần trước ngày 30/6/2022. Thực hiện thủ tục lựa chọn, chỉ định nhà thầu thi công thực sự có năng lực về tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. Mục tiêu phải khởi công đồng loạt 12 dự án ngay trong năm 2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ ban hành văn bản phù hợp với việc thực hiện chỉ định thầu theo nghị quyết của Quốc hội thuộc thẩm quyền của Thủ tướng...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate