Theo đánh giá của GSMA, Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc trong các dịch vụ di động và có thể sớm trở thành một quốc gia số hàng đầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhờ vào tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao, kết nối mạnh và các chính sách hỗ trợ.
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước vào top 30 quốc gia số hàng đầu thế giới vào năm 2030, với các mục tiêu như phủ sóng 5G và cáp quang trên toàn quốc, phát triển hơn 100.000 doanh nghiệp công nghệ số với lực lượng lao động 1,5 triệu người có kỹ năng về công nghệ số.
Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về việc triển khai IPv6, với hơn 55% người dùng kết nối qua giao thức mới này - một dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng của hạ tầng kỹ thuật số vững chắc.
Các công nghệ mới nổi như AI, 5G và Open Gateway đang định hình lại các ngành công nghiệp, cải thiện các dịch vụ công và thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.
Tuy nhiên, song hành với tiến trình này, làn sóng lừa đảo kỹ thuật số gia tăng đang đe dọa làm suy giảm niềm tin của công chúng và kìm hãm tiềm năng đổi mới của công nghệ di động.
Dù tốc độ phát triển vượt bậc, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ gia tăng các hình thức lừa đảo trực tuyến. Theo các báo cáo của GSMA, 89% người dùng lo sợ bị xâm nhập tài khoản ví điện tử và 95% quan ngại về việc bị lạm dụng dữ liệu cá nhân. Gian lận đánh tráo SIM cũng là mối lo của 78% người tiêu dùng Việt, cao hơn đáng kể so với mức trung bình khu vực.
Liên quan đến vấn đề này, một phiên thảo luận tại Hội nghị chuyên sâu đã tập trung phân tích khái niệm “nền kinh tế lừa đảo”, cảnh báo rằng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, vấn nạn này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận các dịch vụ số, từ đó gây tổn hại đến nền tảng của hệ sinh thái số.
Các diễn giả đồng thuận rằng cần có sự phối hợp giữa các bên để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm giám sát chặt chẽ hành vi gian lận và triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của GSMA, nhận định: "Việt Nam đang đứng trước thời khắc quyết định trong hành trình số hóa. Một mặt, tỷ lệ sử dụng di động cao và thị trường ví điện tử phát triển mạnh mẽ đang mở ra những cơ hội to lớn cho tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện. Mặt khác, lừa đảo gia tăng và đe dọa liên quan đến danh tính đang làm lung lay niềm tin của người dùng”.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác công-tư trong việc mở rộng vùng phủ sóng di động, nâng cao kỹ năng số và xây dựng môi trường pháp lý hỗ trợ cả sự đổi mới sáng tạo lẫn an toàn số.
Ngoài ra, cần có những biện pháp thực tiễn để chống gian lận kỹ thuật số, bao gồm xác minh giao dịch theo thời gian thực, xác thực đa yếu tố, giải pháp Silent OTP và tăng cường hợp tác giữa các nhà mạng, ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính...
Được tổ chức lần đầu tại Jakarta vào tháng 12/2023, Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số GSMA đã nhanh chóng khẳng định vai trò là diễn đàn cấp quốc gia quan trọng, kết nối chính phủ và doanh nghiệp viễn thông nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số toàn diện, bền vững.
Hội nghị được tổ chức bởi Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA) – tổ chức đại diện cho hơn 750 nhà mạng và 400 công ty công nghệ, GSMA là một tổ chức toàn cầu thống nhất hệ sinh thái di động.