Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo thường niên 2020. Trong đó, báo cáo đã khẳng định những kết quả hoạt động và tài chính của ngân hàng trong năm 2020 khi hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển đi qua một năm đầy những thách thức khó lường.
Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, chia sẻ: “Hỗ trợ của ADB đang giúp củng cố các hệ thống chăm sóc y tế, bảo vệ các nhóm dễ tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, và tạo ra cơ sở cho việc phục hồi. Thời gian tới, khi chúng tôi hỗ trợ khu vực này trong công cuộc phục hồi từ đại dịch, chúng tôi sẽ bảo đảm rằng các quốc gia thành viên đang phát triển tái thiết theo cách thức thông minh và bền vững”.
Được biết, năm 2020, ngân hàng đã cam kết khoản vốn trị giá 31,6 tỷ USD, cao hơn 32% so với mức 24 tỷ USD của năm 2019. Con số này bao gồm vốn vay và bảo lãnh, viện trợ không hoàn lại, đầu tư cổ phần và hỗ trợ kỹ thuật, cả cho các chính phủ và khu vực tư nhân.
Về mục đích, chỉ hơn một nửa trong tổng số vốn cam kết năm 2020 của ADB, tương đương 16,1 tỷ USD, được dành cho ứng phó đại dịch; phần còn lại là giúp các quốc gia thành viên đang phát triển giải quyết chương trình nghị sự phát triển dài hạn, ví dụ như thúc đẩy bình đẳng giới, ứng phó biến đổi khí hậu, và đầu tư cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Riêng khoản ứng phó đại dịch trị giá 16,1 tỷ USD của ADB trong năm 2020, thông qua gói hỗ trợ 20 tỷ USD được công bố tháng 4 năm 2020, đã được cung cấp theo nhiều hình thức, nổi bật nhất là thông qua giải pháp Ứng phó đại dịch Covid-19 mới, theo đó cung cấp hỗ trợ tài chính giải ngân nhanh cho 26 quốc gia tính tới cuối năm 2020.
Trong số 16,1 tỷ USD, có 2,9 tỷ USD là dành cho khu vực tư nhân, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho các công ty cũng như thông qua tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng để duy trì hoạt động của các mạng lưới thương mại.
Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.
Trong tháng 12 năm 2020, ADB cũng công bố quỹ hỗ trợ 9 tỷ USD để hỗ trợ tiếp cận vắc-xin Covid-19 an toàn và hiệu quả, cũng như cung cấp vắc-xin một cách công bằng và hiệu quả.
Trong khi cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và phù hợp cho các quốc gia thành viên đang phát triển để giúp đáp ứng các nhu cầu đặc biệt do đại dịch, ADB cũng duy trì trọng tâm vào các mục tiêu trong chiến lược dài hạn của ngân hàng. Ví dụ, ADB vẫn đang đi đúng tiến độ để đạt được mục tiêu tới năm 2030 là thúc đẩy bình đẳng giới trong ít nhất 75% các hoạt động của ngân hàng tính theo số hoạt động.
Để cấp vốn cho các cam kết kỷ lục này, ADB đã triển khai chương trình vay lớn nhất trong lịch sử—thu hút 35,8 tỷ USD, bao gồm thông qua trái phiếu bằng đồng nội tệ và các trái phiếu xanh, trái phiếu giới, trái phiếu y tế và trái phiếu nước.
Bên cạnh đó, ADB cũng huy động số vốn đồng tài trợ kỷ lục là 16,4 tỷ USD, bao gồm 10,8 tỷ USD cho ứng phó Covid-19, từ các tổ chức quốc tế tương đương và các thể chế tài trợ tư nhân.
Ngoài các dữ liệu tài chính và hoạt động, báo cáo của cũng trình bày bối cảnh về tổ chức đã giúp ADB hỗ trợ hiệu quả cho các quốc gia thành viên đang phát triển trong năm 2020 và thích nghi với môi trường làm việc mới.