Kể từ đầu tháng 4, VN–Index có chuỗi giảm điểm 6 tuần liên tiếp, kéo chỉ số thủng mốc hỗ trợ cứng 1.200 điểm tương ứng giảm hơn 26%. Bên cạnh những cổ phiếu đầu cơ giảm mạnh sau giai đoạn tăng nóng, rất nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cũng đang sụt giảm theo đà giảm chung của thị trường.
Thị trường giảm sâu khiến mặt bằng giá các cổ phiếu đã về mức hấp dẫn với P/E của VN-Index hiện khoảng 12,6 lần thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (18,1 lần), Malaysia (15,9 lần), và so với trung bình P/E trong 5 năm gần đây 16,8 lần.
Tuy nhiên, triển vọng về mặt dài hạn của thị trường vẫn tích cực nhờ kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá rất sáng nhờ quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, tăng trưởng từ xuất khẩu cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, đầu tư công của Chính phủ; Mặt bằng lãi suất và lạm phát vẫn đang ở mức thấp và dự báo duy trì ổn định trong cả năm 2022, tạo môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán tăng điểm.
Một trong những chiến lược phù hợp hiện tại là mua những cổ phiếu tốt trả cổ tức hàng năm cao hơn mức lãi suất ngân hàng, đồng thời có câu chuyện tăng trưởng để hưởng lợi từ tăng giá trong tương lai. Nhà đầu tư có thể lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn, có tình hình tài chính lành mạnh. Ngoài ra ngành nghề doanh nghiệp có tính ổn định cao, ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế cũng nên được ưu tiên lựa chọn.
Dữ liệu thống kê mới nhất của Agriseco cho thấy, có khoảng 5 cổ phiếu đáp ứng tiêu chí trên.
Thứ nhất là CAT của Thuỷ sản Cà Mau. CAT được thành lập năm 1976, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản. Thị trường xuất khẩu chính: Bắc Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 34 tỷ (+13% YoY); tỷ lệ chi trả cổ tức 20% tương ứng với tỷ suất cổ tức 9%. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch đầu tư 28,6 tỷ cho xây dựng nhà bao che, lắp đặt kho lạnh 1.200 tấn và nâng cấp xí nghiệp Đầm Dơi.
Thứ hai là Thuỷ điện Gia Lai - GHC. GHC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện. Công ty đang vận hành 2 nhà máy thủy điện và 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất lần lượt là 28,2 MW và 56,1 MW.
Tỷ suất cổ tức bình quân giai đoạn 2014-2020 của doanh nghiệp đạt 10%/năm. Năm 2021 công ty chỉ trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 32% tương ứng tỷ suất cổ tức 12% (trong đó GHC đã thực hiện chi trả 25% trong năm 2021 và dự kiến thông qua chi trả 7% trong năm nay). Năm 2022, công ty đặt kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ 25% tương ứng tỷ suất cổ tức 9%.
Thứ ba là SKV của Yến sào Khánh Hoà. SKV được thành lập năm 2002, hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác, chế biến nguồn tài nguyên Yến sào thiên nhiên với hơn 1.000 nhà phân phối trên toàn quốc. SKV duy trì tỷ suất cổ tức trên 8% đều đặn hàng năm. Năm 2022, doanh nghiệp cũng có kế hoạch trả cố tức với tỷ lệ 22,7% tương ứng với tỷ suất cổ tức 8%.
Tiếp theo là SMB của Bia Sài Gòn Miền Trung chuyên sản xuất và kinh doanh bia – rượu – nước giải khát tại khu vực Tây nguyên – Duyên hải Nam Trung bộ. Doanh nghiệp có cơ cấu nguồn vốn an toàn với tỷ lệ vay nợ tài chính thấp, trong khi đó cổ tức hàng năm đang được duy trì khá cao, ổn định với tỷ suất trên 7%, giúp cho cổ phiếu SMB trở thành một cơ hội đầu tư hưởng cổ tức trong giai đoạn hiện tại. Về kế hoạch cổ tức năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu chi trả với tỷ lệ 35% tương ứng với tỷ suất cổ tức 9%.
Cuối cùng là VNL của Logistics Vinalink. Ngành nghề duy trì tăng trưởng ổn định: Mảng dịch vụ logistics của VNL tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong 2022 nhờ (1) sự phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch; (2) sự phát triển của kênh thương mại điện tử; (3) Cước dịch vụ vận tải toàn cầu ở mức cao.
VNL có mức định giá hấp dẫn với P/E ~ 5 lần, và P/B ~ 1 lần, là mức khá thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành và so với chính định giá trong quá khứ của VNL. VNL có cơ cấu tài chính lành mạnh, hoàn toàn không vay nợ, trả cổ tức cao và đều đặn hằng năm, suất cổ tức trong nhiều năm liền cao trên lãi suất gửi tiết kiệm, tương ứng khoảng 7-8%/năm.