Ba năm trước, Google lên kế hoạch đầy tham vọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Công ty hướng tới đạt "mức phát thải ròng bằng 0" vào năm 2030.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của công ty cho thấy họ đang chệch hướng hoàn toàn so với mục tiêu. Thay vì giảm, năm 2023 lượng khí thải carbon của Google tăng 13% so với năm trước. Xét từ năm cơ sở 2019, lượng khí thải đã tăng 48%.
Google cho rằng trí tuệ nhân tạo và nhu cầu của các trung tâm dữ liệu, đòi hỏi mức tiêu thụ điện khổng lồ, là nguyên nhân hàng đầu khiến lượng khí thải ngày một tăng.
Sản xuất điện bằng cách đốt than hoặc khí tự nhiên sẽ phát thải một số loại khí gây hiệu ứng nhà kính, bao gồm carbon dioxide và methane, làm ấm hành tinh và khiến thời tiết khắc nghiệt hơn.
Mặc dù Google là một trong những công ty công nghệ đưa ra cam kết khí hậu và được coi là tiên phong thực hiện, nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu.
Chuyên gia Lisa Sachs, Giám đốc Trung tâm Đầu tư Bền vững Columbia, cho rằng Google nên hợp tác nhiều hơn với các công ty năng lượng sạch và đầu tư vào lưới điện.
Bà Sachs nhấn mạnh: "Thực tế là chúng ta đang tụt hậu rất xa so với những gì chúng ta có thể ứng dụng công nghệ và tài nguyên sẵn có để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh".
Giám đốc Phát triển Bền vững của Google, Kate Brandt, thừa nhận: "Đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030 là cực kỳ tham vọng. Chúng tôi biết điều này không dễ dàng và cách tiếp cận của chúng tôi cần phải liên tục thay đổi".
Giám đốc Brandt nói thêm: "Điều này đòi hỏi chúng tôi phải hành động linh hoạt và tích cực hơn trước những thách thức, bao gồm cả bất ổn xung quanh tác động môi trường của AI trong tương lai."
AI LÀ MỘT PHẦN NGUYÊN NHÂN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Một số chuyên gia cho rằng các trung tâm dữ liệu, đang mở rộng nhanh chóng cung cấp năng lượng cho AI, đe dọa toàn bộ quá trình chuyển đổi sang điện sạch - phần quan trọng trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.
Một trung tâm dữ liệu mới ra đời có thể trì hoãn việc đóng cửa nhà máy điện đốt nhiên liệu hóa thạch hoặc thúc đẩy xây dựng nhà máy mới.
Trung tâm dữ liệu không chỉ tiêu tốn nhiều năng lượng mà còn cần đường dây truyền tải điện cao thế và lượng nước lớn để làm mát. Hệ thống này cũng gây khá nhiều tiếng ồn.
Do vậy, trung tâm dữ liệu thường được xây dựng ở những nơi có giá điện rẻ, chứ không ưu tiên hoạt động ở những nơi có năng lượng tái tạo như gió và mặt trời. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu và AI toàn cầu có thể tăng gấp đôi vào năm 2026.
Kế hoạch phát triển bền vững của một số công ty công nghệ lớn khác cũng gặp nhiều thách thức bởi sự gia tăng của trung tâm dữ liệu. Microsoft cho biết trong báo cáo về tính bền vững môi trường hồi tháng 5, lượng khí thải của hãng tăng 29% so với mức cơ sở năm 2020.
AI CÓ THỂ GIÚP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU HAY KHÔNG?
Các công ty công nghệ cho rằng AI, bao gồm cả những công cụ mô hình ngôn ngữ lớn, không chỉ là một phần nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu mà còn có thể giúp giải quyết vấn đề này.
Đối với Google, quan điểm có nghĩa là sử dụng dữ liệu để dự đoán lũ lụt trong tương lai hoặc điều tiết giao thông hiệu quả để tiết kiệm xăng dầu.
Nhà khoa học cấp cao Amanda Smith tại tổ chức phi lợi nhuận về khí hậu Project Drawdown, cho biết những người sử dụng AI, cả công ty lớn và cá nhân hầu hết chỉ đang dùng để tạo meme (hình ảnh, video hoặc âm thanh chế có tính giải trí hài hước). Thay vào đó, người dùng cần sử dụng công nghệ một cách trách nhiệm, nghĩa là chỉ sử dụng năng lượng khi nó mang lại lợi ích cho xã hội.
“Chúng ta phải theo dõi chúng ta đang làm gì với AI và đặt câu hỏi tại sao lại làm điều đó”, nhà khoa học nói thêm. “Khi mục đích sử dụng chính đáng, chúng ta có thể đảm bảo rằng nhu cầu năng lượng đó sẽ được cung cấp bởi nguồn năng lượng sạch”.
CAM KẾT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Lượng khí thải của Google tăng mạnh, một phần do công ty sử dụng nhiều năng lượng hơn. Lượng điện năm 2023 mà hãng tiêu thụ tăng 25.910 gigawatt so với cùng kỳ năm trước và hơn nửa lượng năng lượng bốn năm trước. Một gigawatt tương đương với lượng điện năng một nhà máy điện phục vụ cho vài trăm nghìn hộ gia đình sản xuất trong một giờ.
Xét mặt tích cực, khi mức tiêu thụ của Google tăng, việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng tăng lên.
Năm 2020 Google tuyên bố năm 2030 họ sẽ đáp ứng nhu cầu điện khổng lồ của mình bằng cách sử dụng năng lượng sạch mỗi ngày. Năm ngoái, Google thông báo đạt được 64% năng lượng không phát thải carbon từ các trung tâm dữ liệu và văn phòng trên toàn cầu. Công ty khẳng định trung tâm dữ liệu của hãng, trung bình tiết kiệm năng lượng gấp 1,8 lần so với một số trung tâm khác trong ngành.
Người đứng đầu Trung tâm Đầu tư Bền vững Columbia, ghi nhận tham vọng và sự trung thực của Google, đồng thời mong muốn: "Google sớm tham gia cùng chúng tôi để thảo luận nghiêm túc cách triển khai năng lượng sạch trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu trước khi quá muộn".