Như VnEconomy đã đưa, ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH-15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; trên cơ sở đó, ban hành Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện.
Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Theo dự thảo, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành nghề: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin.
Hoặc có mục đích sử dụng vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dư án do Bộ Xây dựng công bố.
Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ 11/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Các khoản vay của khách hàng sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến hết ngày 31/12/2023 hoặc tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng.
Để được hỗ trợ lãi suất, khách hàng phải có đơn đề nghị và được ngân hàng cho vay chấp thuận tại thời điểm giải ngân hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay. Định kỳ trả lãi, khách hàng vay sẽ được ngân hàng giảm trừ trực tiếp số tiền lãi vay phải trả bằng với số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất.
Dự thảo cũng quy định khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay của khách hàng có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả, khách hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
Ngoài ra, khoản vay của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không được giữ nguyên nhóm nợ không được hỗ trợ lãi suất kể từ ngày cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Khách hàng chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất khi trả đầy đủ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại trong thời gian tối thiểu 03 tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, 01 tháng đối với nợ ngắn hạn, kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn được cơ cấu lại.
Thêm vào đó, dự thảo Nghị định cũng đề ra nguyên tắc cụ thể để ngăn ngừa việc trục lợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, nếu khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo kết luận của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thì khách hàng có trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã được hỗ trợ lãi suất để hoàn trả ngân sách nhà nước.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc sớm lấy ý kiến đóng góp vừa giúp Nghị định, Thông tư sớm ban hành mà còn đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề, hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, nhất là đúng đối tượng thụ hưởng đảm bảo sự công bằng.
“Hiện tại, dự thảo Nghị định dựa trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, theo nguyên tắc quy định hoạt động tín dụng và từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ năm 2009”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Nhìn chung, cho tới thời điểm hiện tại, giới chuyên môn đánh giá dự thảo của Ngân hàng Nhà nước minh bạch, rõ ràng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng, nhanh chóng phục hồi sản xuất – kinh doanh, góp phần ổn định phát triển kinh tế trong thời điểm khó khăn.