July 06, 2023 | 14:00 GMT+7

AI tác động mạnh đến xu hướng thị trường lao động toàn cầu

Nhật Dương -

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo AI có có thể thay thế 85 triệu vị trí việc làm vào năm 2025, cho thấy khả năng tác động mạnh mẽ lên xu hướng thị trường lao động của AI...

Xu hướng tăng cường an ninh mạng sẽ thúc đẩy việc tuyển dụng nhân sự có kỹ năng và hiểu biết về an ninh mạng. Ảnh - MPG.
Xu hướng tăng cường an ninh mạng sẽ thúc đẩy việc tuyển dụng nhân sự có kỹ năng và hiểu biết về an ninh mạng. Ảnh - MPG.

Chia sẻ về các xu hướng công nghệ then chốt ảnh hưởng đến ngành công nghệ thông tin, ông Đào Trung Thành, chuyên gia tư vấn chiến lược Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số đánh giá, sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo - AI đã hoàn toàn thay đổi quy trình làm việc trước đây.

Theo báo cáo của McKinsey, tỷ lệ phần trăm thời gian của nhân viên có thể được tự động hóa bằng AI và các công nghệ khác được dự báo tăng lên 60-70%, so với tỉ lệ 50% trước đây.

Đặc biệt, vào năm 2022, hơn 50% tổ chức được khảo sát đã áp dụng AI trong ít nhất một đơn vị kinh doanh hay một bộ phận chức năng, cho thấy tiềm năng phát triển và ứng dụng to lớn của AI trong việc mở rộng quy mô hoạt động và năng lực sản suất.

Theo phân tích của Gartner, các dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu trong thị trường IoT có khả năng đạt 58 tỷ USD vào năm 2025, từ đó thúc đẩy nhu cầu ngày một gia tăng về nhân sự công nghệ thông tin. 

Một trong số các xu hướng công nghệ đáng chú ý được chia sẻ trong báo cáo “IT Vertical Industry" của ManpowerGroup cho thấy ứng dụng “Vũ trụ ảo - Metaverse” không còn là viễn cảnh xa xôi. Công nghệ thực tế ảo có thể tiếp cận 700 triệu người dùng và phát triển thành thị trường trị giá 1,91 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

An ninh mạng (cyber security) là một xu hướng đóng vai trò sống còn đối với tổ chức ngày nay. Bởi các biện pháp bảo mật nếu không được thực thi chặt chẽ có thể tạo ra các lỗ hổng an ninh mạng khiến doanh nghiệp thất thoát thông tin quan trọng, gây tổn thất khôn lường.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Trung Thành cho biết, an ninh mạng vốn là mối họa tiềm tàng và hết sức tinh vi, đặc biệt khi các doanh nghiệp đang đối đầu với nhiều khó khăn hiện hữu trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

"Các doanh nghiệp và tổ chức cần hết sức lưu ý vấn đề an ninh mạng, đặc biệt là khi họ triển khai các hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay", ông Đào Trung Thành nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng Tuyển dụng Nhân sự cấp cao và Tư vấn Nhân sự của Manpower Việt Nam, cũng cho rằng công nghệ không ngừng thay đổi đồng nghĩa với yêu cầu liên tục cập nhật kỹ năng số cho người lao động.

Doanh nghiệp cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng, xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn sao cho người lao động có thể đảm nhiệm tốt những công việc hiện tại và tương lai.

Bà cho biết sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh và robot vào sản xuất kinh doanh hiện đang đặt ra thách thức đối với thị trường lao động còn nhiều hạn chế về kỹ năng như Việt Nam.

Hiện tỷ lệ lao động Việt Nam nói chung có trình độ cao chỉ chiếm 11% tổng lực lượng lao động, năng suất lao động thấp và khả năng ngoại ngữ còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia...  

Dưới sự tăng tốc của chuyển đổi số, nhiều công việc truyền thống sẽ dần biến mất hoặc bị thay thế, trong khi nhiều vị trí mới sẽ ra đời.

Theo báo cáo The New Human Age của ManpowerGroup, hơn 80% doanh nghiệp đã tăng cường tập trung vào chuyển đổi số hậu Covid-19, khiến công nghệ số được đánh giá thuộc top ngành giàu tiềm năng phát triển nhất.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng dự báo AI có có thể thay thế 85 triệu vị trí việc làm vào năm 2025, cho thấy khả năng tác động mạnh mẽ lên xu hướng thị trường lao động của AI. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin cần phát triển lên tầm cao mới để có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, về cả số lượng và chất lượng. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate