Thời gian vừa qua, rất nhiều ông lớn ngành công nghệ đã đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, trong đó phải kể đến Nvidia - công ty hàng đầu về lĩnh vực chip AI đã đầu tư trung tâm nghiên cứu AI vào Việt Nam. Theo giới quan sát, với sự đầu tư này, kết hợp với nguồn nhân sự lớn về công nghệ thì chỉ trong 1-2 năm tới, sẽ có hàng trăm ứng dụng AI được tạo ra.
Vậy doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị điều gì để đón sóng AI này? Đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử ( E Commerce) đang là nhóm doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong kỉ nguyên số?
Tại Tọa đàm “AI & E-commerce xu hướng tất yếu cho doanh nghiệp SME” diễn ra mới đây, ông Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII cho biết, toàn cầu có 5.140 tỉ USD doanh thu trong lĩnh vực E-Commerce, ở Việt Nam là 20.5 tỉ USD ( dữ liệu 2023) và có tới 78 triệu người dùng trực tuyến tại Việt Nam ( chiếm 78% doanh số). Năm 2023 tăng trưởng 25% so với năm trước đó.
"Đây là một thị trường lớn và phát triển mạnh mẽ. Đồng thời xu hướng AI cũng đang phát triển bùng nổ trong những năm gần đây, và đặc biệt là ở Việt Nam", ông Thành nhấn mạnh.
TỐI ƯU HÓA HOẠT ĐỘNG DOANH NGHIỆP VỚI SỨC MẠNH CỦA AI
Theo Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, với AI, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể biến những chiếc chatbot thông minh thành nhân viên chăm sóc khách hàng 24/7, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Đồng thời, AI còn giúp doanh nghiệp quản lý kho hàng, dự đoán chính xác nhu cầu của khách hàng để luôn đảm bảo hàng hóa sẵn sàng và tối ưu hóa chi phí vận chuyển. "Nhờ đó, trải nghiệm mua sắm của khách hàng sẽ trở nên cá nhân hóa hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu riêng biệt của từng người", ông Thành phân tích.
Chia sẻ kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp trong thực tế, ông Đoàn Việt Dũng CEO của Hesman, doanh nghiệp sở hữu chuỗi 34 cửa hàng ShopDunk và 32 cửa hàng Samcenter, cùng các gian hàng trên Tiktokshop, Shopee, Lazada) cho biết, công ty hiện tại vận hành số lượng đơn hàng rất lớn, nhiều chi nhánh, nhiều gian hàng online, do vậy nhu cầu rất cao trong việc chuyển đổi số và ứng dụng AI.
Ví dụ trong công tác mua hàng, hiện Hesman có hàng ngàn SKU ( mã hàng) nên mỗi ngày đều cần đưa ra các quyết định nhập mặt hàng gì, nhập số lượng bao nhiêu để tối ưu được các chỉ số tồn kho tối thiếu, tồn kho tối đa, vốn nhập tồn thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo tối ưu được các chương trình khuyến mại từ nhà cung cấp.
“Do vậy nếu những vấn đề này có sự hỗ trợ của AI thì sẽ rất hiệu quả và tiết kiệm thời gian. AI có thể đưa ra các phương án nhập hàng hiệu quả nhất, so sánh các phương án để nhà quản trị có được quyết định tốt nhất”, ông Dũng cho biết.
NHỮNG THÁCH THỨC LỚN MÀ DOANH NGHIỆP GẶP PHẢI KHI ỨNG DỤNG AI
Tuy nhiên, việc doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai thương mại điện tử (E-commerce) trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) đi kèm với không ít thách thức.
Theo phân tích của ông Thành, đầu tiên, việc lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp gặp nhiều khó khăn. Các giải pháp trong nước thường tập trung vào các tính năng cụ thể, trong khi các giải pháp tổng thể từ nước ngoài lại thường đắt đỏ và có nhiều tính năng thừa so với nhu cầu thực tế của SME.
Thêm vào đó, việc tìm kiếm một giải pháp tổng thể, dễ sử dụng và có giá cả hợp lý là điều không hề dễ dàng đối với các doanh nghiệp này.
Một vấn đề khác là hiệu quả của các báo cáo phân tích. Thông tin báo cáo thiếu chính xác hoặc không đầy đủ gây trở ngại lớn cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Cuối cùng, khả năng tích hợp các giải pháp công nghệ cũng là một rào cản đáng kể. “Nhiều giải pháp công nghệ hiện tại khó có thể kết nối và làm việc đồng bộ với các giải pháp AI, đặc biệt khi dự báo trong vài năm tới sẽ xuất hiện vô số giải pháp AI mới dành cho doanh nghiệp”, ông Thành nhận định.
CẦN HỆ THỐNG PHẦN MỀM KHUNG, NỀN TẢNG ĐỂ ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ
Theo ông Thành, để vận hành hiệu quả trong kỷ nguyên số, doanh nghiệp cần chuẩn bị một phần mềm khung, phần mềm nền tảng. Nghĩa là doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện trên một hệ thống, sau đó khi có công nghệ AI nào mới thì chỉ việc lấy trên hệ thống khung đó.
"Nếu doanh nghiệp không có những phần mềm nền tảng như vậy thì việc triển khai nhiều ứng dụng AI sẽ bị phân tán, thiếu liên kết", ông Thành nhấn mạnh.
Là lãnh đạo đơn vị phát triển phần mềm quản trị tổng thể Sandbox, ông Đỗ Thắng CEO của SandboxVN ví von nền tảng này như một “cổng chờ” để tích hợp các công cụ AI bởi đã có sẵn dữ liệu tổng thể của doanh nghiệp ở rất nhiều luồng, từ marketing, sales, thu ngân, tồn kho, trải nghiệm khách hàng, quản lý công việc, đến cả kế toán, tài chính…
Ông Đỗ Thắng nêu ví dụ, nếu một doanh nghiệp E-commerce đang có 100 nhân viên sales online, mỗi ngày xử lý khoảng 3.000 cuộc gọi, vậy làm sao để biết được trong 3.000 cuộc gọi đó? Và trong số này, cuộc gọi nào không đáp ứng tốt theo kịch bản tư vấn đã được đào tạo, hoặc thông qua cuộc gọi có thể đánh giá những cuộc gọi khách hàng hài lòng hoặc không hài lòng?
“Để giải quyết bài toán này, sẽ cần có một ứng dụng AI được đào tạo kịch bản tư vấn chuẩn, sau đó ứng dụng sẽ nghe ghi âm toàn bộ cuộc gọi và đánh giá những cuộc gọi chưa đạt để tạo ra danh sách cho người quản lý có thể kiểm tra lại. Đồng thời ứng dụng AI cũng tạo ra báo cáo về phản hồi của khách hàng về sản phẩm thông qua cuộc hội thoại giữa khách hàng với nhân viên bán hàng”, ông Thắng phân tích.
Tuy vậy, để giải triển khai được ứng dụng như vậy, thì doanh nghiệp cần có một phần mềm nền tảng như SandboxVN. “Trên SandboxVN có sẵn hệ thống tổng đài, ghi âm, và ứng dụng AI chỉ việc cắm vào hệ thống là được”, ông Thắng cho biết.
Một ví dụ khác là trợ lý AI, đây cũng là một ứng dụng SandboxVN cũng đang trong quá trình triển khai. “Hãy tưởng tượng, mỗi ngày thức dậy, CEO sẽ nói một câu vào điện thoại: Hey, Sandbox. Ngay lập tức, điện thoại sẽ phát ra tiếng nói của trợ lý AI: “Chào anh Thắng, em xin báo cáo kết quả kinh doanh của công ty ngày hôm qua, doanh số công ty đạt 100 triệu VND, tỉ lệ chốt đơn là 33%, kết quả này tốt hơn ngày hôm kia và tốt hơn cùng kỳ tháng trước…”, ông Thắng minh hoạ.
Trợ lý AI sẽ tích hợp Chat GPT để không chỉ đọc báo cáo kinh doanh mà còn có thể phân tích kinh doanh dựa trên các dữ liệu mà hệ thống cung cấp, để từ đó có những gợi ý phù hợp cho CEO trong quá trình vận hành.
Các chuyên gia tham gia toạ đàm “AI & E-commerce xu hướng tất yếu cho doanh nghiệp SME” cũng đều đồng tình rằng, AI sẽ không còn là lựa chọn có hay không cho doanh nghiệp mà sẽ trở thành xu hướng tất yếu.
Trong vòng 1-2 năm tới, AI dự kiến sẽ được tích hợp sâu rộng vào các phần mềm quản lý.
Vì vậy, các CEO của doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động nắm bắt cơ hội này và trực tiếp điều hành quá trình chuyển đổi số để không bị thất bại.
Với các doanh nghiệp ở thời điểm phải chuyển đổi hệ thống, cần đảm bảo vận hành song song cả hệ thống cũ và mới trong một thời gian để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.
"Quá trình chuyển đổi có thể là rất “đau đớn” và “mệt hơn cả làm mới”. Do đó, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự và nguồn lực để vượt qua giai đoạn chuyển đổi đầy thách thức này", ông Thành nhấn mạnh.