Cuối tuần trước, gã khổng lồ thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba vừa công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng trong quý 3/2024, nhưng doanh số bán hàng vẫn ảm đạm do bối cảnh kinh tế trì trệ tại Trung Quốc, vốn được biết tới là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ảnh hưởng đến chi tiêu người tiêu dùng.
Theo CNBC, Alibaba cho biết thu nhập ròng quý 3 tăng 58% so với cùng kỳ năm trước lên 43,9 tỷ NDT (6,07 tỷ USD), nhờ vào hiệu suất đầu tư vốn chủ sở hữu. Trước đó, LSEG dự báo con số này chỉ ở mức 25,83 tỷ NDT (3,56 tỷ USD).
Công ty nhận định về mức tăng lợi nhuận trong báo cáo thu nhập: “Mức tăng lợi nhuận hàng năm chủ yếu do những thay đổi theo giá thị trường từ các khoản đầu tư vốn chủ sở hữu của công ty, tránh tình trạng suy giảm giá trị các khoản đầu tư, từ đó tăng thu nhập hoạt động kinh doanh”.
THỊ TRƯỜNG CÓ DẤU HIỆU KHỞI SẮC NHƯNG VẪN CÒN ẢM ĐẠM
Trong khi đó, doanh thu Alibaba ghi nhận đạt 236,5 tỷ NDT (32,66 tỷ USD), cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn dự báo của các nhà phân tích từ LSEG là 238,9 tỷ NDT (33,3 tỷ USD).
Cổ phiếu niêm yết tại New York của Alibaba tăng hơn 13% trong năm nay, tuy nhiên đã giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 15/11, sau khi hãng công bố thu nhập quý.
Nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ hiệu quả hoạt động của một số đơn vị kinh doanh cốt lõi bao gồm Taobao và Tmall Group, chỉ báo cáo doanh thu tăng 1% lên mức 98,99 tỷ NDT (13,67 tỷ USD) trong quý 3.
Kết quả phản ánh thời điểm khó khăn đối với đa số doanh nghiệp thương mại Trung Quốc, do bối cảnh thị trường bán lẻ ảm đạm tại nước này. Theo Reuters, đối thủ nội địa lớn nhất của Alibaba, JD.com, cũng không đạt kỳ vọng về doanh thu.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đang cân nhắc xem liệu loạt biện pháp kích thích gần đây từ chính quyền Bắc Kinh, chẳng hạn như gói hỗ trợ 1,4 nghìn tỷ NDT (193 tỷ USD) trong 5 năm được công bố vào tuần trước, có thể giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản hay không.
NỖ LỰC PHỤC HỒI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NGÀNH BÁN LẺ
Đối với lĩnh vực bán lẻ, một số chính sách dường như đã phát huy tác dụng, doanh số toàn ngành tăng cao hơn dự kiến 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịp lễ hội mua sắm Ngày độc thân mới đây - luôn được coi là thước đo tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc - đã lấy lại phần nào sức hút.
Alibaba tiết lộ “sự tăng trưởng mạnh mẽ” về khối lượng hàng hóa gộp đối với Taobao và Tmall Group trong mùa lễ hội, cùng với “số lượng người mua kỷ lục”.
Các nhà phân tích thuộc ING chia sẻ vào tuần trước: “Triển vọng của Alibaba vẫn phù hợp với quỹ đạo của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt khi nhiều chính sách quản lý đang có sự thay đổi”, đồng thời nhấn mạnh báo cáo của công ty vào ngày 15/11 đã làm sáng tỏ động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp TMĐT hoạt động tại thị trường nước ngoài của Alibaba, bao gồm Lazada và Aliexpress, công bố mức tăng trưởng doanh số 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 31,67 tỷ NDT (4,37 tỷ USD).
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH ĐÁM MÂY TĂNG TỐC
Cloud Intelligence của Alibaba báo cáo mức tăng trưởng doanh số theo năm đạt 7% lên 29,6 tỷ NDT (4,09 tỷ USD) trong quý 3, cao hơn mức tăng 6% vào quý 2. Tăng trưởng nhẹ diễn ra chủ yếu đến từ nỗ lực tận dụng cơ sở hạ tầng đám mây và chiến lược định vị trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bùng nổ của hãng.
“Mảng kinh doanh đám mây ghi nhận tăng tốc so với các quý trước, với doanh thu từ sản phẩm đám mây công cộng tăng trưởng ở mức hai chữ số và doanh thu từ sản phẩm liên quan đến AI tăng trưởng ba chữ số. Chúng tôi tự tin hơn bao giờ hết vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình và sẽ tiếp tục đầu tư nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn”, Giám đốc Điều hành Alibaba Eddie Wu cho biết trong một tuyên bố.
Chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt thắt chặt kiểm soát toàn diện đối với các công ty công nghệ và internet lớn từ chính quyền Trung Quốc vào năm 2022, năm ngoái, Alibaba đã tiến hành cải tổ bộ máy lãnh đạo và định hình lại động lực tăng trưởng nhằm tăng cường cạnh tranh với các đối thủ lớn bao gồm Baidu và Huawei trong nước, cũng như Microsoft và OpenAI tại Hoa Kỳ.
Công ty đã tung ra sản phẩm Tongyi Qianwen theo phong cách ChatGPT vào năm ngoái, hay giới thiệu công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI dành cho doanh nghiệp nhỏ ở thị trường châu Âu và châu Mỹ vào tuần trước. Hãng cũng đạt được thỏa thuận quan hệ đối tác quan trọng có thời hạn 5 năm nhằm cung cấp dịch vụ đám mây cho gã khổng lồ công nghệ GoTo của Indonesia vào tháng 9 vừa qua.
Phát biểu tại Hội nghị Apsara, CEO Wu khẳng định đơn vị đám mây của công ty đang đầu tư “với cường độ chưa từng có vào nghiên cứu và phát triển công nghệ AI cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu”, đồng thời lưu ý tương lai của AI “chỉ mới bắt đầu”.