Liên quan tới vụ Địa ốc Alibaba bán dự án "ma" lừa đảo tới 2.500 tỷ đồng, tại họp báo thường kỳ Chính phủ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Quang Hùng, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra trực tiếp các dự án được nêu rõ tại Điều 178 của Luật Kinh doanh bất động sản.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra giám sát các dự án trên địa bàn và có trách nhiệm xử lý khi vi phạm.
Trước tình hình một số dự án trên cả nước có hiện tượng vi phạm, Thứ trưởng cho hay, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11 ngày 23/4/2019 về việc tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và đảm bảo bền vững, công khai minh bạch,
Ngay tháng 7/2019 vừa qua, Bộ Xây dựng cũng có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện chỉ thị này.
"Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố kiểm tra tập trung vào nội dung: Hoàn thiện thể chế chính sách, đề nghị những người đầu tư mua bất động sản có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thông tin pháp lý của bất động sản, cơ quan pháp luật sẽ xử lý nghiêm những vi phạm", ông Hùng nói thêm.
Cũng trả lời về trách nhiệm của cơ quan quản lý, trước đó, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, trách nhiệm thuộc nhiều cấp quản lý khác nhau, trong đó trách nhiệm chính thuộc về địa phương.
Cụ thể, Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh doanh bất động sản, phối hợp với UBND các tỉnh kiểm tra, rà soát dự án. Nhiệm vụ chính thuộc về UBND cấp tỉnh, phải thanh tra, kiểm tra dự án, xử lý vi phạm, thu hồi, đình chỉ, tạm dừng, điều chỉnh và cho phép chuyển nhượng theo quy định pháp luật.
"Việc triển khai các dự án liên quan đến nhiều công đoạn và nhiều luật như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản… Xác định vi phạm phải làm rõ vi phạm ở giai đoạn nào, từ đó mới xác định được trách nhiệm ở khâu nào", ông Ninh nói.
Đánh giá về các sai phạm của Alibaba, ông Ninh cho biết, công ty này thực hiện các dự án "ma" vi phạm tất cả các luật và phải xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Để tránh các trường hợp như trên, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị địa phương kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và xem xét đề nghị xử lý hình sự.
Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin về chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, phát triển đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đầu tư hạ tầng để người dân biết, tránh tình trạng lừa đảo. Theo quy định, địa phương phải công bố công khai, không công bố là vi phạm pháp luật.
Trước đó, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba mới đây đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình xác minh cho thấy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Công ty Alibaba rao bán nền của 29 dự án. Trong đó, tại huyện Long Thành có 27 dự án, 2 dự án nằm ở huyện Nhơn Trạch và huyện Xuân Lộc là Ali Aqua Nhơn Trạch và Ali Mega Xuân Lộc.
Tuy nhiên, thực tế, cho đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai chưa ban hành bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chấp thuận đầu tư cho Công ty Alibaba thuê đất để thực hiện các dự án ở huyện Long Thành và cả địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Từ năm 2018, chính quyền tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành đã nhận nhiều đơn thư của khách hàng tố cáo việc Công ty Alibaba gian dối trong việc bán đất nền ở Đồng Nai. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, Công ty Alibaba đã trả lại tiền cho khách.
Tương tự, vào cuối năm 2017, Công ty Alibaba cũng đã bị UBND Tp.HCM cấm không cho tham gia các dự án tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, do đơn vị này đã có thái độ bất hợp tác với cơ quan chức năng, vì tự nhận là chủ đầu tư của dự án khu đô thị Củ Chi, dù dự án này chưa được cấp phép.